1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thắng lợi hoàn toàn của niềm tin vào điều thiện

Hàng chục học giả trong và ngoài nước đã cùng thảo luận làm rõ ý nghĩa của sự kiện 30-4-1975 cũng như chặng đường 40 năm sau khi Việt Nam độc lập, thống nhất…

Các đại biểu tại hội thảo

Các đại biểu tại hội thảo

Di sản vô giá

Trong bài phát biểu đề dẫn Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế (30-4-1975/30-4-2015)” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 27-4 tại Hà Nội, PGS, TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), nhấn mạnh: Cách đây vừa tròn 40 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất trong thế kỷ 20 của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
“Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam đã kết thúc, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội. Quá trình đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc ta đi đến giành thắng lợi hoàn toàn và những kết quả to lớn đã giành được trong 40 năm qua thật vô cùng ý nghĩa và là những bài học lịch sử quý giá đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng những dư âm của chiến thắng vĩ đại sẽ còn vang mãi”, PGS, TS Đinh Quang Hải phát biểu.

Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Di sản vô giá của cuộc kháng chiến ấy chính là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, hòa bình hạnh phúc cho nhân dân và đào luyện được những thế hệ anh hùng”.

Dưới góc nhìn của một học giả nước ngoài, GS Kim Sang Bong thuộc Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) cho rằng, chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến giữa một dân tộc phương Đông chống lại sự cai trị thực dân của phương Tây để giành lấy tự do, độc lập. Theo GS Kim Sang Bong, cuộc chiến này khiến dư luận không ngừng quan tâm chính vì sự thắng lợi “hoàn toàn” và “đầy đủ” của niềm tin vào điều thiện: “ý nghĩa toàn thế giới của cuộc chiến tranh Việt Nam là ở chỗ trên hết, nó cho thấy một cách rõ rệt mong muốn đối lập của phương Đông chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Trong cuộc chiến này, nhân dân Việt Nam đã có niềm tin vào điều thiện và thực hành điều thiện trên thực tế. Do chỗ có ý chí hướng tới thiện và thực hiện điều thiện nên cuối cùng họ đã chiến thắng trong cuộc chiến ấy”.
Các đại biểu tại hội thảo
Các đại biểu tại hội thảo
 
Còn tiến xa hơn nữa trong thời gian tới

Một quốc gia chuyển từ chiến tranh sang hòa bình luôn có hai vấn đề cơ bản phải tiến hành đồng thời là xây dựng đất nước và khắc phục hậu quả chiến tranh. Cuộc chiến càng khốc liệt, càng kéo dài thì hậu quả càng to lớn. Di chứng của cuộc chiến tranh Việt Nam là những tổn thương không nhỏ về tinh thần và vật chất của đất nước, dân tộc. Thế nhưng, sau 40 năm đất nước thống nhất và gần 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam không những “đứng lên từ đống tro tàn” mà còn đạt được nhiều kỳ tích.

Theo Tiến sĩ Feuangsy Laofoung, Viện trưởng Viện Chính trị học-Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Lào, trong suốt 40 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã trải qua một chặng đường đầy chông gai, khó khăn gian khổ; nhân dân Việt Nam lao động sản xuất vất vả để xây dựng cuộc sống mới bình đẳng, ấm no và hạnh phúc. 40 năm qua cũng là thời kỳ vươn lên của đất nước để sánh vai với các cường quốc trên thế giới, nâng tầm vóc, vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
“Đến nay có thể nói, Việt Nam xứng đáng là một quốc gia có uy tín về chính trị, ngoại giao, kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trên trường quốc tế. Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới nhìn nhận với quy cách đúng đắn, thấu hiểu, cảm thông và công nhận là một đất nước giàu về văn hóa, giàu về lòng mến khách, có năng lực, là nhân tố tích cực trong đấu tranh vì hòa bình thế giới”, Tiến sĩ Feuangsy Laofoung nhận xét.

Nhấn mạnh việc Việt Nam đã khôi phục được chủ quyền, xây dựng chính quyền nhân dân, thống nhất đất nước, duy trì ổn định chế độ chính trị, thực hiện thành công chính sách Đổi mới để phát triển kinh tế và hòa nhập khu vực, GS, TS Vladimir Kolotov đến từ Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Peterburg (Nga), khẳng định: “Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã xây dựng thành công nền tảng xứng đáng để sẵn sàng đối đầu với các thử thách mới”.

Trong khi đó, GS Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a cho rằng, sau 40 năm giành độc lập, thống nhất đất nước, việc Việt Nam chuyển sang chủ động mở cửa hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế là rất đáng ghi nhận, nhờ đó đã làm thay đổi nhanh chóng về bộ mặt kinh tế, chính trị-xã hội. “Việt Nam đã thực hiện chính sách đối ngoại thành công để gìn giữ và bảo vệ độc lập của mình, thúc đẩy an ninh khu vực và có những đóng góp tích cực vào an ninh toàn cầu. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường thông qua việc tổ chức thành công các hội nghị APEC, ASEAN, trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc... Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa trong thời gian tới”.

Bài và ảnh theo Đặng Lâm
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm