1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới phê phán 'văn hóa súng đạn' của Mỹ

Hàng loạt các tờ báo trên thế giới chỉ trích những đạo luật về sở hữu vũ khí của Mỹ, sau vụ thảm sát tại trường học làm 33 người chết.

Thủ tướng Australia – một trong những nước đồng minh thân thiết nhất của Washington - còn tuyên bố nền văn hóa súng đạn ở Mỹ đang khiến nhiều người phải bỏ mạng.

Các tờ báo trên thế giới gần như có chung một quan điểm đối với luật về vũ khí ở Mỹ: Việc sở hữu súng đạn quá dễ dàng đã làm tăng khả năng xảy ra các vụ bắn súng. Họ cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng súng có thể đã cứu thêm nhiều sinh mạng nếu các sinh viên có vũ khí vào thời điểm đó để bắn hạ kẻ sát nhân.

“Chúng tôi đã hành động để hạn chế việc sở hữu súng và chúng tôi quyết tâm để nền văn hóa súng đạn – vốn là nét tiêu cực ở Mỹ - không trở thành nét tiêu cực ở nước chúng tôi”, Thủ tướng Australia John Howard bình luận. Ông từng đánh cược sự nghiệp chính trị của mình, khi vận động cho những đạo luật cứng rắn về sở hữu vũ khí, sau vụ thảm sát 11 năm về trước. Thảm kịch xảy ra tại một điểm du lịch ở Tasmania khiến 35 người chết. Sau đó, luật kiểm soát vũ khí của Australia đã thay đổi, cấm sở hữu vũ khí tự động và súng ngắn, đồng thời thắt chắt việc cấp phép và cất trữ vũ khí.

Súng ngắn cũng bị cấm ở Anh – quy định khiến cho đội thi đấu Olympic môn bắn súng lục của nước này - không thể tập súng ở chính nước mình. Tại Thụy Điển, dân thường chỉ được cấp giấy phép sử dụng vũ khí, nếu họ có giấy phép săn bắn hay là thành viên của một câu lạc bộ bắn súng và không có tiền án. Còn tại Italy, người dân phải đưa ra một lý do hợp lý khi muốn dùng vũ khí. Súng bị cấm tại Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Mexico, Trung Quốc, Afghanistan và Pháp không chỉ trích Tổng thống Bush hay các luật về vũ khí của Mỹ khi ngỏ lời chia buồn với các nạn nhân. Nhưng những bài báo thì "kém ngoại giao" hơn nhiều.

Tờ Times của Anh bình luận: “Chỉ có những cái tên và những con số là thay đổi. Chúng tôi muốn biết tại sao người Mỹ tiếp tục dung túng các đạo luật về sở hữu súng và một nền văn hóa khiến cho hàng nghìn người vô tội phải chết mỗi năm, trong khi những quy định nghiêm ngặt hơn, như áp dụng tại các nước châu Âu, đã có thể giảm con số này?”

Tờ Le Monde của Pháp thì nhận xét các vụ giết người hàng loạt là một vết đen cho hình ảnh của nước Mỹ: “Sẽ là bất công và sai lầm khi hình ảnh của nước Mỹ là những trận cuồng sát của vài cá nhân đơn lẻ. Nhưng những vụ như vậy hiếm khi xảy ra ở những nước khác và làm xấu đi 'giấc mơ nước Mỹ'”.

Trong số các nạn nhân nước ngoài ở Virginia Tech có các giáo sư Ấn Độ, Israel và Canada đang giảng dạy tại trường. Liviu Librescu, 76 tuổi, một giảng viên môn toán và cơ khí, đã tìm cách ngăn tay súng vào lớp học của mình bằng cách chặn cửa. Sau đó, ông bị bắn chết. Con trai của ông ở Tel Aviv, Joe Librescu, cho biết: "Cha tôi dùng thân mình chặn lối ra và yêu cầu các sinh viên chạy đi”. Vị giáo sư này từng sống sót sau thảm họa diệt chủng người Do Thái thời thế chiến II. Ông chuyển từ Romania đã tới Israel sinh sống, sau đó giảng dạy tại Virginia.

“Nếu việc này có thể đưa tới tranh luận nghiêm túc về những vấn đề kiểm soát súng và các đạo luật về súng ở nước Mỹ, đó sẽ là một điều tốt đẹp sau thảm kịch đau thương này”, Tony McNulty, một quan chức trong Bộ Nội vụ Anh, tốt nghiệp Virginia Tech năm 1982, nhận xét.

Tuy nhiên ngay cả ở Đức, nơi có các luật nghiêm ngặt về sở hữu vũ khí, một thanh niên năm 2002 đã bắn chết 12 giáo viên, một thư ký, hai học sinh và một cảnh sát tại một trường trung học. Vụ tấn công khiến nước Đức nâng tuổi người được quyền sở hữu các loại súng tiêu khiển từ 18 lên 21.

Nhật báo Goteborgs-Posten của Thụy Điển bình luận: “Điều gì đã dẫn tới thảm sát tại Virginia vẫn còn chưa rõ ràng. Nhưng nguyên nhân chính thường là những vấn đề tâm lý của thủ phạm cộng với việc dễ dàng tiếp cận vũ khí”.

Vụ thảm sát được đưa tin rất rầm rộ tại Trung Quốc, một phần vì trường có đông sinh viên quốc gia này theo học. Chỉ có 7% trong số 26.000 sinh viên Virginia Tech là người nước ngoài, trong đó số sinh viên Trung Quốc chiếm tới một phần ba.

Còn tại Italy, nhật báo hàng đầu Corriere della Sera viết một bài bình luận trên trang nhất có tựa đề “Súng giữa siêu thị” và nhận xét: “Vụ tấn công mới nhất tại trường học ở Mỹ có lẽ sẽ đưa tới những phản ứng quyết liệt hơn tại nước này, nhưng không thể thay đổi nền văn hóa của một nước mà khái niệm tự vệ có từ trong ADN và quyền mang súng là không thể bàn cãi”.

Tờ Dario Monitor của Mexico viết trên trang nhất: “Nỗi kinh hoàng quanh trở lại nước Mỹ: 32 người bị giết tại trường đại học”. Còn tờ báo khổ nhỏ Metro của nước này thì so sánh số người bị giết trong ngày do bạo lực liên qua đến ma túy tại Mexico với số người thiệt mạng tại Virginia Tech trong hàng tít: “Mỹ: 33, Mexico: 20”.

Theo MC
VnExpress/ AP