1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thành viên mới của NATO ủng hộ đưa quân tới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Phần Lan đồng tình với Pháp rằng tất cả lựa chọn vẫn phải được xem xét trong việc hỗ trợ nỗ lực của Ukraine nhằm chống lại Nga.

Thành viên mới của NATO ủng hộ đưa quân tới Ukraine - 1

Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen (Ảnh: Getty).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội vào tháng 2 sau khi ông cho rằng khối quân sự do Mỹ đứng đầu "không thể loại trừ" khả năng cử binh sĩ NATO đến hỗ trợ Ukraine.

Một số quốc gia thành viên đã nhanh chóng bác bỏ nhận xét của ông Macron, khẳng định các binh sĩ NATO sẽ không đặt chân tới Ukraine.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen đã lập luận rằng theo giả thuyết, mọi điều đều có thể xảy ra nếu tình hình trên thực tế xấu đi, Politico đưa tin hôm 15/3.

"Điều quan trọng là chúng tôi không loại trừ mọi khả năng về lâu dài, bởi vì chúng tôi không bao giờ biết tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng đến mức nào", Ngoại trưởng Valtonen cho biết.

"Tuy nhiên quan điểm của Phần Lan rất rõ ràng: Hiện tại chúng tôi không gửi bất kỳ binh lính nào và không sẵn sàng thảo luận về điều đó", bà Valtonen nói thêm.

Theo Ngoại trưởng Valtonen, các nhà tài trợ của Kiev "có thể làm được nhiều hơn thế" trong việc trang bị vũ khí cho lực lượng Ukraine. Bà cũng chỉ trích Mỹ vì đã trì hoãn gói viện trợ mới cho Kiev, nói rằng danh tiếng của nước này đang bị đe dọa.

Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300km với Nga và Moscow từng cảnh báo rằng tư cách thành viên NATO đã đe dọa chứ không đảm bảo an ninh cho Phần Lan.

Phần Lan là thành viên thứ 31 của NATO, mới được kết nạp vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu hồi mùa hè năm ngoái.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Phần Lan và Thụy Điển quyết định từ bỏ chính sách trung lập, đệ đơn gia nhập NATO. Phần Lan là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Theo số liệu thống kê, đến nay, tổng giá trị khí tài quân sự nước này viện trợ cho Ukraine khoảng 2 tỷ USD.

Sau khi Phần Lan gia nhập NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố thành lập một quân khu mới giáp với quốc gia Bắc Âu này. "Trước đây (khi Phần Lan chưa gia nhập NATO) không có rắc rối nào, nhưng bây giờ sẽ có", ông Putin nói vào tháng 12 năm ngoái.

Tổng thống mới đắc cử của Phần Lan Alexander Stubb đã cam kết trong lễ nhậm chức rằng sẽ dẫn dắt quốc gia Bắc Âu này bước vào một "kỷ nguyên mới" trong quan hệ đối tác quân sự với phương Tây, tự hào rằng tư cách thành viên NATO mang lại cho đất nước ông "khả năng răn đe hạt nhân thực sự".

Tháng trước, Tổng thống đắc cử Phần Lan tuyên bố sẽ tận dụng tối đa tư cách thành viên mới của NATO và ủng hộ Ukraine không giới hạn.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen ngày 29/2 khẳng định, không giống các nước lớn hơn áp đặt hạn chế với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí tầm xa cấp cho Kiev, Phần Lan không đặt ra bất cứ hạn chế nào.

Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Aleksey Chepa cảnh báo các "hành động thù địch" của Phần Lan có thể sẽ bị Moscow đáp trả.

Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cũng cảnh báo, việc Phần Lan "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tập kích lãnh thổ Nga chắc chắn sẽ "làm xấu đi đáng kể" mối quan hệ với Moscow và Helsinki sẽ không tránh được hậu quả.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm