1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới chao đảo vì đối đầu Mỹ-Trung Quốc

Những căng thẳng kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây ra các tác động xấu đến không riêng gì cả hai nước mà còn ở quy mô toàn cầu.

Hôm 15-6, chính quyền Mỹ đã công bố danh sách gồm hơn 800 mặt hàng nhập khẩu chiến lược của Trung Quốc (TQ) vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 25% kể từ ngày 6-7, trong đó có xe hơi. Không chịu thua thiệt, TQ đáp trả bằng tuyên bố sẽ áp thuế 25% lên 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, từ đậu nành cho đến ô tô, hải sản.

TQ “ăn chả” thì Mỹ “ăn nem”

Tổng giá trị đánh thuế của mỗi nước ước tính vào khoảng 50 tỉ USD. Số tiền thuế trên ước tính có giá trị tương đương hơn 1/3 sản lượng xuất khẩu của Mỹ vào TQ, trong khi chỉ bằng khoảng 1/10 ở chiều ngược lại. Số thuế này chưa bằng 0,1% GDP của mỗi nước nhưng sẽ tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế của mỗi quốc gia.

Theo chuyên gia kinh tế Linda Yueh, “động thái can thiệp nào giữa hai nước cũng sẽ làm ảnh hưởng đến mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể để lại nhiều hệ quả dài hạn”. Các công ty đầu tư ở cả hai quốc gia, đơn cử như Apple, cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại. Vào tháng 4 năm nay, IMF đã cảnh báo tăng trưởng GDP của TQ sẽ sụt giảm 0,5% và còn tiếp diễn nếu tình hình không được cải thiện.

Ước tính giao dịch thương mại với TQ giúp người dân Mỹ tiết kiệm được 850 USD một năm và số tiền này có thể được đầu tư vào nền kinh tế hay giúp người dân có thêm việc làm. Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ còn dự báo mỗi hộ gia đình sẽ phải chi thêm 1.700 USD trong năm đầu tiên nếu lệnh áp thuế có hiệu lực. Các doanh nghiệp và người dân Mỹ có thể hưởng lợi khi thịt heo, các loại hạt và thực phẩm khác từ TQ sẽ có giá cao hơn nhưng chính quyền của ông Trump sẽ phải thật cân nhắc với quyết định của mình. Chính sách thuế đáp trả của TQ được cho là tập trung vào nhiều nhóm hàng mang tính chiến lược chính trị như nước cam, bắp, hay đậu nành, vốn là các sản phẩm chủ lực của các bang tự do trong chiến dịch bầu cử tổng thống.

Quỹ Nghiên cứu thuế cho biết thuế đối với nhôm và thép của TQ sẽ mang lại rất ít tăng trưởng hoặc cải thiện tiền lương nhưng sẽ kéo theo 45.000 việc làm về dài hạn. Nhiều người lo ngại, chính sách đối đầu trên sẽ gây ra hậu quả tương tự như nhiệm kỳ của Tổng thống Bush vào năm 2002. Khi đó, thép nhập khẩu được đánh thuế lên đến 30% làm các công ty cắt giảm nhu cầu khiến gần 200.000 công nhân sản xuất Mỹ bị mất việc, theo số liệu của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Tiêu Dùng (CITAC).

Các công ty của Mỹ và TQ đang phải xoay xở trước những diễn biến chính trị. Đơn cử như SunPower, một công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời ở California đã hoãn kế hoạch mở rộng trị giá 20 triệu USD của mình và cho biết sẽ cắt giảm 150-250 nhân viên.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đưa TQ và Mỹ tiến vào một cuộc chiến tranh thương mại nguy hiểm. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đưa TQ và Mỹ tiến vào một cuộc chiến tranh thương mại nguy hiểm. Ảnh: REUTERS

Ảnh hưởng đến toàn thế giới

Giá vàng thế giới đã giảm 22 USD/ounce dù đang ở đỉnh 11 tháng liên tiếp. Công ty cố vấn Oxford Economics dự báo cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ thổi bay 0,5% tăng trưởng kinh tế thế giới 2019. Chỉ số Nikkei Nhật Bản giảm 4,5%, chỉ số tổng hợp Thượng Hải mất 3,4%, chỉ số Kospi Hàn Quốc chịu tình trạng tương tự với 3,2%, trong khi tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Down Jones sụt 200 điểm do lo ngại của các nhà đầu tư.

Viện nghiên cứu C. D. Howe của Canada cho biết Canada sẽ bị thiệt hại nặng nhất trong vấn đề thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu. Theo nghiên cứu của viện, sản lượng nhập khẩu toàn cầu sẽ giảm 24 tỉ USD, trong đó Canada chịu đến 7,3 tỉ, TQ 2,7 tỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mexico chịu tổng cộng khoảng 3 tỉ và phần còn lại của thế giới sẽ cắt giảm 9 tỉ USD.

Ngân hàng trung ương Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2018 xuống một nửa ở mức 2% và cảnh báo rằng những bất ổn “sẽ còn lớn hơn đáng kể so với hiện tại”. Chưa kể, nếu hàng hóa của TQ tìm cách đến châu Âu thay vì Mỹ, người tiêu dùng sẽ được lợi nhờ giá hàng hóa nhưng các nhà sản xuất tại đây sẽ khó cạnh tranh hơn.

“Bắc Kinh có thể sẽ nhắm đến các thị trường khác, bao gồm Nam Mỹ”, theo Allan von Mehren, nhà kinh tế Đan Mạch. Đây sẽ là một cơ hội cho các nhà xuất khẩu ngũ cốc như Brazil và Argentina, trong khi giá thịt heo từ TQ vào Mỹ tăng lại là một tin tốt cho các nhà cung cấp khác như Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch. Các công ty châu Âu cũng sẽ được lợi khi máy bay Airbus có nhiều lợi thế hơn Boeing.

Trước đó vào tháng 4, tại Hội nghị trọng điểm châu Á DSB, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã cảnh báo tác động tiêu cực của đối đầu thương mại Mỹ-Trung đối với thế giới. Không chỉ làm phương hại tin tưởng lẫn nhau, ngăn cản sự hợp tác trên các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống khủng bố hay vấn đề Bắc Triều Tiên, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến các nước châu Á rất khó khăn khi phải đứng giữa hai ông lớn.

Các nước châu Á đứng giữa hai làn đạn

“Các nền kinh tế châu Á có thể bị ảnh hưởng đáng kể trong một cuộc chiến thương mại toàn diện do đây là các nền kinh tế định hướng xuất khẩu... và là những nhà cung cấp chính cho TQ”, theo lời ông Chua Han Teng, Viện nghiên cứu BMI. Ông cũng cho biết các trung tâm tài chính lớn như Hong Kong và Singapore, vốn phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực sản xuất của TQ, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Paul Chan Mo-po, ban thư ký tài chính Hong Kong, đã cảnh báo rằng tranh chấp thương mại có thể ảnh hưởng đến 1/5 việc làm của thành phố.

Ông Steven Schwartz, Giám đốc công ty xếp hạng quốc gia Fitch, cho biết: “Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Malaysia đều nằm trong diện bị ảnh hưởng do các mặt hàng xuất khẩu của các nước này đa số sẽ được TQ gia công rồi bán sang Mỹ”.

Tommy Wu, chuyên gia kinh tế của Oxford Economics, cho rằng “Nhật Bản cũng có thể gặp rủi ro”. Nước này đã xuất khẩu gần 700 tỉ USD hàng hóa trong năm ngoái với TQ và Mỹ là những đối tác thương mại hàng đầu. Nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan còn đối mặt với nguy cơ lớn hơn nếu chiến tranh thương mại nổ ra. Nếu Bắc Kinh nhượng bộ Washington, Bắc Kinh có thể hướng đến các nhà cung cấp chất bán dẫn Mỹ nhằm giảm thặng dư thương mại 100 tỉ USD, vốn là mặt hàng chiến lược của ba nước trên.

Ai được lợi?

Artyom Lukin, chuyên gia chính trị quốc tế tại Trường ĐH Viễn Đông Vladivostok, cho biết Nga có thể bù đắp nhu cầu đậu nành của TQ. Các nhà sản xuất thịt heo Nga cũng có thể hưởng lợi từ sự sụt giảm doanh số của Mỹ.

Trong khi đó, Philippines cũng có thể hưởng lợi nhờ tăng cường xuất khẩu nhôm và thép, theo lời thư ký bộ thương mại Ramon Lopez vào hôm qua. Khoảng 16,9% các lô hàng xuất khẩu của Philippines nằm trong chuỗi giá trị của TQ với mặt hàng đóng vai trò như nguyên liệu đầu vào để TQ xuất khẩu. Tỉ lệ này lần lượt là 11,4% cho Malaysia và 2,2% cho Việt Nam, theo Ngân hàng RHB.

Nhà kinh tế học Lee Heng Guie, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Malaysia, cho biết: “Các nhà trồng dầu cọ của Malaysia sẽ hưởng lợi từ việc TQ giảm sức mua đậu nành từ Mỹ, mặc dù Indonesia cũng sẽ cạnh tranh để tăng sản lượng xuất khẩu cho TQ”. Các công ty Úc cũng sẽ được hưởng lợi khi rào cản thuế đến hai thị trường Mỹ và TQ cạnh tranh lẫn nhau.

Như vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra sẽ đem lại hậu quả không nhỏ cho kinh tế thế giới. Đối với Mỹ và TQ, sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc giữa hai nền kinh tế sẽ khiến các chính sách thuế có tác động xấu lên cả chính mình và đối phương và thậm chí còn ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Ở châu Á, các nước sẽ phải tỉnh táo và cân nhắc thận trọng các bước đi của mình để vừa không bị cuốn vào vòng xoáy giữa hai nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, vừa có thể khai thác tối đa các lợi thế mà căng thẳng thương mại có thể đem lại. Ngày 30-6, chính quyền của ông Trump sẽ có công bố chính thức về chính sách thuế của mình. Cả thế giới đang quan sát xem liệu Washington có thật lòng muốn đàm phán với TQ ngay bây giờ, hay sẽ thẳng tay áp thuế để chờ kết quả rồi mới đàm phán tiếp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm