1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

COP 21 đưa ngày 12/12/2015 đi vào lịch sử

(Dân trí) - 12/12, sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng trong đó có hai đêm thức trắng, với tư cách Chủ tịch Hội nghị Liên hiệp quốc về khí hậu COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã trình bày bản Dự thảo Thỏa thuận toàn cầu trước đại biểu của 195 quốc gia tại Le Bourget, ngoại ô Paris.

COP 21 đưa ngày 12/12/2015 đi vào lịch sử - 1

Dự thảo Thỏa thuận được phân phát cho các đoàn đại biểu vào lúc13h30 ngày 12/12. (Ảnh: AFP)

Theo Ngoại trưởng Fabius, Dự thảo Thỏa thuận là một văn bản “đúng đắn, bền vững, năng động, cân đối và mang tính ràng buộc về pháp lý”. Bản dự thảo đề nghị thế giới hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức dưới 2°C và sẽ cố gắng giới hạn ở mức 1,5°C để có thể giảm đáng kể các nguy cơ và tác động của biến đổi khí hậu.

Mục tiêu 1,5°C là yêu cầu của hơn 100 quốc gia, không chỉ gồm những nước bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, mà cả của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, những nước như Ả Rập Xê Út, Nga và Ấn Độ, tức là trong số những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, thì vẫn chống lại mục tiêu đó.

COP 21 đưa ngày 12/12/2015 đi vào lịch sử - 2

Từ trái sang: bà Segolene Royalel các ông Francoise Hollande, Laurent Fabius và Ban Ki-Moon tại Bourget ngày 12/12. (Ảnh: AFP)

Một trong những điểm mấu chốt của Thỏa thuận là việc thiết lập một cơ chế rà soát lại các cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước. Cơ chế này vẫn trên cơ sở tự nguyện. Việc rà soát lại các cam kết này sẽ diễn ra 5 năm một lần và mỗi nước sẽ trình bày cam kết lần sau cao hơn so với lần trước.

Lần rà soát đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2025. Nhưng các tổ chức phi chính phủ cho rằng lịch trình này quá chậm trễ, nên khó có thể hy vọng hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới 2°C.

Về tài chính, ông Fabius cho biết là khoản tiền 100 tỷ USD/năm mà các nước phía Bắc hứa cho các nước phía Nam để giúp thực hiện các chính sách về khí hậu sẽ là mức khởi điểm cho thời kỳ sau năm 2020, năm mà theo dự kiến Thỏa thuận Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực. Một mức tài trợ mới sẽ được ấn định chậm nhất là vào năm 2025.

Tiếp lời Ngoại trưởng Pháp, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki - Moon kêu gọi toàn bộ các quốc gia tham dự hội nghị COP21 hãy “hoàn tất công việc” bằng cách thông qua Thỏa thuận nói trên.

Đây cũng là lời kêu gọi của Tổng thống Pháp François Hollande. Ông đề nghị các đại biểu ở Le Bourget đưa thứ Bảy 12/12/2015 thành  “một ngày không chỉ mang tính lịch sử, mà còn là một ngày vì nhân loại”.

Quý Cao (theo RFI)