Thế giới học được gì từ các "điểm nóng" của siêu biến chủng Omicron?
(Dân trí) - Bằng cách quan sát những diễn biến ở 3 điểm nóng bùng phát biến chủng siêu đột biến Omicron là Nam Phi, Anh và Đan Mạch, thế giới có thể rút ra những bài học chính để ứng phó với chủng này.
Chưa đầy một tháng sau khi lần đầu bị phát hiện ở châu Phi, Omicron đang gây ra những mối lo ngại trên toàn cầu khi chủng này sở hữu nhiều đột biến chưa từng có. Tại 3 "điểm nóng" bùng dịch do Omicron là Nam Phi, Anh và Đan Mạch, các chuyên gia đã quan sát được các xu hướng khác nhau của biện pháp ứng phó.
Anh đang hướng tới việc dùng chiến lược tiêm chủng để đẩy lùi chủng Omicron, với kế hoạch thúc đẩy tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người trưởng thành đủ điều kiện.
Tại Nam Phi, các nhà nghiên cứu nói rằng, dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron gây ra triệu chứng nhẹ hơn, nhưng không rõ đây là kết quả của tiêm chủng hay do các làn sóng bùng dịch từ trước đã giúp người dân có kháng thể.
Trong khi đó, Đan Mạch đang cân nhắc áp dụng các lệnh hạn chế mới để kiểm soát dịch, trong bối cảnh nước này mới đưa nhịp sống trở lại bình thường nhờ độ phủ vaccine cao.
Từ các diễn biến tại 3 "điểm nóng", các chuyên gia đã rút ra được những bài học sau.
Đã quá muộn để ngăn chặn Omicron xâm nhập
Mặc dù rất nhiều quốc gia ban hành lệnh hạn chế đi lại sau khi thông tin về ca Omicron đầu tiên xuất hiện, biến chủng này vẫn lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.
Tổng giám đốc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) General Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi đầu tuần nói rằng 77 quốc gia đã ghi nhận ca mắc Omicron và "thực tế là Omicron có thể đã hiện diện ở hầu hết các nước và chưa bị phát hiện".
"Omicron lây lan với tốc độ chúng tôi chưa từng chứng kiến với bất cứ chủng nào trước đó. Chúng tôi lo ngại mọi người đang xem nhẹ Omicron, cho rằng nó gây ra triệu chứng không nặng. Ngay cả Omicron gây ra triệu chứng nhẹ, việc nó lây lan có thể gây nên số lượng ca bệnh tăng vọt và có thể một lần nữa làm quá tải hệ thống y tế", ông Tedros nói.
Chính phủ Anh đã bỏ 11 nước từ phía nam châu Phi ra khỏi "danh sách đỏ" hạn chế do biến chủng này đã lây lan trong lãnh thổ Anh.
"Tôi cho rằng Omicron sẽ sớm ở khắp mọi nơi. Và có thể Omicron đã hiện diện ở nhiều nước nhưng họ chưa phát hiện ra vì hệ thống xét nghiệm và năng lực giải trình tự gen còn hạn chế", chuyên gia Michael Head từ đại học Southampton, Anh, nhận định.
Omicron có thể không mất nhiều thời gian để trở thành chủng áp đảo
Hai ca Omicron đầu tiên bị phát hiện ở Anh hôm 27/11. Tới ngày 14/12, tức là chỉ hơn nửa tháng, nó đã vượt mặt Delta trở thành chủng áp đảo ở London, theo giới chức Anh.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm 14/12 cảnh báo, số ca Omicron tăng gấp đôi mỗi 2 ngày ở nước này, nhấn mạnh rằng "số ca Omicron tăng ở Anh giờ đây giống như tốc độ mà nó bùng phát ở Nam Phi".
Tới ngày 16/12, Anh ghi nhận 88.376 ca Covid-19 mới, con số cao kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát. Nam Phi cũng ghi nhận số ca bệnh mới cao chưa từng có hôm 15/12.
Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch (SSI) cho biết Omicron dự kiến sẽ trở thành chủng chiếm ưu thế trong tuần này. Gần 10.000 ca bệnh đã được ghi nhận ở Đan Mạch trong 24 giờ qua, SSI ngày 16/12 cho biết.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Fredricksen nói rằng, số ca bệnh là "rất, rất cao" và bà cho rằng "sẽ cần đến các biện pháp mới để ngăn chuỗi lây nhiễm".
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, nói với các nhà lập pháp ở Brussels rằng biến thể Omicron được dự đoán sẽ trở thành biến thể áp đảo tại khối này vào tháng 1/2022.
Quá sớm để kết luận về độc lực của Omicron
Dữ liệu từ Nam Phi đang được xem xét kỹ lưỡng để tìm ra manh mối thêm về Omicron. Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) cho biết: "Mặc dù dữ liệu vẫn đang được thu thập, nhưng bằng chứng cho thấy làn sóng hiện tại (gây ra bởi Omicron) có thể (gây ra triệu chứng) nhẹ hơn.
Một nghiên cứu của công ty bảo hiểm Nam Phi Discovery Health cho thấy vaccine dường như bảo vệ kém hơn trước Omicron, nhưng chủng này dường như gây ra triệu chứng nhẹ hơn.
Theo Bloomberg, trong đợt bùng dịch lần này, Nam Phi ghi nhận tỷ lệ nhập viện giảm 91% nếu so sánh với thời điểm tương đương trong làn sóng lây lan thứ 3.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi và ít lạc quan hơn. Giám đốc Y tế của Anh Chris Whitty cảnh báo rằng số ca Covid-19 hàng ngày của Anh có thể tăng mạnh trong vài tuần tới và khi con số liên tục tăng, nó sẽ kéo theo số lượng lớn người cần nhập viện.
Giới khoa học cần thêm nhiều dữ liệu hơn nữa để đánh giá mức độ nghiêm trọng của Omicron với từng nước và các khu vực có đặc thù khác nhau.
Tại Anh, các nhà khoa học đang nghiên cứu dữ liệu dựa trên dân số đã có 89% người trên 12 tuổi tiêm ít nhất một liều. Nhưng tình hình ở những nơi khác có thể sẽ không giống như vậy do họ chưa đạt được độ phủ vaccine như Anh.
Trong khi đó, tại Nam Phi, các chuyên gia nói rằng, có khả năng nhiều người đã có miễn dịch thông qua vaccine hoặc do mắc Covid-19 trong các làn sóng trước đó. Ngoài ra, dân số của Nam Phi tương đối trẻ. Vì vậy, diễn biến ở Nam Phi cũng có thể khác với những nơi khác.
Chỉ vaccine là không đủ để làm chậm Omicron
Các chuyên gia y tế khuyến nghị rằng, với sự lây lan của biến chủng Omicron, các nước cần tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp phi dược phẩm để làm chậm tốc độ lây lan của virus, như hạn chế tụ tập đông người, yêu cầu giãn cách xã hội.
Ông Tedros kêu gọi: "Các quốc gia có thể và phải ngăn chặn sự lây lan của Omicron bằng các biện pháp tới nay vẫn có hiệu quả. Vaccine không thay thế được khẩu trang. Vaccine không thay được giãn cách hay giữ vệ sinh. Hãy làm mọi biện pháp. Hãy làm một cách nhất quán và làm tốt".
Chuyên gia Head nhấn mạnh, việc áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan rất quan trọng trong khi tăng tốc việc tiêm mũi tăng cường cho dân số thế giới.