1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới đang bên bờ vực suy thoái mới

(Dân trí) - Kinh tế thế giới đang đứng trước bờ vực suy thoái mạnh và sẽ chứng kiến sự tăng trưởng yếu ớt trong hai năm tới. Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo trên trong báo cáo nhan đề "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2012” công bố ngày 17/1.

Thế giới đang bên bờ vực suy thoái mới - 1
Kinh tế thế giới chưa thể phục hồi trong nay mai 

Báo cáo cho biết kinh tế toàn cầu chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% trong năm 2012 và 3,2% trong năm 2013, so với 4% của năm 2010. Tuy nhiên, những mốc tăng trưởng này cũng chỉ có thể đạt được khi châu Âu ngăn chặn thành công căn bệnh nợ công trầm kha trong khi các nước phát triển ngừng áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Cũng theo báo cáo, các nước phát triển có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái mới do tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng từ những khoản nợ công khổng lồ, thị trường tài chính bấp bênh, nhu cầu tiêu dùng thấp và sự tê liệt về chính sách. Tất cả những vấn đề này đều đang hiện hữu và chỉ cần một trong số đó xấu đi cũng đủ gây ra sự hỗn loạn nghiêm trọng về tài chính và sụt giảm tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi vẫn tiếp tục là động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng trung bình 5,4% năm 2012 và 5,8% năm 2013, mặc dù thấp hơn nhiều so với tốc độ 7,1% của năm 2010.
 
Trong số những nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc và Ấn Độ được đánh giá sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng mạnh với biên độ giảm dần trong các năm 2012 và 2013. Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm từ 10,3% năm 2010 xuống còn 9,2% năm 2011 và dưới 9% trong 2 năm tiếp theo. Tỷ lệ này ở Ấn Độ được dự báo dao động trong khoảng 7,7 - 7,9% trong năm nay và năm tới, so với 8,5% năm 2010.
 
Về vấn đề việc làm, LHQ ước tính thế giới thiếu 64 triệu việc làm trong năm 2011. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển trung bình lên đến 8,3%, cao hơn nhiều so với 5,8% thời kỳ tiền khủng hoảng. Gần 1/3 trong đội quân thất nghiệp - tương đương 15 triệu lao động - phải chịu cảnh "ăn không ngồi rồi" từ hơn một năm nay và tình trạng này sẽ còn kéo dài, tác động bất lợi tới người lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ở những nước đang phát triển và hầu hết khu vực Mỹ Latinh, mức tăng việc làm có phần mạnh hơn nhưng rất nhiều người vẫn đang đối mặt với nguy cơ tái thất nghiệp bất cứ lúc nào. LHQ dự báo nếu các nước phát triển tiếp tục tăng trưởng chậm như dự báo thì hết năm 2015, thế giới vẫn chưa thể trở lại tỷ lệ người có việc làm như thời kỳ tiền khủng hoảng.

Trong báo cáo, LHQ cũng cho rằng việc các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, không giải quyết được vấn đề nợ công và không ổn định được khu vực tài chính sẽ tạo nguy cơ nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013. Vi vậy, LHQ hối thúc các nước phát triển không áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" một cách vội vàng, đồng thời kêu gọi thế giới tăng cường phối hợp các biện pháp kích thích kinh tế nhằm tạo việc làm, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, sử dụng năng lượng hiệu quả, đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và an ninh lương thực.

 Vũ Anh
Theo Reuters, AFP, AP