1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới có thể cần 7 năm mới trở lại bình thường vì đại dịch Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một mô hình tính toán của hãng tin Bloomberg (Mỹ) chỉ ra rằng, với tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 như hiện nay, thế giới sẽ phải mất 7 năm mới trở lại cuộc sống bình thường.

Thế giới có thể cần 7 năm mới trở lại bình thường vì đại dịch Covid-19 - 1

Nhân viên y tế tiêm phòng vắc xin cho một người mặc trang phục múa rối truyền thống của Indonesia tại Solo, Trung Java. (Ảnh: Reuters)

Theo Bloomberg, tốc độ tiêm vắc xin là một trong những tiêu chí để trả lời cho câu hỏi khi nào đại dịch Covid-19 mới thực sự chấm dứt. Sau hơn 1 năm hoành hành khắp thế giới, căn bệnh này đã lây lan cho hơn 105 triệu người và làm 2,29 triệu người thiệt mạng.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci ước tính rằng khi một quốc gia có từ 70-85% người dân được tiêm vắc xin, nước này sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19 và cuộc sống có thể trở lại bình thường.

Mô hình tính toán của Bloomberg chỉ ra rằng một số quốc gia đang tiến nhanh hơn nhiều quốc gia khác trong nỗ lực tiêm chủng. Israel, quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới hiện tại, dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêm phòng được cho 75% dân số, mỗi người 2 mũi vắc xin, trong 2 tháng. Trong khi đó, Mỹ dự kiến đạt được mục tiêu trên trước năm 2022.

Tuy nhiên, hiện tốc độ tiêm chủng ở những nước giàu có tại phương Tây đang nhanh hơn rất nhiều phần còn lại. Vì vậy, theo cách tính của Bloomberg, cả thế giới sẽ phải cần tới 7 năm để hoàn thành được mục tiêu 75% dân số được tiêm chủng, nếu giữ tốc độ tiêm phòng như hiện tại.

Mặc dù vậy, đây không phải là con số chính xác tuyệt đối vì nó chỉ dựa trên giả thuyết là tốc độ tiêm chủng giữ nguyên ở mức hiện tại. Nếu các nước tăng tốc tiêm chủng, thời gian để thế giới trở lại bình thường sẽ giảm xuống.

Ví dụ, dựa theo tốc độ tiêm chủng của Canada hiện tại, nước này có thể cần tới 10 năm để đạt được mức 75% dân số được tiêm phòng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Canada sẽ phải giãn cách xã hội trong một thập niên tới mà con số 10 năm giống như "lời cảnh tỉnh" tới giới chức nước này về tính cấp thiết của việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Nhìn chung, tốc độ tiêm chủng trên thế giới sẽ tăng trong thời gian tới khi thị trường có thêm nhiều vắc xin. Một số nhà máy sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới ở Ấn Độ và Brazil hiện mới bắt đầu quy trình sản xuất.

Theo Bloomberg, hiện có khoảng 100 thỏa thuận đã được các bên thống nhất trên thế giới, tương đương với hơn 8,5 tỷ liều vắc xin đã được ký hợp đồng để phân phối.

Ứng viên vắc xin mới của Johnson & Johnson (Mỹ) cho thấy kết quả thử nghiệm khả quan và nó chỉ cần tiêm 1 mũi/liều, khác với một số vắc xin phải tiêm 2 mũi/liều để hoàn thành phác đồ tiêm chủng. Nếu ứng viên vắc xin tiêm 1 mũi được cấp phép, tốc độ tiêm chủng có thể sẽ được cải thiện nhanh hơn.