1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hiệp định Khí hậu Paris:

Thế giới chung tay cứu Trái Đất

(Dân trí) - Hiệp định chống biển đổi khí hậu được toàn thể 195 nước tham gia đàm phán thông qua ngày 12/12/2015 được đón nhận và ngợi ca bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tất các các chính phủ hợp tác với nhau bảo vệ môi trường và tương lai Trái Đất với một mục tiêu đầy cao vọng.

Thế giới chung tay cứu Trái Đất - 1

(Từ trái sang phải): bà Chistina Figueres, các ông Ban Ki-Moon, Laurent Fabius và Francois Hollande vui mừng thông báo Hiệp định về khí hậu đã được thông qua ngày 12-12-2015 tại Bourget. (Ảnh AFP)

Có ít nhất ba điểm trọng yếu trong hiệp định mà từ nay có thể gọi là "Hiệp định Paris mang tính lịch sử", thay thế Nghị định thư Kyoto được thông qua từ năm 1997.

Thứ nhất là trong lúc nhiều người lo ngại không đạt được chuẩn mực giới hạn 2°C thì mục tiêu cao vọng hơn 1,5°C được ghi vào thỏa thuận. Thắng lợi bất ngờ này nhờ vào đòi hỏi kiên định của các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và các quốc đảo Thái Bình Dương. Sự kiên định này cuối cùng đã được Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ủng hộ, dẫn tới kết quả chung cuộc khả quan như trên.

Thứ hai là từ nay "toàn thế giới" cùng nhau hợp tác, chia sẻ trách nhiệm chung. Những nước phát triển giàu có phải tài trợ 100 tỷ USD hàng năm cho các nước đang phát triển để đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu và chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Ngân sách này sẽ được xem xét lại vào năm 2025.

Thứ ba là lần đầu tiên cuộc đấu tranh dài hơi của các tổ chức phi chính phủ, của phong trào xã hội công dân đã thúc đẩy giới chính trị phải có hành động, không thể viện lý do lợi ích kinh tế trước mắt để hy sinh tương lai của các thế hệ mai sau.

Hiệp định Khí hậu Paris lập tức được nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ hoan nghênh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những nguyên thủ đầu tiên lên tiếng đón mừng thỏa thuận. Ông Obama đánh giá đây là "cơ hội tốt nhất để cứu hành tinh trước đe dọa biến đổi khí hậu". Chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh đến "khúc quanh lịch sử" khi tất cả các quốc gia đã cùng chung tiếng nói trước thách thức khí hậu.

"Thỏa thuận Paris không cho phép giải quyết tất cả mọi vấn đề, nhưng đây là cơ sở cần thiết và mang tính lâu bền để đối phó với khủng hoảng khí hậu", Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh.

Thế giới chung tay cứu Trái Đất - 2

Tổng thống Mỹ Barack Obama tại phiên Khai mạc COP21 ngày 30-11-2015. (Ảnh AFP)

Từ New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bày tỏ hài lòng với văn bản cuối cùng vừa được thông qua. Ông Modi nêu rõ: "không có người thắng hay kẻ thua. Phần thắng đã thuộc về Công lý… Thành quả có được tại Paris là nhờ sự khôn khéo của tập thể của các nhà lãnh đạo trên thế giới để giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây nên".

Thủ tướng Anh David Cameron nêu rõ với thỏa thuận vừa đạt được, toàn thế giới cùng "bảo đảm tương lai cho các thế hệ sau ".

Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc nhấn mạnh đến tính chất "lịch sử của thỏa thuận Paris cho những thế hệ mai sau".

Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi cộng đồng quốc tế "bắt tay ngay vào việc để hàng tỷ người trên Trái Đất được sống trong những điều kiện an toàn hơn"...

Trong khi đó, giới khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường vẫn tỏ ra dè dặt và vạch rõ cần có những nỗ lực bổ sung.

Thế giới chung tay cứu Trái Đất - 3

Tuần hành tại Paris kêu gọi hành động quyết liệt chống biến đổi khí hậu ngày 12-12-2015. (Ảnh: Coalition Climat 21)

Theo nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc GIEC, để duy trì nhiệt độ khí quyển tăng không quá 2°C từ nay cho đến cuối thế kỷ thì lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030 không được quá 40 tỷ tấn. Thế nhưng, các cam kết của các nước cộng lại đã cho đáp số không dưới 55 tỷ tấn.

Do vậy, theo Hiệp hội môi trường Pháp Fondation Nicolas Hulot, nếu các nước ký kết hiệp định không xem xét lại mục tiêu cam kết tại Le Bourget vào 5 năm tới, thì mục tiêu 1,5°C có nguy cơ... sẽ không bao giờ đạt được(?)

Quý Cao (Theo RFI)