Thế giới của Gordon Brown
(Dân trí) - Gordon Brown sẽ thay đổi những gì trong chính sách đối ngoại của nước Anh khi ngày hôm nay, 27/6, ông kế nhiệm Tony Blair làm thủ tướng?
Đánh giá chung
Gordon Brown vẫn còn đang là một ẩn số trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Có thể miêu tả ông như một người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương và không nên đánh giá thấp sự ủng hộ Mỹ của ông, cho dù ông có thể sẽ không gần gũi Tổng thống Bush như Thủ tướng Tony Blair.
Với châu Âu, có thể ông sẽ suy nghĩ thực dụng, hơn là trở thành một người ủng hộ hội nhập. Cho dù ông đã ủng hộ một cách thầm lặng những cuộc can thiệp của ông Blair ở Iraq, Kosovo, Sierra Leone và Afghanistan - nhưng vẫn không rõ ông sẽ tiếp tục những hành động can thiệp như thế nào. Khi còn là Bộ trưởng Tài chính, ông đã nghiêng về các sáng kiến xóa nợ và viện trợ, vì thế, ông được trông đợi sẽ tiếp tục chính sách này.
Quan hệ với Mỹ
Ông được trông đợi sẽ giữ khoảng cách với Tổng thống Bush ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, ông Brown cũng có quan hệ gắn bó với nước Mỹ, không phải là một người chống Mỹ và chắc chắn ông không có ý định chống lại chính phủ Mỹ. Ông thích tìm hiểu và đồng cảm với chính trị và lịch sử Mỹ, biết một số nhà lãnh đạo chính trị Mỹ, đặc biệt là của đảng Dân chủ. Có thể ông sẽ làm thất vọng những người muốn nước Anh độc lập, quyết đoán với chính quyền Bush. Tất nhiên, nhiều chuyện sẽ phụ thuộc vào các quyết định về vấn đề Iraq của ông.
Iraq
Ông chưa tuyên bố rút quân khỏi Iraq, nhưng đã có ý nói rằng ông sẽ xem lại quân đội Anh nên ở đó bao lâu. Gần đây ông đã phát biểu: "Là thành viên Nội các, tôi có trách nhiệm đối với các quyết định của tập thể, và tôi tin rằng các quyết định đó đều đúng đắn, nhưng hiện nay chúng ta đang ở một giai đoạn mới".
Chính sách hiện nay của Anh là tái cơ cấu 5.500 lính Anh ở Iraq vào một căn cứ, nhưng chưa có một lịch trình cụ thể cho việc rút quân hoàn toàn. Ông Blair luôn nhấn mạnh rằng quân Anh sẽ phải ở lại Iraq cho đến khi nào có sự ổn định. Còn ông Brown lại có nhiều lựa chọn linh hoạt hơn. Đây có thể là một bài kiểm tra cho tính độc lập với chính sách của Mỹ. Các cố vấn quân sự của ông cũng có thể khuyên ông nên rút khỏi đây càng sớm càng tốt, có thể trong vòng một năm để tránh rắc rối.
Afghanistan
Khi chính sách của Anh ở Iraq chuyển dần sang giai đoạn rút quân, những cam kết của quân đội Anh trong cuộc chiến chống Taliaban ở Afghanistan sẽ phải tăng lên và tổng số lính được dự đoán sẽ tăng đến gần 80.00 người cuối năm nay. Có lẽ ông Brown sẽ không thay đổi cam kết này. Ông đã lựa chọn một thái độ cứng rắn trong cuộc chiến chống lại al-Qaeda và tin tưởng rằng không thể tái cơ cấu quân đội ở Afghanistan. Nhưng Afghanistan cũng có thể trở thành một vấn đề đối với ông.
Chủ nghĩa khủng bố quốc tế
Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng ông Brown sẽ không tham gia tích cực. Ngược lại, gần đây ông đã đề nghị những điều luật đối nội cứng rắn hơn, cho thấy ông nghĩ rằng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo quốc tế và trong nước đều là một sự đe dọa nghiêm trọng.
Khi còn làm Bộ trưởng, ông đã ngăn chặn những nguồn tài chính cho khủng bố. Trong một bài phát biểu năm 2006 ông đã tuyên bố: "Vấn đề khủng bố toàn cầu phải được đấu tranh ở mức độ toàn cầu – với mọi phương tiện mà chúng ta có: quân đội, an ninh, tình báo, kinh tế và văn hóa".
Iran
Ông Brown được trông đợi sẽ tiếp tục ủng hộ lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với Iran vì những hoạt động hạt nhân của quốc gia này. Khi được hỏi gần đây liệu ông có loại trừ khả năng tấn công Iran hay không, ông đã trả lời: "Chúng ta muốn dàn xếp hòa bình đối với vấn đề Iran". Điều này phù hợp với chính sách hiện nay của chính phủ Anh, nhấn mạnh về giải pháp đa phương nhưng không loại trừ hành động quân sự. T
uy nhiên, một trong những đồng minh chính trị thân cận nhất của ông Brown, cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw thì nói rằng: "Tôi không tin rằng hành động quân sự có hiệu quả trong bất kì vấn đề nào. Chúng ta không thể bào chữa cho nó". Vì thế, khó có thể trông đợi ông Brown ủng hộ hành động quân sự.
Trung Đông
Gordon Brown không tỏ ra quân tâm nhiều đến các vấn đề Israel/Palestine như Tony Blair. Vì thế nước Anh có thể sẽ không đóng vai trò chính dưới thời Brown. Việc bổ nhiệm Simon McDonald, cựu Đại sứ Anh ở Israel vào cương vị cố vấn chính sách đối ngoại đã làm hài lòng người Israel, những người coi McDonald là "một người bạn của Israel". Một trong những mối quan tâm chính của ông Brown có thể là phát triển kinh tế đối với người Palestine. Trong chuyến thăm Israel và Palestine năm 2005, ông đã hội đàm với các bộ trưởng kinh tế của cả Israel và Palestine, lần đầu tiên trong nhiều năm qua.
Sudan/Zimbabwe
Gần như chắc chắn ông Brown sẽ ủng hộ lệnh cấm vận Sudan ở Hội đồng Bảo an trong vấn đề Darfur và có thể gặp phải khó khăn khi quyết định gửi quân đội tới củng cố vùng cấm bay ở Darfur, nếu điều này được Hội đồng Bảo an thông qua.
Zimbabwe có thể sẽ là vấn đề nếu như tình hình ở đây xấu hơn, nhưng ông Brown sẽ làm việc với các quốc gia láng giềng để gây áp lực với ông Mugabe trong khi vẫn sẵn sàng viện trợ.
Liên minh châu Âu
Vấn đề lớn nhất trong Hiệp ước EU đã được giải quyết tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels, nhưng vị Thủ tướng mới của Anh sẽ phải thông qua những chi tiết cuối cùng. Khi còn là Bộ trưởng, ông Brown quan tâm nhiều đến các chính sách thực tế của EU hơn là những cuộc tranh cãi về thể chế. Ông gắn tương lai của nước Anh trong EU với sự linh hoạt, thị trường tự do và sự thực dụng.
Một nghiên cứu trong tạp chí Vấn đề Quốc tế hồi tháng ba đã kết luận rằng ông sẽ trở thành một "đối tác khó chịu" hoặc một "người chơi thực dụng" chứ không phải là người muốn đặt nước Anh lên hàng đầu trong tiến trình hội nhập EU. Cố vấn EU của ông là một quan chức của Ngân khố, John Cunliffe, người rất hiểu những suy nghĩ của ông Brown về châu Âu. Ông Brown đã không để nước Anh gia nhập vào khu vực đồng Euro và chắc chắn chính sách này sẽ được tiếp tục. Các cuộc tranh luận sắp tới có thể còn về vấn đề thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Brown muốn ủng hộ các ngành công nghiệp mà Tổng thống mới của Pháp Nicolas Sarkozy cũng ủng hộ, cải cách chính sách nông nghiệp và đóng góp ngân sách của nước Anh.
Thay đổi khí hậu
Ông Brown đã được ủy quyền và chấp nhận các kết quả của báo cáo về thay đổi khí hậu của Ngài Nicholas Stern hồi tháng mười năm ngoái, nói rằng sự nóng lên toàn cầu có thể khiến nền kinh tế thế giới sụt giảm 20%. Ông còn ủng hộ EU và Anh cắt giảm lượng khí thải carbon.
Vì thế, ông được coi là ủng hộ cho hành động quốc tế vì thay đổi khí hậu toàn cầu, chủ đề luôn được ưu tiên thảo luận tại các diễn đàn kinh tế thế giới. Hồi tháng ba năm nay, ông đã nói: "Việc thành lập hiệp ước này phải trở thành một hiệp ước quốc tế mới để cắt giảm lượng khí thải nhà kính cho sau năm 2012". Ông nói thêm: "Mong muốn của tôi là xây dựng một thị trường khí carbon toàn cầu, dựa vào Kế hoạch Buôn bán Khí thải của EU và được đặt trụ sở tại London". Ông thậm chí còn mời cả cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore làm cố vấn và việc hành động chống lại sự nóng lên của trái đất sẽ là một vấn đề nữa mà ông sẽ làm khác với Tổng thống Bush.
Viện trợ và phát triển
Đây là một lĩnh vực mà Gordon Brown đã đặt được dấu ấn từ khi còn làm Bộ trưởng. Ông đã có sáng kiến giảm nợ cho "Các nước Nghèo Nợ nhiều". Ông đề xuất sáng kiến Trợ giúp Tài chính Quốc tế để giúp những nước nghèo gây vốn. Ông ủng hộ sáng kiến G8 năm 2005 để tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi. Theo Ngân khố Anh, ông sẽ phải tăng ngân sách viện trợ của Anh tới "gần 6,5 tỉ bảng mỗi năm trong năm 2007-08 – tăng 140% kể từ năm 1997". Vì vậy, ông được trông đợi sẽ chủ động hơn trong lĩnh vực này khi làm Thủ tướng Anh.
Long Nguyễn
Theo BBC