Thất bại của tình báo toàn cầu quanh cái chết của ông Kim Jong-il
(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời trên một chuyến tàu lúc 8h30 ngày 17/12 tại Bình Nhưỡng. 48 giờ sau đó, các quan chức tại Hàn Quốc vẫn không hay biết gì. Nhật Bản, Mỹ và Nga cũng không có thông tin trước về cái chết của Chủ tịch Triều Tiên.
Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên đã thông báo về sự ra đi của ông Kim Jong-il hôm thứ Hai, gây bất ngờ cho chính phủ các quốc gia khắp thế giới.
Tại Seoul, các quan chức chính phủ Hàn Quốc, bị sốc trước thông tin trên, đã tổ chức hàng loạt cuộc họp khẩn cấp và đặt quân đội trong tình trạng báo động.
Trước khi công bố tin ông Kim Jong-il qua đời, đài truyền hình quốc gia của Triều Tiên thông báo rằng sẽ có một “thông báo đặc biệt vào buổi trưa”, nhưng các quan chức tại Seoul vẫn không hề biết gì.
“Tôi chỉ biết chuyện đó thông qua tin tức”, hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho biết trong một cuộc họp đặc biệt của uỷ ban quốc phòng quốc hội ngày 20/12. “Tôi cảm thấy cần thiết phải tăng cường khả năng tình báo của chúng ta”, ông Kim Kwan-jin nhấn mạnh.
Đúng vào ngày ông Kim Jong-il qua đời hôm thứ Bảy, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Khi ông Lee rời Seoul, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã qua đời được khoảng 4 giờ, chứng tỏ rằng cả Seoul và Tokyo - cũng như Washington - đều không hay tin gì từ Triều Tiên.
Ông Lee đã có các cuộc hội đàm tại Tokyo với Thủ tướng Yoshihiko Noda và trở về nhà vào chiều Chủ nhật, dường như vẫn không hay biết chuyện ông Kim Jong-il qua đời. Nếu Washington biết, nước này chắc hẳn đã thông báo cho Hàn Quốc và Nhật Bản, các đồng minh trung thành nhất tại châu Á.
“Dường như tất cả mọi người chỉ biết tin về cái chết của ông Kim Jong-il sau tuyên bố của đài truyền hình quốc gia Triều Tiên”, Kim Jin-pyo, giám đốc Uỷ ban tình báo tại quốc hội Hàn Quốc nói sau các cuộc thảo luận với các quan chức từ Cơ quan tình báo quốc gia. “Mỹ, Nhật Bản và Nga cũng biết tin sau tuyên bố của Triều Tiên”, ông Kim nói thêm.
“Triều Tiên rất giỏi giữ bí mật”, ông Ralph Cossa, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Hawaii, nói.
Khi lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) qua đời năm 1994, Triều Tiên cũng đã giữ bí mật thông tin trong hơn một ngày.
Một số nguồn tin nói rằng Trung Quốc, nước láng giềng thân thiết của Triều Tiên, có thể đã được báo tin về cái chết của ông Kim Jong-il, và không chia sẻ thông tin đó.
Nhiều lần thất bại
Các cơ quan tình báo tình báo Mỹ và châu Á trước đây đã từng thất bại trong việc thu thập thông tin về những diễn biến quan trọng tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã xây dựng một nhà máy lớn để làm giàu uranium mà không bị phát hiện trong khoảng 1 năm rưỡi cho tới khi các quan chức Triều Tiên công bố nó với một nhà khoa học hạt nhân Mỹ hồi cuối năm 2010. Triều Tiên cũng đã giúp xây dựng một lò phản ứng hoàn chỉnh tại Syria mà tình báo phương Tây không hay biết.
“Chúng ta có các kế hoạch rõ ràng về việc cần phải làm gì nếu Triều Tiên tấn công, nhưng không biết phải làm gì nếu chính quyền Triều Tiên thay đổi”, Michael J. Green, một cựu cố vấn đề châu Á trong chính quyền Bush, nói. “Bất kể khi nào đối mặt những tình huống như thế này, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Mỹ là tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra bên trong Triều Tiên”.
Tại nhiều quốc gia, công tác tình báo liên quan tới việc chặn cuộc gọi giữa các quan chức chính phủ hoặc giám sát từ vệ tinh do thám. Và trên thực tế, máy bay do thám và vệ tinh Mỹ đã theo dõi Triều Tiên. Các ăng-ten công nghệ cao được đặt dọc biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên để thu thập những tín hiệu điện tử. Giới chức tình báo Hàn Quốc cũng phỏng vấn nhiều người Triều Tiên bỏ trốn sang nước này mỗi năm.
Nhưng rất ít thông tin được biết về công việc nội bộ của chính phủ Triều Tiên. Bình Nhưỡng chỉ tiết lộ các thông tin nhạy cảm cho một nhóm nhỏ các quan chức, những người luôn giữ bí mật.
Giới phân tích cho rằng Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) thất bại trong việc thu thập tin tức về cái chết của ông Kim Jong-il chỉ là một thất bại tương đối nhỏ. Nhưng một cựu quan chức CIA giấu tên chỉ ra rằng: “Điều tồi tệ nhất là tình báo của chúng ta không thể xâm nhập vào ban lãnh đạo hiện thời của Triều Tiên. Chúng ta chỉ có các thông tin cũ và không biết về những gì đang xảy ra trong nội bộ ban lãnh đạo Triều Tiên”.
Cho tới nay, thất bại tình báo lớn nhất xảy ra hồi năm 2007. Triều Tiên đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân tại Syria, dựa trên thiết kế lò phản ứng tại Yongbyon. Các quan chức Triều Tiên thường xuyên tới đó.
Nhưng Mỹ không hay biết về điều đó cho tới khi ông Meir Dagan, khi đó là giám đốc cơ quan tình báo Israel Mossad, tới thăm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ George W. Bush và đặt các bức ảnh về lò phản ứng lên bàn. Lò phản ứng đã bị Israel phá huỷ trong một cuộc không khích năm 2007 sau khi Mỹ từ chối đề nghị của Israel nhằm tiến hành một cuộc tấn công.
An Bình
Theo New York Times