1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thế giới chạy đua nghiên cứu về biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Nam Phi

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu di truyền học thế giới đang chú ý tới biến chủng mới của Covid-19, tên gọi C.1.2, sau khi nó xuất hiện tại hầu hết các tỉnh của Nam Phi và 7 nước khác trên thế giới.

Thế giới chạy đua nghiên cứu về biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Nam Phi - 1

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại một trung tâm ở Cape Town, Nam Phi (Ảnh: Reuters).

Các nhà khoa học Nam Phi ngày 30/8 thông báo đã xác định được một biến chủng virus SARS-CoV-2 mới đáng lo ngại, tên gọi C.1.2, với khả năng lây nhiễm mạnh hơn và có thể kháng vắc xin hơn so với những biến chủng trước đây. Bộ Y tế Nam Phi cho biết đã gửi cảnh báo đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về biến chủng C.1.2 đáng quan tâm này.

C.1.2 đã được phát hiện tại hầu hết các tỉnh của Nam Phi và 7 nước khác ở khu vực châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại dương.

Biến chủng C.1.2 là gì?

Các nhà khoa học Nam Phi cho biết, C.1.2 là thể đột biến trên nền biến chủng C.1, dòng virus chiếm đa số trong các ca nhiễm ở Nam Phi hồi giữa năm ngoái. Biến chủng C.1.2 có khoảng 44-59 đột biến so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Theo họ, "các chùm đột biến đáng lo ngại" trên biến chủng C.1.2 "liên quan tới khả năng lây nhiễm gia tăng" và giúp virus né tránh hệ miễn dịch của con người tốt hơn.

Thậm chí, phiên bản này thể hiện một số thay đổi đối với protein đột biến, giúp virus bám vào các tế bào khỏe mạnh. Một số đột biến protein có liên quan đến việc tăng khả năng truyền qua các biến chủng khác.

Trong bài đăng trên trang dữ liệu y tế medRxiv.org, các nhà khoa học đã giải thích kỹ về việc C.1.2 có khả năng "lẩn tránh" những kháng thể trung hòa nhóm 3 gặp ở người khỏi bệnh hay được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Ngoài ra, C.1.2 có tỷ lệ khoảng 41,8 lần đột biến mỗi năm. Tốc độ lây lan của biến chủng này nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ lây lan toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Nó chứa những đột biến đáng lo ngại, trong đó có khả năng xóa mã gien di truyền bên trong protein gai để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người, khiến nó trở nên khó khống chế hơn.

C.1.2 đã lây lan đến đâu?

Chủng C.1.2 được các nhà khoa học phát hiện lần đầu vào tháng 5 vừa qua, với các ca nhiễm Covid-19 ở tỉnh Gauteng, nơi có hai thành phố quan trọng hàng đầu Nam Phi là Johannesburg và Pretoria, và tỉnh láng giềng Mpumalanga.

Lúc đó, C.1.2 chiếm 0,2% số trình tự gen được giải mã ở Nam Phi. Nhưng tỷ lệ này đã lần lượt tăng lên mức 1,6% vào tháng 6 và 2% vào tháng 7, tương tự những gì được quan sát trong những ngày đầu của các biến chủng Beta và Delta.

Tính đến ngày 20/8, 80 trình tự khớp với dòng C.1.2 đã được liệt kê trên cơ sở dữ liệu truy cập mở của Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu cúm gia cầm (GISAID).

Kể từ đó đến nay, chủng virus mới này đã xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh thành của Nam Phi và lan ra 7 quốc gia khác ở khắp các châu lục. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lo ngại chủng C.1.2 thực tế còn lan rộng hơn thế, dựa trên sự gia tăng nhất quán của số lượng bộ gien C.1.2 ở Nam Phi hàng tháng, tương tự sự gia tăng được quan sát thấy ở cả hai biến chủng Beta và Delta khi lây lan.

Cần nghiên cứu thêm

Thứ trưởng Y tế Nam Phi Anban Pilla cho biết, sự phổ biến của biến chủng mới trong các mẫu đã được thử nghiệm "ở giai đoạn này là rất thấp".

Các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu các đột biến trên C.1.2 có làm cho nó dễ lây lan hay gây bệnh nặng hơn không. Báo cáo của nhóm chuyên gia Nam Phi đã nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm về C.1.2 để xác định liệu nó có "cạnh tranh" với chủng Delta đây lây lan nhanh và nguy hiểm nhất hiện nay hay không.

Trang WTNH dẫn lời tiến sĩ Richard Martinello của trường Yale Medicine (Mỹ) cho biết, điều đáng lo ngại về biến chủng mới này ngay bây giờ là tỷ lệ đột biến của nó.

"Trong báo cáo sơ bộ này, tốc độ đột biến của nó dường như nhanh hơn so với các loại virus khác mà chúng ta từng thấy trước đây", tiến sĩ Martinello nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông vẫn còn rất sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chính thức nào và cần theo dõi thêm.

Hiện các chuyên gia cũng đang xem xét hiệu quả của các vắc xin đối với chủng mới này và kết quả có thể được công bố trong vài tuần nữa.

Theo CNN, vẫn còn quá sớm để WHO chỉ định đây là chủng lo ngại hoặc đáng lo ngại, vì vậy nó vẫn chưa có ký hiệu bảng chữ cái Hy Lạp. WHO hiện chỉ liệt kê 4 biến chủng đáng lo ngại, dễ lây truyền hơn, ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc trốn tránh các xét nghiệm, vắc xin hoặc phương pháp điều trị gồm Alpha (B.1.1.7); Beta (B.1.351); Gamma (P.1); và Delta (B.1.617.2).

Tiến sĩ Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, lưu ý hiện rất ít người nhiễm Covid-19 được phát hiện là bị nhiễm biến chủng C.1.2.

"Tại thời điểm này, C.1.2 dường như không tăng mức độ lây nhiễm", bà nói thêm và cho biết WHO sẽ cập nhật cho mọi thông tin mới nhất trên trang web và thông qua cuộc họp báo.

Các nhà khoa học thuộc Viện quốc gia Nam Phi về các bệnh truyền nhiễm và Krisp - một tổ chức nghiên cứu ở tỉnh KwaZulu-Natal cho biết nhóm đang "đánh giá tác động của biến chủng này đối với quá trình trung hòa kháng thể", xem xét cả những người đã được tiêm và chưa tiêm vắc xin.

Trong một cuộc họp báo hôm 30/8, Giám đốc Krisp, Tulio de Oliveira, cho biết nhóm kỳ vọng sẽ có kết quả nghiên cứu về C.1.2 trong vòng một tuần.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm