1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Thành cát” của Trung Quốc ở Biển Đông dồn các nước khác lại gần nhau

Việc Trung Quốc cải tạo đảo hay còn gọi là “xây Trường thành bằng cát” ở Biển Đông chỉ khiến các nước khác càng thêm xích lại gần nhau.

Theo Brisbane Times, phát biểu trước báo giới, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift khẳng định, âm mưu quân sự hóa tình hình Biển Đông bằng việc xây dựng các căn cứ quân đội trên các đảo mà Trung Quốc cải tạo nói trên sẽ khiến nước này “tự chuốc vạ vào thân”.

“Thành cát” của Trung Quốc ở Biển Đông dồn các nước khác lại gần nhau - 1

Hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trunq Quốc ở Biển Đông khiến các nước hết sức lo ngại. (Ảnh AP)

Lo ngại nhưng không theo đuổi giải pháp quân sự

Theo ông Swift, điều này sẽ dẫn đến một “nỗi sợ Trung Quốc” buộc các nước Đông Á trải dài từ Nhật Bản xuống Australia phải tăng cường khả năng phòng thủ của mình cũng như mong đợi sự tham sự sâu hơn của Mỹ vào tình hình khu vực.

Tuy nhiên Đô đốc Swift cũng bác bỏ những đồn đoán cho rằng, Australia hay Mỹ sẽ tìm cách xây dựng các căn cứ hoặc cơ sở hạ tầng mới tại Darwin hay Fremantle.

“Với tư cách là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, tôi không nhận thấy việc xây dựng các căn cứ mới đem lại lợi ích gì”, ông Swift khẳng định.

Theo ông Swift, việc xây dựng các căn cứ hoặc cơ sở hạ tầng mới là rất tốn kém và không cần thiết bởi có rất nhiều quốc gia sẵn sàng cung cấp hơn sở hạ tầng cho Hạm đội Thái Bình Dương.

“Chúng tôi không cần thêm bất kỳ cơ sở hạ tầng nào nữa”, ông Swift nhấn mạnh.

Đồng minh sẵn sàng hỗ trợ Mỹ đối phó với Trung Quốc

Đô đốc Swift cho biết, Hạm đội Thái Bình Dương của ông  là hạm đội lớn nhất và mạnh nhất trên toàn thế giới với 5 tàu sân bay, 200 tàu chiến và tàu ngầm cùng 2.000 máy bay và 25.000 thủy thủ cùng lính thủy đánh bộ. Con số này tương đương với gần 50% số tàu thuyền và quân nhân của toàn bộ Hải quân Mỹ và đang tăng lên ngưỡng 60%.

Tuy nhiên, ông Swift cũng thận trọng cho rằng, chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vượt xa khả năng mà Hải quân Mỹ có thể gánh vác.

Tàu ngầm USS Chicago của Mỹ trên vịnh Subic của Philippines. (Ảnh: National Interest)

“Ngay cả khi toàn bộ Hải quân Mỹ đã đồn trú tại Biển Đông và biển Hoa Đông thì câu hỏi mà tôi vẫn nhận được sẽ là: “Khi nào thì chính sách xoay trục sang châu Á trở thành hiện thực và Mỹ có thể đưa thêm tàu thuyền vào khu vực nữa hay không?”, ông Swift khẳng định.

Mặc dù vậy, ông Swift tin tưởng rằng, Mỹ sẽ nhận được sự ủng hộ của các đồng minh nếu phải đối đầu với Trung Quốc.

Theo đó, Australia đã quyết định đóng thêm nhiều tàu khu trục đối không tại Adelaide cũng như sẽ đưa thêm một hạm đội tàu ngầm mới vào hoạt động.

Ngoài ra, Đô đốc Swift cũng khẳng định, nỗ lực chung của các nước trong khu vực trong việc lên án những hành động hiếu chiến của Trung Quốc đã được thể hiện rõ khi Ngoại trưởng các quốc gia thành viên ASEAN ra tuyên bố chung cảnh báo rằng những hành động đó “làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể phương hại đến hoà bình an ninh và ổn định ở Biển Đông”.

Trung Quốc có “dịu giọng”, Mỹ vẫn phải cẩn trọng

Trước đó, Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã cố tình “quân sự hóa” tình hình Biển Đông và “gây chia rẽ” Trung Quốc và các nước láng giềng.

Đáp lại cáo buộc này của phía Trung Quốc, người tiền nhiệm của ông Swift, Đô Đốc Harry Harris Jr. đã lên tiếng cảnh báo về bức "Trường thành bằng cát” mà Trung Quốc đang dựng lên trên Biển Đông.

Đô đốc Harris Jr. nhấn mạnh, những tranh chấp trên Biển Đông hiện nay đang “làm leo thang căng thẳng và có thể dẫn tới những tính toán sai lầm”.

Tuy nhiên, ông Harris Jr. khẳng định: “Điều còn đáng lo ngại hơn rất nhiều tại thời điểm này là việc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo các bãi đá với quy mô chưa từng có tiền lệ”.

“Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo bằng cách đổ cát trực tiếp lên các bãi san hô rồi sau đó đổ bê tông để gia cố các đảo này. Diện tích các đảo nhân tạo mà họ đã thực hiện lên tới 4km2”, ông Harris Jr. nói thêm.

“Bằng cách duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực, chúng tôi có thể tăng cường năng lực của mình trong việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực. Nếu có bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào xảy ra, chúng tôi có thể dễ dàng điều lực lượng Hải quân và ứng phó một cách nhanh nhất có thể”, ông Harris Jr. nói.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift trên chiếc máy bay P-8 Poseidon trong chuyến bay dài 7 giờ ngày 18/7. (Ảnh: Hải quân Mỹ/Military Times)

Để khẳng định tuyên bố của người tiền nhiệm, một trong những hành động đầu tiên khi lên nắm quyền của Đô đốc Swift là trực tiếp thị sát tình hình Biển Đông từ cửa sổ máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ.

Theo Đô đốc Swift, những thông tin mà ông có được hoàn toàn trùng khớp với thông tin của tình báo Mỹ và báo giới toàn cầu rằng, Trung Quốc đang giảm tốc độ cải tạo đảo. Tuy nhiên, nước này vẫn xây thêm các công trình có thể sử dụng vào mục đích quân sự tại các đảo đã cải tạo xong.

Theo ông Swift, hiện vẫn chưa rõ, liệu việc giảm tốc độ này của Trung Quốc là để “đánh lạc hướng dư luận” sau nhưng chỉ trích của các nước trong khu vực hay là một “sự tạm dừng chiến thuật”, ngay trước thềm chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

“Thành cát” của Trung Quốc ở Biển Đông dồn các nước khác lại gần nhau - 3