Thế giới "lo sốt vó" vì biến chủng Delta
(Dân trí) - Biến chủng Delta đang khiến mùa hè "mở cử du lịch" của châu Âu vào thế khó, trong khi đang bắt đầu phá vỡ hệ thống phòng thủ của các quốc gia được ca ngợi kiểm soát dịch tốt ở châu Á.
Khi biến chủng Delta, vốn lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây lan mạnh và xuyên thủng cả những hình mẫu chống dịch tốt nhất ở châu Á, các nước đứng trước 2 lựa chọn: tiếp tục phong tỏa hoặc tìm cách "sống chung với lũ" như Singapore đề xuất?
Từ London đến New York và Hong Kong, biến chủng Delta đang lan rộng và có nguy cơ đe dọa thay đổi các kế hoạch quay trở lại cuộc sống bình thường. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, Delta cũng khiến nhiều nước tắt dần hy vọng về "một mùa hè bình thường", ngay cả khi tỷ lệ tiêm vắc xin tăng cao giúp thúc đẩy việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cũng như nối lại hoạt động du lịch.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến chủng này đang tấn công mạnh mẽ ở các quốc gia vốn được coi là hình mẫu chống dịch, đồng thời củng cố sự thận trọng của các nền kinh tế áp dụng chiến lược "chấm dứt đại dịch" dựa vào biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Chiến lược này giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế số ca tử vong, nhưng cũng tác động lớn đến kinh tế và hoạt động đi lại của người dân, trong lúc những khu vực khác trên thế giới đang hướng tới cuộc sống hậu đại dịch.
Biến chủng Delta, hiện đã xuất hiện ở hơn 80 quốc gia, được cho là có khả năng lây lan hơn 60% so với biến chủng Alpha lần đầu tiên được xác định ở Anh, và cao hơn khoảng 50% so với chủng được xác định đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Delta cũng có khả năng kháng vắc xin hơn các chủng khác, mặc dù những người được tiêm đầy đủ vẫn được bảo vệ tốt khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Tại Anh, chính phủ đã quyết định hoãn việc mở cửa hoàn toàn đến ngày 19/7 (kế hoạch là 21/6) trong bối cảnh số ca nhiễm tăng gấp 6 lần kể từ cuối tháng 5, trong đó Delta hiện chiếm khoảng 99% các ca nhiễm mới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu hôm 23/6 cảnh báo biến chủng này sẽ chiếm hơn 90% ca nhiễm mới ở châu Âu vào cuối tháng 8. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên EU cách ly người đến từ Anh, sau đó cũng cảnh báo châu lục này đang "bên bờ vực" do làn sóng lây lan nhanh chóng của biến chủng này.
Tại Singapore, nơi hơn 1/2 dân số đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19, giới chức y tế cũng cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng ca nhiễm gần đây là do chủng Delta. Tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Anthony Fauci hôm 23/6 cho biết, biến thể này chiếm 20% ca nhiễm mới và sẽ là chủng virus chiếm ưu thế trong vòng vài tuần tới, đặt ra "mối đe dọa lớn nhất" cho kế hoạch phục hồi của đất nước.
Tại Indonesia và Thái Lan, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức một con số, Delta đang khiến số ca nhiễm tăng cao, khiến các nhà chức trách ở Jakarta gần đây đã tuyên bố lệnh giới nghiêm ở một số khu vực. Trong khi đó, Singapore, nơi hơn 50% dân số 5,7 triệu người đã được tiêm một liều vắc xin (một trong nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực), các cơ quan y tế đổ lỗi do biến chủng Delta.
Hôm 23/6, các giới chức y tế Hong Kong phong tỏa một khu dân cư sau khi một nhân viên sân bay nhiễm biến chủng Delta, có thể là ca bệnh đầu tiên nhiễm biến chủng này của thành phố. Tại Australia, giới chức bang New South Wales gần đây tuyên bố các biện pháp hạn chế bao gồm lệnh cấm ra khỏi nhà và giới hạn số người tại một số địa điểm sau khi xuất hiện một loạt các ca nhiễm biến chủng Delta.
Karen A. Grépin, phó giáo sư tại Đại học y khoa Li Ka Shing ở Hong Kong, cho biết: "Từ góc độ miễn dịch, các nơi ở châu Á - Thái Bình Dương từng thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, hiện nay làm không tốt hơn với chúng ta một năm trước. Vì vậy nên, nếu những nơi này xuất hiện tình trạng virus lây lan diện rộng trong cộng đồng, chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhập viện và tử vong lớn. Đây là một thách thức quá lớn cho Hong Kong, nơi những người dễ bị tổn thương nhất, những người trên 70, 80 tuổi, có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất".
Mở cửa hay sống chung với virus?
Khi đại dịch sắp đến mốc 18 tháng, biến chủng mới này cho thấy nhu cầu cấp bách của việc tăng cường tiêm vắc xin cũng như những đánh đổi đau đớn khi phải lựa chọn giữa chiến dịch phải chấm dứt đại dịch hoàn toàn hay sống chung với virus.
Mặc dù biến chủng Delta có khả năng lây lan mạnh, hiện vẫn còn những tranh cãi về mối đe dọa thực sự của nó, khi nó dường như chủ yếu chỉ nhắm vào những người chưa tiêm vắc xin. Và nó cũng khiến các giới chức đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc có quyết định sẽ tái khởi động nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh hay không, đặc biệt là khi chiến dịch tiêm vắc xin đang được tăng tốc. Tại Anh, nơi hơn 80% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin, số ca nhiễm mới vẫn tăng mạnh mỗi ngày.
Theo một phân tích của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) mới công bố, vắc xin Pfizer và AstraZeneca có tỷ lệ ngăn bệnh nặng và tử vong hiệu quả tương ứng là 96% và 92% khi tiêm đầy đủ trong khi hiệu quả với một liều tiêm là giảm đáng kể. Cho đến nay, châu Âu, nơi gần 50% dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều, hầu hết đang tính toán mở cửa trở lại bất chấp những lo ngại về nguy cơ lây lan của Delta, biến chủng đã khiến chính quyền Bồ Đào Nha gần đây phải đưa ra lệnh cấm di chuyển không cần thiết ở thủ đô Lisbon.
Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp đều đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội trong những ngày gần đây theo khuyến nghị của EU về việc nên mở cửa biên giới cho du khách đã tiêm đầy đủ.
Jeremy Rossman, chuyên gia về virus học tại Đại học Kent, cảnh báo dù tỷ lệ tiêm chủng cao của Anh giúp giảm số ca tử vong vì Covid-19, nhưng sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta dễ khiến châu Âu mất kỳ vọng về một "mùa hè mở cửa".
Tuy nhiên, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp, các nước rất thận trọng trong việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.
Chính quyền Hong Kong hôm 21/6 thông báo sẽ nới lỏng cách ly tại khách sạn xuống còn 7 ngày đối với hầu hết những du khách đã tiêm vắc xin đầy đủ, mặc dù cố vấn chính quyền David Hui Shu-cheong cảnh báo sẽ có thể thay đổi quyết định nếu các ca nhập cảnh lây lan ngoài cộng đồng. Trong khi đó chính phủ Australia cho biết khó có thể mở cửa biên giới trở lại cho đến ít nhất là giữa năm 2022. New Zealand, quốc gia đã đóng biên từ tháng 3/2020 và hiện tiêm vắc xin đầy đủ cho hơn 10% dân số, chưa đưa ra bất kỳ thời gian biểu nào cho kế hoạch tái mở cửa.
Michael Plank, chuyên gia thống kê tại Đại học Canterbury, New Zealand, cho rằng: "Biến chủng Delta chắc chắn là lý do khiến họ thận trọng, đặc biệt là ở các nước có tỷ lệ tiêm vắc xin còn tương đối thấp". Vì vậy, theo ông, chìa khóa để không bị bỏ lại phía sau là thúc đẩy chiến dịch tiêm vắc xin".
Thira Woratanarat, nhà dịch tễ học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok (Thái Lan) dự đoán biến chủng Delta sẽ thống trị ở châu Á trước cuối năm nay. Ông cho rằng, quyết định mở cửa trở lại phụ thuộc vào các yếu tố như tỷ lệ tiêm vắc xin cao, khả năng kiểm soát đại dịch hiệu quả và năng lực chăm sóc y tế, xét nghiệm.
Thiệt hại kinh tế quá nặng nề
Mặc dù được ghi nhận là giúp ngăn chặn đại dịch hiệu quả, nhưng việc đóng cửa biên giới trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội, đặc biệt với các ngành như du lịch, trong khi các gia đình phải ly tán trong nhiều tháng.
Vào tháng 5, Viện McKell ở Sydney ước tính việc đóng cửa biên giới khiến Australia thiệt hại 203 triệu AUD (157 triệu USD) mỗi ngày. Tại Hong Kong, GDP đã giảm kỷ lục 6 quý liên tiếp trong năm 2019 và 2020, giai đoạn dịch bệnh hoành hành và bùng nổ các cuộc biểu tình quy mô lớn, trước khi phục hồi lại mức tăng trưởng tích cực vào quý I năm nay. Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hong Kong George Leung Siu-kay mới đây cảnh báo nếu tiếp tục đóng cửa, khả năng phục hồi kinh tế của thành phố sẽ tiếp tục bị đình trệ.
Trong một cuộc khảo sát do Bloomberg công bố hôm 25/6, hầu hết những nền kinh tế lớn của châu Á - Thái Bình Dương khó trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch trước năm 2023, trong đó du lịch được coi là một yếu tố quan trọng. Theo giáo sư về chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, Donald Low, chính sự xuất hiện của các biến chủng mới cho thấy một thực tế là xã hội cần học cách sống chung với virus.
Giáo sư kinh tế tại Đại học New South Wales, Gigi Foster cũng cho rằng không nên chú ý quá mức vào các biến chủng vì nó chỉ càng như "đổ thêm dầu vào ngọn lửa sợ hãi" và các cộng đồng cần vượt qua nỗi sợ về Covid-19 để trở lại cuộc sống bình thường.
Trong một dấu hiệu rõ ràng cho thấy xã hội đang có nhận thức ngày càng tăng về việc sống chung với đại dịch, một nhóm 3 bộ trưởng Singapore hôm 24/6 cho biết, chính phủ nước này đang hoàn thiện kế hoạch nhằm cho phép đất nước "sống chung với Covid-19".