1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế khó của Thủ tướng Nhật Bản khi cho phép Mỹ đặt hệ thống tên lửa

(Dân trí) - Thủ tướng Shinzo Abe đang phải đối mặt với bài toán khó khăn liên quan tới việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.

Thế khó của Thủ tướng Nhật Bản khi cho phép Mỹ đặt hệ thống tên lửa - 1

Trường học và nhà dân nằm cạnh nơi có thể được triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Araya (Ảnh: Kahoku Shimpo)

Vùng ngoại ô Araya, một khu vực im lìm ở phía tây bắc Nhật Bản, được xem là nơi hoàn hảo để Thủ tướng Shinzo Abe đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Khu vực này cũng là nơi ủng hộ đảng cầm quyền tại Nhật Bản và từng trải nghiệm cảm giác có tên lửa của Triều Tiên bay qua đầu.

Tuy nhiên, người dân ở Araya bắt đầu lo lắng rằng hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển Aegis do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất sẽ biến những ngôi nhà, vốn nằm gần những cánh đồng lúa và bờ biển của họ, thành mục tiêu tấn công hàng đầu của Triều Tiên trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Làn sóng phản đối dự án đã nhanh chóng bùng phát, buộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản phải tiến hành lại cuộc khảo sát để lựa chọn nơi đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

“Tôi không cho rằng hệ thống Aegis là cần thiết, ít nhất tôi muốn họ không đặt chúng ở ngay cạnh khu dân cư. Là một người mẹ có con nhỏ, tôi phản đối ý tưởng này”, nghị sĩ độc lập Shizuka Terata cho biết.

“Xét đến sự hạn chế về ngân sách của Nhật Bản, tôi nghĩ chúng ta nên chi tiêu nhiều hơn vào những thứ có liên quan mật thiết tới sinh kế của người dân”, Terata, nghị sĩ khu vực Akita, nói thêm.

Phản ứng của người dân ở Akita cho thấy dự án triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Akita đã trở thành “tiền tuyến” cho mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên kể từ năm 1988.

Năm 2017, Triều Tiên đã phóng thêm 2 tên lửa bay qua khu vực Hokkaido của Nhật Bản. Bình Nhưỡng được cho là sở hữu hàng trăm tên lửa có khả năng tấn công mọi khu vực trên lãnh thổ Nhật Bản.

“Tôi nghĩ mọi người nên hiểu sự cần thiết của hệ thống phòng thủ tên lửa. Vấn đề chỉ là nơi nào để đặt hệ thống này. Đương nhiên nhiều người không thích đặt chúng gần họ”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tìm cách trấn an người dân rằng khu vực ở Akita và một khu vực khác ở Hagi, thuộc tỉnh Yamaguchi phía tây nam chỉ là hai địa điểm đang được xem xét để lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tuy vậy, người dân Akita vẫn lo ngại về việc hệ thống này nằm quá gần trường học và sóng radar có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Thế khó của Thủ tướng Abe

Thế khó của Thủ tướng Nhật Bản khi cho phép Mỹ đặt hệ thống tên lửa - 2

Thủ tướng Shinzo Abe (Ảnh: AFP)

Sự phản đối của người dân là dấu hiệu mới nhất cho thấy những hạn chế trong nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm cân bằng giữa chính sách hòa bình lâu nay của Nhật Bản với những mối đe dọa mới xuất hiện từ Triều Tiên cũng như mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 5 tỷ USD đang đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn nếu không có một tầm nhìn lớn hơn. Đề xuất ngân sách năm 2020 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bao gồm khoản tiền dành cho việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, tuy nhiên chưa có khu vực nào sẵn sàng để thiết lập hệ thống này.

Để có thể tiếp tục triển khai dự án, Thủ tướng Abe sẽ phải vượt qua sự phản đối của người dân địa phương. Cuộc khảo sát của báo Sakigake Shinpo hồi tháng 7 cho thấy 60% người dân tại khu vực Akita phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ông Abe có thể thực hiện một phương án là chọn một địa điểm khác ở phía bắc Nhật Bản, tuy nhiên ông vẫn có nguy cơ phải đối mặt với phản ứng tương tự của người dân sống ở khu vực đó.

Thủ tướng Abe muốn triển khai dự án Aegis, vốn được thiết kế để theo dõi và đánh chặn tên lửa, để đạt được hai mục tiêu: bảo vệ Nhật Bản trước Triều Tiên, đồng thời xoa dịu những lo ngại về mối quan hệ mất cân bằng giữa Nhật Bản và đồng minh Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2012, ông Abe đã tăng chi tiêu quân sự hàng năm và mua thêm các hệ thống vũ khí của Mỹ như hệ thống Aegis và máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Lockheed Martin sản xuất.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis sẽ giúp Nhật Bản đáp ứng yêu cầu lâu nay của Mỹ về việc Tokyo phải đóng vai trò lớn hơn về an ninh. Đối với Nhật Bản, yêu cầu xích lại gần Mỹ càng trở nên cấp bách hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ông Trump từng trao đổi với các trợ lý thân cận của mình về khả năng rút khỏi hiệp ước phòng thủ kéo dài 6 thập niên với Nhật Bản. Ông chủ Nhà Trắng còn công khai phàn nàn rằng hiệp ước này không bắt buộc quân đội Nhật Bản phải giúp Mỹ phòng vệ.

“Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu cho Chiến tranh Thế giới thứ 3 bằng cả sinh mạng và của cải của chúng tôi. Nhưng nếu chúng tôi bị tấn công, Nhật Bản không phải giúp đỡ chúng tôi. Họ có thể chỉ việc theo dõi cuộc tấn công đó qua tivi Sony”, Tổng thống Trump nói trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business hôm 26/6.

Theo Giáo sư Yasuhiro Takeda tại Viện Quốc phòng Nhật Bản ở Yokosuka, phía nam Tokyo, “chưa bao giờ có một tổng thống nào từng công khai nói về việc phá bỏ liên minh Mỹ - Nhật”.

Vấn đề liên quan tới việc triển khai hệ thống Aegis càng cho thấy thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt trong việc đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Ngoài áp lực về ngân sách và sự thiếu hụt về nhân lực do dân số ngày càng già hóa, Thủ tướng Abe cũng phải tính đến chính sách hòa bình vốn “bám rễ” vào lịch sử của Nhật Bản, trong bối cảnh công chúng vẫn lo ngại về nguy cơ tái diễn những sai lầm từng dẫn tới Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong khi Nhật Bản vẫn đang phải chứng kiến sự phản đối của công chúng về sự hiện diện của hàng nghìn binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản, cũng như những lo ngại về nguy cơ bị lôi kéo vào các cuộc xung đột của Mỹ, nhiều người Nhật Bản cũng chỉ trích nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Abe nhằm xây dựng một lực lượng quân sự độc lập hơn. Ông Abe từng nhiều lần phải hoãn các kế hoạch sửa đổi bản hiến pháp hòa bình do Mỹ soạn thảo, dù chỉ là những sửa đổi rất nhỏ. Việc sửa đổi này sẽ cho phép hợp pháp hóa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Giáo sư Takeda cho rằng Nhật Bản nên tìm cách làm giảm bớt gánh nặng của Mỹ, bằng việc tăng cường năng lực của chính Nhật Bản tại những khu vực nhất định, bao gồm việc trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa.

Thành Đạt

Theo Bloomberg