Thế khó của Tổng thống Biden ở "chảo lửa" Trung Đông
(Dân trí) - Mỹ đang phải cùng lúc đối mặt với hàng loạt bài toán khó tại Trung Đông, từ xung đột giữa Israel và Hamas đến các cuộc tấn công của Houthi tại Biển Đỏ, cũng như mối đe dọa với binh sĩ Mỹ tại khu vực.
Trong gần ba năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Mỹ không đặt trọng tâm vào khu vực Trung Đông. Thay vào đó, ưu tiên của Mỹ là cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như giúp đỡ Ukraine trong xung đột với Nga.
"Tại Trung Đông, chúng tôi cố gắng tăng năng lực kiềm chế trước Iran, giúp các cuộc xung đột khu vực giảm leo thang, tăng hội nhập với các nhóm đối tác đa dạng trong khu vực, cũng như thúc đẩy ổn định năng lượng", Chiến lược An ninh quốc gia năm 2022 của Mỹ viết.
Ban đầu, dường như chính quyền Tổng thống Biden đi đúng hướng. Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với mạng lưới đồng minh, đối tác trong khu vực, thúc đẩy các nước Ả rập và Israel gần gũi nhau hơn. Các cuộc biểu tình ở Iran trong giai đoạn 2022-2023 dường như cũng làm suy yếu Iran, đối thủ lớn nhất của Mỹ. Thị trường năng lượng cũng dần ổn định sau quãng thời gian biến động trong và sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel hôm 7/10/2023 và những diễn biến sau đó đã phá hỏng tất cả. Giờ đây, vấn đề Trung Đông làm tiêu tốn thời gian của các quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ.
"Mỹ không thể làm mọi thứ. Họ đang bị dàn trải quá mức. Họ cần lựa chọn một hoặc hai mặt trận, nhưng họ không thể theo đuổi cả ba cùng một lúc", ông Firas Modad, chuyên gia về Trung Đông, người sáng lập hãng tư vấn Modad Geopolitics, nói với Dân trí.
Thách thức không ngừng
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã đặt ra cho chính quyền Tổng thống Biden nhiều bài toán khó. Ông Biden khó có thể bỏ rơi Israel, đối tác truyền thống, người bạn tin cậy nhất của Mỹ tại Trung Đông. Tuy nhiên, nhiều cử tri của đảng Dân chủ - đặc biệt là nhóm trẻ tuổi và có tư tưởng tự do - bày tỏ sự bất mãn với chính sách của Washington.
Dù vậy, cuộc xung đột tại Gaza chỉ là một phần của vấn đề. Hậu quả của cuộc chiến đã lan ra khắp khu vực, khiến Mỹ hứng chịu tác động về cả uy tín, ảnh hưởng lẫn nhân mạng.
Với lý do ủng hộ người dân Palestine, lực lượng Houthi tại Yemen đã triển khai chiến dịch tập kích các tàu đi qua Biển Đỏ, từ tàu hàng tới cả tàu chiến Mỹ. Tình hình trở nên xấu hơn với chính quyền Tổng thống Biden khi cả các căn cứ của Mỹ trên bộ cũng trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm vũ trang trong khu vực.
Hôm 28/1, ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hơn 30 binh sĩ khác bị thương sau khi một căn cứ Mỹ tại Jordan bị tấn công bằng máy bay không người lái. Trước đó, hai binh sĩ Mỹ cũng mất tích sau khi gặp tai nạn tại biển Ả rập trong một chiến dịch nhằm vào Houthi.
Chuyên gia Modad cho rằng chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Biden đã thất bại, một phần do di sản từ những gì Mỹ đã làm trong 20 năm vừa qua.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều động thái của Mỹ tại Trung Đông không được lòng người dân khu vực. Khảo sát được IIACSS - tổ chức chuyên về tình hình dư luận Trung Đông - thực hiện tháng 10/2023 cho thấy chỉ có 7% số người Ả rập được hỏi cho rằng Mỹ có vai trò tích cực trong xung đột tại Gaza. Ở một số quốc gia như Jordan, con số này chỉ là 2%.
Bên cạnh đó, ông Modad cũng cho rằng chính sách của Mỹ đã thúc đẩy Trung Quốc, Nga và Iran xích lại gần nhau.
Tư lệnh hải quân Iran Shahram Irani hôm 5/2 cho biết ba quốc gia trên sẽ diễn tập hải quân chung trong những tháng tới, Tehran Times đưa tin. Hồi tháng 3/2023, ba nước cũng từng tổ chức tập trận mang tên "Vành đai an ninh hàng hải" ở biển Ả rập.
"Quân đội Mỹ rất tiên tiến về công nghệ, nhưng người Iran đã tìm ra các cách thức rẻ và hiệu quả để đối phó với sự vượt trội về công nghệ của Mỹ", ông Modad nói.
Chính sách lưng chừng
Tính đến nay, các động thái của Mỹ chủ yếu mang tính đối phó với các diễn biến trên thực địa, hầu như chưa thể giải quyết tận gốc tình hình. Chiến sự tại Gaza vẫn tiếp diễn, Houthi vẫn tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào Biển Đỏ, trong khi các căn cứ của Mỹ luôn đối mặt với nguy cơ bị không kích.
Mỹ vẫn tiếp tục chính sách ủng hộ Israel trong xung đột với Hamas. Tuy nhiên, Washington dường như ngày càng mất kiên nhẫn khi xung đột kéo dài tiếp tục gây hại đến uy tín cá nhân của Tổng thống Biden.
Các quan chức Mỹ đã tăng cường kêu gọi các bên đạt được giải pháp ngoại giao, cũng như công bố lệnh cấm cấp visa đối với một số cá nhân Israel được cho có hành vi "gây hại tới hòa bình, an ninh và ổn định tại Bờ Tây". Những động thái này phần nào mang tính cân bằng, nhưng bị phe phản đối coi là chưa đủ.
Tại Biển Đỏ, Mỹ cùng một số đồng minh và đối tác tháng 12/2023 thiết lập liên minh nhằm đối phó với hành động của Houthi. Dù vậy, cơ chế này đã bộc lộ dấu hiệu rạn nứt ngay từ những ngày đầu.
Dù thông báo ban đầu của Mỹ cho biết Pháp, Italy và Tây Ban Nha tham gia liên minh, ba quốc gia châu Âu sớm khẳng định các tàu của nước này sẽ không đặt dưới sự chỉ huy của Mỹ. Bản thân Mỹ cũng tiếp tục thực hiện hàng loạt hành động quân sự nhằm vào Houthi ngoài cơ chế liên minh.
Trong khi đó, đối phó với các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang được cho có quan hệ với Iran trên khắp khu vực, Mỹ phản ứng tương đối thận trọng. Washington dường như cũng muốn "giữ khoảng cách" nhất định, tránh xung đột trực tiếp với Tehran.
Hôm 2/2, quân đội Mỹ đồng loạt không kích 85 mục tiêu tại Iraq và Syria nhằm trả đũa cho cái chết của ba binh sĩ Mỹ tại Jordan trước đó. Theo Reuters, gần 40 người thiệt mạng do các vụ không kích này. Các cuộc tấn công của Mỹ tiếp diễn trong những ngày sau đó. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 4/2 tuyên bố đây chỉ là những hành động khởi đầu.
Tuy nhiên, chính quyền Biden đã bỏ ngoài tai những ý kiến kêu gọi tấn công trực tiếp lực lượng Iran, mặc dù phe "diều hâu" vẫn thúc đẩy nỗ lực này sau vụ tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ. Khi được hỏi liệu Iran có chịu trách nhiệm trực tiếp với cái chết của ba binh sĩ Mỹ hay không, ông Biden tránh trả lời trực tiếp. Thay vào đó, ông Biden chỉ nói rằng Iran "chịu trách nhiệm theo nghĩa họ cung cấp vũ khí cho những người làm điều đó".
Khác với ông Modad, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim cho rằng Mỹ cần giữ vai trò ở cả châu Âu, Đông Á và Trung Đông. Nhận định với Dân trí, ông nói Mỹ nên giữ nguyên mức độ hiện diện quân sự tại Trung Đông như hiện nay, không cần tăng nhưng cũng không nên giảm.
Theo ông Zakheim, để có thể cân bằng giữa ba mối ưu tiên trên, Mỹ không còn lựa chọn nào ngoài tăng ngân sách quốc phòng.
"Trừ khi Mỹ muốn để Trung Đông rơi vào tay Iran, Washington sẽ phải đối mặt với thực tế không mấy vui vẻ: Họ phải nhanh chóng tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Đây có thể là điều khó khăn trong bối cảnh chính trị hiện nay, tuy nhiên, những lựa chọn khác có chi phí còn lớn hơn nhiều", ông Zakheim viết trên Hill.