1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thay đổi để dễ đổi thay

Dư luận trong và ngoài khu vực đang quan tâm tới chuyến thăm Nhật Bản và các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc và Trung Quốc trong tháng 2 của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken.

Ông Antony Blinken
Ông Antony Blinken
 
Bởi đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Antony Blinken, người từng giữ chức Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, là trợ lý thân cận của Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden, kể từ khi nhân vật số 2 trong giới ngoại giao Mỹ nhậm chức (9/1/2015).

Và việc chọn châu Á là điểm đến sau khoảng 1 tháng nhậm chức của ông Antony Blinken cho thấy, trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama vẫn không thay đổi, đó là quyết tâm theo đuổi chiến lược “xoay trục”.

Ngày 4/2, Hãng Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, Tokyo sẽ xem xét khả năng triển khai tuần tra trên trời và trên biển ở Biển Đông và đây là động thái có thể khiến căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc càng gia tăng. Ngày 3/2, khi trả lời câu hỏi về việc Tư lệnh Hạm đội 7 Robert Thomas nói rằng, Mỹ hoan nghênh Nhật Bản mở rộng tuần tra ở Biển Đông, để đối phó với số lượng ngày càng tăng của tàu Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho rằng, tình hình Biển Đông ảnh hưởng đến an ninh quốc gia đất nước mặt trời mọc, nhưng hiện Tokyo vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho vấn đề nhạy cảm này.

Cũng trong ngày 3/2, tờ Tin tức Trung Quốc cảnh báo, nếu Tokyo điều lực lượng Phòng vệ Trên không và Trên biển đến Biển Đông tuần tra, Bắc Kinh sẽ sử dụng các biện pháp đáp trả nghiêm khắc như sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, đẩy nhanh việc xây dựng căn cứ ở Biển Đông… Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ khuyến khích Nhật Bản triển khai lực lượng quân sự ở Biển Đông cho thấy, Washington đã hụt hơi, lực bất tòng tâm trong quá trình triển khai chiến lược “xoay trục” sang Châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng ngày 3/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, phải sửa đổi Hiến pháp để bảo vệ mạng sống và tài sản của công dân Nhật Bản khi ông đề cập tới thất bại trong nỗ lực bảo vệ 2 con tin bị nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt giữ và sát hại. Được biết, Chính phủ và liên minh cầm quyền ở Nhật Bản muốn giữ nguyên đạo luật liên quan đến tình huống ở các khu vực xung quanh đất nước mặt trời mọc và việc này trái ngược với kế hoạch ban đầu là hủy bỏ. Trước đó, ông Shinzo Abe cũng tuyên bố, Tokyo không nên áp đặt giới hạn địa lý đối với các địa điểm mà Lực lượng Phòng vệ (SDF) có thể được triển khai để bảo vệ đồng minh trong quyền phòng vệ tập thể. Điều này cho thấy, Nhật Bản cân nhắc tới khả năng sử dụng vũ lực trên toàn cầu.

Giới truyền thông Nhật Bản từng quan ngại về bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe khi ông lược bỏ những nội dung quan trọng trong Tuyên bố Murayama, do cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama đưa ra cách đây hơn 21 năm (1994-2015) - thừa nhận đế quốc Nhật từng xâm lược, gây nhiều thiệt hại và đau thương cho các nước châu Á. Ngày 25/1, khi xuất hiện trên Đài Phát thanh truyền hình Nhật Bản (NHK), ông Shinzo Abe cho biết, sẽ có bài phát biểu vào 15/8, ngày đánh dấu sự thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Ngày 3/2, Hãng Antara dẫn lời Đại sứ Indonesia tại Nhật Bản Yusron Ihza Mahendra cho biết, Indonesia và Nhật Bản sẽ nhất trí thiết lập quan hệ đối tác trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là chuyển giao thiết bị quốc phòng do Tokyo sản xuất cho Jakarta. Và vấn đề này sẽ diễn ra nhân chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Tổng thống Joko Widodo (trong tháng 3/2015). Trước đó (27/1), Hãng Kyodo dẫn thông tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, 2 tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) đã đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đây lần thứ 3 tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển này kể từ đầu năm 2015. Ngày 22/1, tờ HIS Jane’s đã kiểm định tính xác thực của bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ máy bay trực thăng của quân đội Trung Quốc đặt trên đảo Nam Kỷ, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 300km.
 
Ông Antony Blinken
Từ trái sang, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tại Bắc Kinh hôm 2/2
 
Ngày 2/2, tại Bắc Kinh, khi hội đàm tại cuộc họp lần thứ 13 với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tái khẳng định khái niệm “cùng thắng”, “song thắng”, “đa thắng” (do Bắc Kinh đưa ra trước đây) là hướng đi đúng đắn trong phát triển quan hệ quốc tế. Ngoại trưởng Vương Nghị còn cho rằng, hợp tác “cùng thắng” đã mở ra tư duy mới trong xử lý quan hệ quốc tế. Ngoại trưởng Nga - Trung - Ấn cũng khẳng định ý đồ xây dựng thế giới đa cực, khi Bắc Kinh tìm cách "cân bằng ảnh hưởng" với Washington trong khu vực.
 
Cũng trong ngày 2/2, khi tiếp ông Sergei Lavrov và bà Sushma Swaraj, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã khẳng định, quan hệ Trung - Nga, Trung - Ấn đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Tờ The Business Standard dẫn lời Ngoại trưởng Sushma Swaraj cho biết, Thủ tướng Narendra Modi sẽ thăm Trung Quốc trong tháng 5/2015...
 
Theo Tuấn Quỳnh
PetroTimes