1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thế giới trông đợi gì nếu ông Putin và ông Trump lần đầu gặp thượng đỉnh?

(Dân trí) - Theo nhiều nguồn tin, hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 2 cường quốc Nga-Mỹ có thể diễn ra tại Áo vào tháng tới. Hội nghị thượng đỉnh này có thể đặt nền móng cho việc giải quyết nhiều vấn đề “nóng” trên thế giới.

Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin gặp nhau lần 1 tại Đức hồi tháng 7 năm ngoái. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin gặp nhau lần 1 tại Đức hồi tháng 7 năm ngoái. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là sẽ gặp nhau vào giữa tháng 7 tại Áo. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ lần thứ 3 hai nhà lãnh đạo gặp mặt đối mặt nhưng là hội nghị thượng đầu tiên giữa họ, dù hai nguyên thủ vẫn điện đàm thường xuyên về những vấn đề mà cả 2 quốc gia đều đang quan tâm.

Hiện thời, Mỹ và Nga đang có quan điểm hoài nghi lẫn nhau. Washington vẫn đang mở cuộc điều tra về nghi vấn Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và mối quan hệ giữa đội ngũ tranh cử của ứng cử viên Donald Trump và điện Kremlin trong sự kiện này. Tới nay, Mỹ vẫn tiếp tục quan ngại rằng Nga có thể sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay.

Tại Nga, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và Putin. Họ băn khoăn liệu ông Trump có thể mang lại điều gì quan trọng và có lợi cho Nga hay không, và kể cả khi ông Trump đề xuất những điều như vậy, liệu quốc hội và ngay cả chính quyền của ông có phản đối hay không.

Theo National Interest, điều mà 2 nhà lãnh đạo quan tâm có lẽ là tình trạng đáng báo động trong quan hệ Nga-Mỹ, có thể dẫn tới những hậu quả cho lợi ích quốc gia của đôi bên và sâu xa hơn là nền an ninh toàn cầu.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dù Nga và Mỹ không đối đầu trực diện về vấn đề quân sự, nhưng trong một số trường hợp, căng thẳng giữa Nga và NATO gần như đã bùng phát thành hành động. Cả Nga và Mỹ đều đầu tư hàng tỷ USD hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, động thái mà cả 2 nhà lãnh đạo cho rằng có thể tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Cuộc gặp sắp tới, nếu diễn ra, có thể không thể giải quyết triệt để những vấn đề quan trọng hàng đầu trong quan hệ Nga-Mỹ. Gần như chắc chắn cả 2 nhà lãnh đạo sẽ không nhượng bộ các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cuộc gặp có thể mở đường cho việc bình ổn quan hệ song phương giữa 2 nước và có thể dẫn tới những kết quả tích cực cho tương lai.

Những kỳ vọng

Một động thái đơn giản nhưng rất quan trọng để giảm thiểu căng thẳng là việc 2 lãnh đạo sẽ khôi phục quan điểm chung của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev trong cuộc gặp thượng đỉnh năm 1986. Quan điểm này cho hay: “Không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân, vì vậy các bên không nên tham gia vào cuộc chiến như vậy”. Trên thực tế, 32 năm trước, các nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã thảo luận về việc hai nước cùng loại bỏ vũ khí hạt nhân, mục tiêu mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng xác nhận và ủng hộ trong cuộc gặp năm 2009.

National Interest cho rằng Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 dường như đã trở nên vô hiệu và việc thực hiện hiệp định New START về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược có thể sẽ không nằm trong chương trình nghị sự song phương trong cuộc gặp lần này. Thay vào đó, Mỹ và Nga cần xem xét lại nỗ lực chung của 2 bên với mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Điều này càng trở nên cấp thiết sau sự kiện Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran và Tehran có xu hướng sẽ tiếp tục phát triển vũ khí, động thái có thể làm tình hình Trung Đông thêm “rối ren”.

Các cuộc xung đột tại Syria và Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và buộc hàng triệu người di cư từ Trung Đông sang châu Âu và xa hơn. Washington và Moscow có thể sử dụng quyền lực và vị thế của họ với các quốc gia có liên quan nhằm giải quyết những căng thẳng trên. Dù trước đó, 2 bên đã thực hiện những bước đàm phán nhỏ, như việc thực hiện hiệp định Minsk về Ukraine và nỗ lực trong việc mở lại đối thoại về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ), nhưng sự quyết tâm chính trị giữa các bên vẫn còn thiếu sót. Vì vậy, một cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga và Mỹ có thể trở thành “cơ hội vàng” để các bên thể hiện cam kết nhằm hỗ trợ cho việc giảm căng thẳng tại Ukraine và Syria.

Cuối cùng, sau hàng năm trời trừng phạt lẫn nhau, quan hệ giữa Nga và Mỹ được cho là không phục vụ cho lợi ích của bên nào. Căng thẳng đã khiến hoạt động trong lĩnh vực như du lịch, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa và giáo dục giữa 2 nước giảm mạnh trong 50 năm trở lại đây. Có thể cuộc gặp lần này sẽ không thể giải quyết ngay được những lệnh trừng phạt, nhưng ít nhất 2 nhà lãnh đạo có thể thống nhất về việc duy trì mối quan hệ giữa các nhà ngoại giao, các nhà lập pháp, các học giả, tổ chức dân sự, các doanh nghiệp giữa 2 nước. Điều này có thể tạo nên nền tảng cho quan hệ hòa bình, đôi bên cùng có lợi.

Đức Hoàng

Theo National Interest

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm