1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới Ảrập trong cơn chấn động thực sự của “Cách mạng hoa Nhài”

(Dân trí) - Sau Tunisia, Ai Cập, đã đến Yemen, Syria và Jordan, “cách mạng hoa Nhài” đang tạo ra một cơn chấn động lan toả ngày càng dữ dội khắp thế giới Ảrập.

 
Yemen với “ngày thịnh nộ”

Trường hợp của Yemen là thí dụ điển hình mới nhất về hiện tượng “vết dầu loang”, xuất phát từ Tunisia. Hôm nay, hàng chục ngàn người Yemen lại xuống đường và thông báo kế hoạch về một “ngày thịnh nộ” để đòi hỏi Tổng thống nước này phải từ chức, bất chấp Tổng thống Ali Abdullah Saleh vừa tuyên bố sẽ không tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

Thế giới Ảrập trong cơn chấn động thực sự của “Cách mạng hoa Nhài”  - 1

Người Yemen thông báo kế hoạch về một “ngày thịnh nộ” vào hôm nay.

Phải nói là thái độ phẫn nộ của người dân Yemen đối với Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã lên rất cao, đặc biệt là vào lúc ông này đang tìm cách bám víu vào quyền lực độc tôn và bị nghi ngờ là muốn thiết lập chế độ cha truyền con nối.

Ông Ali Abdullah Saleh đã làm Tổng thống Yemen từ 32 năm nay. Không những dự định tiếp tục ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, đương kim Tổng thống Yemen còn bật đèn xanh cho các nghị sĩ trong đảng cầm quyền của ông điều chỉnh Hiến pháp để ông được làm Tổng thống suốt đời. Không chỉ thế, phe đối lập tại Yemen còn cho rằng ông cũng đang âm mưu để con trai trưởng của ông, hiện chỉ huy một đơn vị tinh nhuệ trong quân đội Yemen, lên kế vị ông làm Tổng thống.

Các biến cố tại Tunisia và Ai Cập như đã làm cho người dân Yemen phấn chấn trở lại. Trong những ngày gần đây, hàng chục ngàn người liên tục xuống đường phản đối Tổng thống Saleh tại thủ đô Sanaa. Bốn người đã toan tính tự thiêu.

Trước phong trào chống đối, Tổng thống Saleh đã cố gắng trấn an. Thoạt đầu ông đã tung ra một loạt những biện pháp xã hội và kinh tế, trong đó có việc tăng tiền lương, với hy vọng là có thể thuyết phục được dân chúng Yemen, bị xếp vào diện nghèo nhất trên bán đảo Ảrập. Trên bình diện chính trị, ông Saleh cho biết là sẽ dời cuộc bầu cử mà ông dự trù vào tháng 4 tới đây, và sẽ không tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ nữa. Mặt khác ông Saled cho biết là sẽ cho dừng kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, cũng như tuyên bố chống lại hình thức cha truyền con nối trong chính trị. Nhưng tình hình không có dấu hiệu lắng dịu.

Jordan: Có cải tổ, biểu tình vẫn lan rộng

Tại Vương Quốc Jordan lân, một đồng minh thân cận của Mỹ, kể từ ngày 14/1 vừa qua, các cuộc biểu tình của người dân chống nghèo khó và bất công cũng liên tục xảy ra. Tình hình này khiến chính quyền lo ngại, và Quốc vương Abdullah II đã phải giải tán nội các và bổ nhiệm tân thủ tướng, giữa lúc phong trào biểu tình ở nước này lan rộng cùng xu hướng căng thẳng ở Tunisia và Ai Cập.
 
Thế giới Ảrập trong cơn chấn động thực sự của “Cách mạng hoa Nhài”  - 2
Những người biểu tình Jordan hô khẩu hiệu chống chính phủ ở Amman.

Sau cuộc xuống đường rầm rộ của hàng ngàn người dân theo lời kêu gọi của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ngày 28/1, kêu gọi cải cách và thay đổi chính phủ, ngày 1/2 vừa qua, vua Abdullah đã cách chức thủ tướng của mình để thay thế bằng một cựu thủ tướng, nguyên là cựu cố vấn quân sự của nhà vua.

Nhưng làn sóng bất bình vẫn âm ỉ. Dân chúng Jordan đòi chính phủ trợ giúp vì giá lương thực tăng cao và họ cũng tố cáo chính phủ không ra sức chống tham nhũng. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, dù phong trào Hồi giáo đối lập có thế lực ở Jordan khẳng định không có ý định lật đổ Quốc vương Abdullah.

Syria: Không còn là manh nha

Ngay cả tại Syria, phong trào phản kháng cũng manh nha trong những ngày gần đây.
 
Thế giới Ảrập trong cơn chấn động thực sự của “Cách mạng hoa Nhài”  - 3

Cuộc xuống đường của người dân Syria.

Ngay sau khi nổ ra các biến cố tại Tunisia và Ai Cập, Tổng thống Syria al Assad đã không ngần ngại gọi phong trào phản đối trong khu vực là một “loại bệnh tật”. Đối với ông, vùng Trung Đông bị lâm vào cảnh “trì trệ”, nhưng theo ông al Assad, “các vi trùng đang lây nhiễm” trong khu khu vực sẽ không thể lan qua đất nước của ông, mà ông theo ông rất “ổn định”.

Thế nhưng, mới đây, trên mạng Facebook, một lời kêu gọi đã được tung ra để yêu cầu người Syria tập hợp vào ngày hôm nay, 4/2 để phản đối tình trạng “tham nhũng và bạo ngược” tại nước này.

Ai Cập trước viễn cảnh hỗn loạn:

Trở lại Ai Cập: Tổng thống Hosni Mubarak đã đồng ý sẽ từ chức vào tháng 9, nhưng những người biểu tình muốn ông phải ra đi ngay lập tức. Trước áp lực mạnh từ phía người biểu tình và quốc tế, Tổng thống Mubarak hôm qua cho biết ông muốn từ chức ngay lập tức, nhưng lo sợ nếu ông làm vậy, đất nước sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn.
 
Thế giới Ảrập trong cơn chấn động thực sự của “Cách mạng hoa Nhài”  - 4
Hậu quả những cuộc biểu tình ở Ai Cập.

Trong lần trả lời phỏng vấn đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng nổ, ông nói với hãng tin ABC News rằng ông đã "chán ngấy" quyền lực. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng đảng Huynh đệ Hồi giáo sẽ nhảy vào chiếm khoảng trống quyền lực nếu ông ra đi. Ông Mubarak bác bỏ việc chính quyền ông đứng đằng sau tình trạng bạo lực hai ngày qua, nhưng nói tình trạng đó khiến ông “rất ưu phiền”.

Trong khi đó, diễn biến ở Ai Cập vẫn theo chiều hướng căng thẳng. Các lực lượng an ninh của Ai Cập hôm qua đã bắt một số người biểu tình giữa lúc bạo động làm ít nhất 5 người chết và hàng trăm người bị thương - cuộc đối đầu trái ngược hẳn với cảnh biểu tình ôn hòa từ cả tuần qua.

Chính phủ yêu cầu ngưng biểu tình và đối thoại nhưng người biểu tình chỉ muốn ông Mubarak từ bỏ quyền lực, ra khỏi nước, hoặc sẽ bị mang ra xử. Người biểu tình dọa sẽ có biểu tình lớn vào hôm nay, 4/2, thời hạn chót mà họ nói Tổng thống phải ra đi.

Tunisia: Vẫn trong tình trạng giới nghiêm:

Trước tình hình mất an ninh, cướp bóc, những tin đồn về các hành vị bạo động, gây hoảng hốt trong dân chúng mấy ngày qua, như những tin người mang dao, súng đến bắt cóc học sinh ở các trường học, và nỗi bất bình âm ỉ ngay trong hàng ngũ công chức, chính quyền mới ở Tunis đã phải hành động mạnh, tạo sự tin tưởng, nhưng mặt khác cũng để loại trừ những âm mưu thành phần chống đối hoạt động, gây rối.
 
Thế giới Ảrập trong cơn chấn động thực sự của “Cách mạng hoa Nhài”  - 5

Cảnh sát chống bạo động Tunisia bắt một người biểu tình sau khi tấn công vào khu cắm trại của những người phản kháng trước Văn phòng Thủ tướng ngày 3/2.

Chính quyền Tunis bắt đầu tiến hành việc thanh lọc hàng ngũ cảnh sát vốn được xem là chỗ dựa của chế độ Tổng thống đã bỏ chạy Ben Ali. Khoảng 30 viên chức cao cấp đã bị cách chức, lãnh đạo cảnh sát ở 7 khu vực then chốt đã bị thay thế, một cựu Bộ trưởng Nội vụ đã bị tạm giam.

Thủ tướng Moahammad Ghannouchi đã đảm bảo là tình hình đã trở lại bình thường và kêu gọi dân chúng hãy kiên nhẫn và trở lại làm việc. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì lệnh giới nghiêm ban hàng từ ngày 13/1. Riêng Mặt trận ngày 14/1 tập hợp 10 đảng bị cấm hoạt động thời ông Ben Ali, hôm qua tiếp tục đòi giải tán Quốc hội để thành lập một quốc hội lập hiến và tổ chức Đại hội quốc dân để bảo vệ thành quả cuộc cách mạng Tunisia.

Hà Khoa
Tổng hợp