1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thấy gì từ chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?

(Dân trí) - Vừa đến Việt Nam vào ngày 3/6 và trước khi có các cuộc hội đàm với các quan chức Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đi thăm cảng Cam Ranh, trong bối cảnh hai nước đang tìm kiếm tăng cường hợp tác.

  
Thấy gì từ chuyến thăm VN của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đón tiếp người đồng cấp Hoa Kỳ Leon Panetta tại trụ sở Bộ Quốc phòng ngày 4/6.
 
Đây là lần đầu tiên, kể từ khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc vào năm 1975, một bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới cảng Cam Ranh. Chuyến thăm này được xem là một động thái mang tính biểu tượng rất cao, cho thấy rõ quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang được cải thiện.

 

Cảng Cam Ranh nằm giữa dãy núi tây Việt Nam và Biển Đông, được đánh giá là cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Người Pháp đã xây cảng Cam Ranh từ thế kỷ 19 thành nơi đóng tàu. Sau khi được mở rộng, cảng này trở thành căn cứ quân sự.

 

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, từ năm 1965, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã giao cảng Cam Ranh cho phía Mỹ quản lý. Sau năm 1975 Việt Nam cho hải quân Liên Xô thuê trong vòng 25 năm. Và khi Liên Xô tan rã, hải quân Liên bang Nga đã trả lại cảng này cho Việt Nam vào năm 2002.

 

Từ đó, Việt Nam cho khai thác cảng Cam Ranh với mục đích thương mại. Vào cuối năm 2010, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến việc mở cửa, phát triển cảng Cam Ranh để đón tiếp tàu bè nước ngoài theo khía cạnh thương mại của dự án.

 

Do có vị trí địa lý quan trọng, cảng Cam Ranh được cho là đã lọt vào “tầm ngắm” của nhiều quốc gia có lợi ích thiết thân trong việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. Theo thời báo Financial Times, ngoài Hoa Kỳ, hải quân của một số quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và cả Nga đều quan tâm đến Cam Ranh.

 

Giới phân tích cho rằng, trước việc chính quyền Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, nhiều quốc gia trong vùng, tuy có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế, đã từng bước nhích lại gần Hoa Kỳ.

 

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho biết, Hà Nội và Washington có thỏa thuận, theo đó, Việt Nam đồng ý đón nhận và tiến hành các sửa chữa nhỏ đối với các tàu phi tác chiến của Mỹ. Đa số các sửa chữa gần đây được thực hiện ở cảng Cam Ranh. Trong chuyến công du Việt Nam lần này, có thể bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Panetta sẽ thúc giục Việt Nam nên linh hoạt hơn trong việc áp dụng thỏa thuân nói trên.

 

Vào lúc Mỹ chuyển hướng chú ý sang châu Á và đặc biệt có kế hoạch tăng cường sự hiện diện của hải quân ở trong vùng châu Á -Thái Bình Dương, thì cảng Cam Ranh, theo giáo sư  Carl Thayer, là nơi lý tưởng đối với Washington.

 

Theo thẩm định của Trung tâm nghiên cứu chiến lược an ninh mới của Mỹ, một tổ chức được đánh giá là thân cận với tổng thống Barack Obama, được AFP trích dẫn, thì “Việt Nam là nước nắm giữ chiếc chìa khóa tạo thế cân bằng lực lượng trong khu vực Biển Đông.”

 

Điều này được khẳng định trong tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta vào hôm qua khi thăm cảng Cam Ranh. Ông cho rằng cảng Cam Ranh đóng vai trò quan trọng trong chính sách chuyển hướng sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. “Việc tàu hải quân Mỹ được tiếp cận cảng là một nhân tố chủ chốt trong mối quan hệ này và chúng tôi nhìn thấy khả năng lớn ở đây”, ông cho biết trên boong tàu USNS Richard E. Byrd, tàu chở hàng của hải quân Mỹ hiện đang neo đậu để sửa chữa tại cảng.

 

“Khi chúng tôi dịch chuyển tàu từ các cảng của chúng tôi ở Bờ Biển Tây (West Coast) và các căn cứ của chúng tôi ở đây, trên Thái Bình Dương, việc có thể làm việc với các đối tác như Việt Nam, có thể dùng những cảng như Cam Ranh đặc biệt quan trọng”, ông khẳng định.
 

Tiến trình trao đổi, hợp tác quân sự Việt-Mỹ

 

Theo giáo sư  Carl Thayer, năm 2003, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đồng ý tiến hành trao đổi các chuyến viếng thăm ở cấp bộ trưởng Quốc phòng, ba năm một lần. Theo đó, năm 2003 bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phạm Văn Trà đã thăm Washington. Năm 2006, bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld công du Hà Nội. Đến năm 2009, bộ trưởng Quốc phòng, tướng Phùng Quang Thanh thăm Washington. Chuyến đi Hà Nội hồi tháng 10/2010 của cựu bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates không nằm trong thỏa thuận trao đổi các cuộc viếng thăm cấp bộ trưởng. Bộ trưởng Gates đã tới Hà Nội để dự lễ khai mạc Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

 

Chuyến công du tới Hà Nội của bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta từ 3-5/6 này nằm trong hướng trao đổi các cuộc viếng thăm đã được thỏa thuận. Thời điểm chuyến đi lần này của Bộ trưởng Panetta là ông kết hợp với việc tham dự Đối thoại thường niên Shangri-La, được tổ chức tại Singapore.

 

Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến hành đối thoại về quốc phòng trong 8 năm qua. Cùngvới thời gian, cuộc đối thoại này đã mở rộng, với sự tham gia của các quan chức cao cấp.

 

Cuộc đối thoại quốc phòng Việt-Mỹ thường niên đầu tiên diễn ra vào năm 2004. Bốn năm sau, cuộc đối thoại này được nâng lên thành Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng, với sự tham gia của các quan chức cao cấp trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng hai nước.

 

 Đến năm 2010, đối thoại quốc phòng Việt-Mỹ được nâng cấp khi cuộc Đối thoại về Chính sách Quốc phòng đầu tiên được tổ chức giữa các sĩ quan quân đội cao cấp của bộ Quốc phòng Việt Nam và của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ở cấp thứ trưởng.

 

Giáo sư Carl Thayer cho rằng Hoa Kỳ tiến hành đối thoại chiến lược với Việt Nam như là một phần trong chính sách liên kết chính thức của Mỹ. Hoa Kỳ mong muốn thể chế hóa quan hệ hợp tác quốc phòng qua một số lĩnh vực. Ví dụ, Việt Nam chấp nhận thực hiện các sửa chữa nhỏ đối với các tàu phi tác chiến của hải quân Mỹ. Đa số các sửa chữa gần đây được tiến hành trong khu vực dân sự của vịnh Cam Ranh.

 

Tháng 9/2011, tại cuộc Đối thoại về Chính sách Quốc phòng lần thứ hai, Việt Nam và Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ chính thức đầu tiên về hợp tác quốc phòng. Biên bản này bao gồm 5 lĩnh vực ưu tiên: Thiết lập đối thoại cấp cao đều đặn giữa hai bộ Quốc phòng, an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai.

 

Chuyến công du của bộ trưởng Panetta sẽ có mục đích là thúc đẩy thỏa thuận để đạt được các bước tiến trong những lĩnh vực hợp tác này. Ngoài ra, ông Thyer cho rằng Bộ trưởng Panetta sẽ tìm kiếm một sự cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Tuyên bố hợp tác sơ khởi về quân y, được ký kết hồi tháng 8/2011. Hoa Kỳ đề nghị đưa sang Việt Nam một đơn vị nghiên cứu y tế. Đây sẽ là một bước tiến lớn bởi cho đến nay, không có sự hiện diện của các nhân viên mặc quân phục Mỹ, ngoài những người làm việc tại Phòng Tùy viên Quân sự.

 

Bộ trưởng Panetta cũng sẽ tìm cách thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai, chống khủng bố, chống buôn lậu ma túy, không phát triển vũ khí hạt nhân và an ninh hàng hải. Việt Nam sẵn sàng đóng góp đầu tiên vào việc giữ gìn hòa bình quốc tế trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc. Giáo sư Carl Thayer cho rằng Bộ trưởng Panetta sẽ nêu lên vấn đề làm thế nào để Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình này.

 

Vũ Quý

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm