1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới dồn dập tăng sức ép lên giới chức quân đội Myanmar

Thành Đạt

(Dân trí) - Cộng đồng quốc tế gia tăng chỉ trích tình trạng bạo lực tại Myanmar khi số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ngày càng tăng.

Thế giới dồn dập tăng sức ép lên giới chức quân đội Myanmar  - 1

Người biểu tình trên đường phố Yangon, Myanmar hôm 17/3 (Ảnh: Reuters).

Thêm 2 người thiệt mạng khi các binh lính Myanmar nổ súng trong đêm 19/3 ở Mogok - thị trấn khai thác đá ruby tại Myanmar, nâng tổng số người chết từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2 ở nước này lên 237.

Cái chết của những người biểu tình cũng không thể dập tắt cơn giận dữ của chính quyền quân sự, cũng như những người phản đối đảo chính. Một số người tham gia biểu tình nói rằng họ sẽ phải điều chỉnh chiến thuật trong bối cảnh bạo lực leo thang.

"Chúng tôi biểu tình ở những nơi không có cảnh sát hoặc quân đội, sau đó khi nghe tin họ đang tới, chúng tôi sẽ giải tán nhanh chóng", Kyaw Min Htike, một người tổ chức biểu tình từ thị trấn Dawei ở phía nam Myanmar, nói với Reuters.

"Tôi không muốn mất đi một người nào trong số đồng bào của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn sẽ biểu tình cho tới khi nỗ lực của chúng tôi giành chiến thắng", Kyaw cho biết.

Tại các thị trấn khác, người dân tụ tập vào ban đêm. Họ cầm nến, trưng biểu ngữ và chụp ảnh cùng nhau trước khi giải tán.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 19/3 đã chỉ trích các hành động bạo lực của quân đội Myanmar. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng cộng đồng quốc tế cần có phản ứng "mạnh mẽ và thống nhất" trong tình huống cấp bách hiện nay.

Báo cáo viên của Liên Hợp Quốc Tom Andrews kêu gọi áp lệnh trừng phạt đối với các cuộc tấn công của các tướng lĩnh nhằm vào dân thường Myanmar.

Hạ viện Mỹ cũng phê chuẩn dự luật lên án cuộc đảo chính tại Myanmar. Các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích các hành vi ngày càng cứng rắn của quân đội Myanmar nhằm vào người biểu tình.

Trong khi đó, chính quyền Myanmar siết chặt biện pháp hạn chế dịch vụ Internet, khiến cho việc truyền tải thông tin ngày càng khó khăn, đồng thời trấn áp truyền thông tư nhân.

Đại sứ của các nước phương Tây đã lên án tình trạng bạo lực tại khu công nghiệp Hlaing Tharyar ở thủ phủ thương mại Yangon - nơi có hàng chục người thiệt mạng chỉ trong vài ngày, sau khi các nhà máy của Trung Quốc bị đốt phá vào cuối tuần trước.

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt, gồm đóng băng tài sản và cấm thị thực, đối với 11 sĩ quan quân đội và cảnh sát Myanmar vào ngày 22/3.

Các nước Đông Nam Á lên tiếng

Các nước láng giềng châu Á đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Myanmar, dù các nước này nhiều năm nay vẫn tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, một trong số lãnh đạo khu vực có tuyên bố gay gắt nhất, nói rằng ông đã đề nghị Brunei, nước chủ tịch ASEAN, kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp.

"Indonesia kêu gọi việc sử dụng vũ lực tại Myanmar phải chấm dứt ngay lập tức để không có thêm nạn nhân nào nữa. Sự an toàn và thịnh vượng của người dân phải là ưu tiên hàng đầu", Tổng thống Widodo nói trong bài phát biểu trực tuyến.

Ủng hộ lời kêu gọi triệu tập cuộc họp của Indonesia, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết ông lo ngại trước việc sử dụng vũ lực nhằm vào dân thường không có vũ khí.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cũng tuyên bố ASEAN phải hành động.

Singapore lên án bạo lực và cuộc đảo chính dẫn đến bạo lực tại Myanmar, đồng thời kêu gọi trả tự do cho cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi.

Tuy nhiên, quân đội Myanmar cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ nhượng bộ. Trong khi đó, bà Suu Kyi vẫn tiếp tục đối mặt với các cáo buộc mới.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar