1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tham vọng vô lối, nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc đã không thành công

Một tác giả mạng Trung Quốc với hàng trăm bài viết uyên thâm về các vấn đề quốc tế khác nhau, dưới bút danh Lê Oa Đằng đã viết mấy chục bài phê phán hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và mưu đồ độc chiếm biển Đông của giới cầm quyền Trung Quốc.

Tham vọng vô lối, nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc đã không thành công

Trên diễn đàn mạng Trung Quốc, các trang blog của học giả Lê Oa Đằng (http://blog.sina.com.cn/dddnibelungen, http://dddnibelungen.wordpress.com/, http://dddnibelungen.blog.163.com/) là địa chỉ rất đông người vào đọc và bình luận (riêng blog trên mạng Sina có 3.957.096 người, tính đến ngày 14/6).

Mới đây, học giả Lê Oa Đằng cho đăng bài “Trung Quốc cần xem xét lại sách lược tuyên truyền đối ngoại”, cho rằng nỗ lực tấn công ngoại giao của Trung Quốc không những không thành công mà hình ảnh Trung Quốc còn xấu thêm qua vấn đề Biển Đông.

Bài báo viết: Trong hơn 1 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành “tiến công dư luận quy mô rất lớn” với 4 nội dung: Phê phán Nhật là “quỷ mai phục” trên quốc tế; tuyên truyền Trung Quốc là “Sư tử văn minh, thân thiện dễ gần”; đưa ra mô hình “Cộng đồng cùng chung vận mạng” với các nước Đông Nam Á; đề xuất học thuyết Monro kiểu Trung Quốc “Việc của châu Á do người châu Á tự giải quyết”.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Shangri La  2014 này người ta có thể thấy rõ nỗ lực tấn công ngoại giao của Trung Quốc không những không thành công mà hình ảnh Trung Quốc còn xấu thêm qua vấn đề Biển Đông.

Xét từ phản ứng của các đại biểu dự hội nghị, sự tán đồng với phát biểu của Thủ tướng Nhật Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel vượt xa so với Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Vương Quán Trung. Nhiệm vụ của đại biểu Trung Quốc đã không thành công: Trung Quốc không thuyết phục được đại biểu nước khác, thậm chí không làm rõ thêm được lập trường của mình về Đường 9 đoạn đang “nóng” nhất.

Suy cho cùng vấn đề cốt lõi là Trung Quốc có muốn giải quyết tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải với các nước láng giềng trên cơ sở luật quốc tế hay không. Không muốn giải quyết các bất đồng bằng luật quốc tế chính là nguyên nhân căn bản khiến Trung Quốc thường xuyên ở thế bên dưới trong cộng đồng quốc tế và dư luận quốc tế. Anh cứ nói mình có lẽ phải, nhưng lại không chịu tranh luận đàng hoàng với người khác thì sao có thể nói lẽ phải thuộc về mình được?

Trong một bài khác có nhan đề “Đường 9 đoạn mới là vấn đề trung tâm của biển Đông”, học giả Lê Oa Đằng đã phê phán mạnh mẽ quan điểm coi Đường 9 đoạn là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Ông viết: Ban đầu, năm 1947, khi Trung Quốc lần đầu vẽ những cái vạch đứt đoạn này lên bản đồ của mình không hề công bố gì về ý nghĩa của nó, có lẽ để mô tả các đảo bên trong đó là thuộc về Trung Quốc chứ không thuộc các quốc gia láng giềng.

Sau khi Công ước LHQ về Luật Biển 1982 ban hành, nhất là những năm 1990, tình hình đột nhiên thay đổi. Đầu tiên vào năm 1993, Đài Loan định nghĩa Đường 9 đoạn là “vùng nước lịch sử’ thuộc vùng biển do họ quản lý. Dĩ nhiên lập luận này dấy lên tranh cãi rất lớn trên trường quốc tế. Do áp lực quốc tế, khi đề ra “Luật lãnh hải”, Đài Loan buộc phải từ bỏ luận điểm này. Cuối những năm 1990, Trung Quốc cũng bắt đầu mở rộng nội hàm của Đường 9 đoạn.

Có người nói Trung Quốc có quyền lợi lịch sử với vùng nước phía bên trong nó; lại có người gọi nó là “đường cương vực trên biển”; thậm chí có người đề xuất bên trong Đường 9 đoạn là lãnh hải hoặc nội hải của Trung Quốc. Các kiểu giải thích mở rộng về Đường 9 đoạn đó lập tức gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Đó chính là nguyên nhân căn bản khiến tranh cãi về Đường 9 đoạn trở thành vấn đề căn bản của Biển Đông.

Nếu coi Đường 9 đoạn như theo cách nói của một số chuyên gia Trung Quốc cực đoan, là lãnh hải thì vùng nước, đáy biển và vùng trời bên trong cái đường đó bỗng biến thành của riêng Trung Quốc, cũng tức là Trung Quốc bá chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông. Các nước từ xưa đến nay luôn được tự do hàng hải trên biển nay bị đe dọa rất lớn; quyền lợi nghề cá và quyền khai thác dầu khí ở thềm lục địa của các nước xung quanh không còn nữa. Lợi ích của các nước liên quan đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thử hỏi có quốc gia nào chấp nhận cách làm bá đạo như thế?

Đồng thời với việc mấy năm qua ra sức cổ súy chiến lược cường quốc biển, ngày càng nhiều “chuyên gia” bắt đầu rêu rao mạnh việc Trung Quốc có quyền lợi lịch sử ở biển Đông. Hiệu quả tạo thế ở trong nước rất rõ. Hiện nay các bài trên rất nhiều tờ báo Trung Quốc đều coi Đường 9 đoạn là lãnh hải Trung Quốc. Thậm chí mới đây, một người là Uất Chí Vinh còn công khai tuyên bố Đường 9 đoạn là đường quốc giới, khiến các nước ngạc nhiên. Còn chính phủ Trung Quốc thì vừa cổ vũ phát biểu quá khích của các chuyên gia, vừa tìm các từ ngữ định nghĩa mập mờ về Đường 9 đoạn, mặt khác triển khai quy mô lớn cái gọi là “duy trì quyền lợi” ở Biển Đông. Điều đó khiến các nước rất lo ngại về mục tiêu của Trung Quốc.

Điều lo ngại lớn nhất của họ là: Chính phủ Trung Quốc cố ý trì hoãn không đưa ra định nghĩa về Đường 9 đoạn, nhưng trên thực tế lại không ngừng thực hiện khống chế thực tế Biển Đông, đợi đến khi đủ năng lực gạt quốc tế sang một bên mới tuyên bố Biển Đông thuộc về Trung Quốc, cuối cùng đạt tới mục tiêu coi Đường 9 đoạn là lãnh hải của mình. Các nước trên thế giới không phải là kẻ ngốc. Trung Quốc có trỗi dậy hòa bình hay không, không ở chỗ Trung Quốc nói, mà là ở việc làm thế nào.

Học giả Lê Oa Đằng thẳng thắn bày tỏ: “Tôi cho rằng, cách làm đó của Trung Quốc là vô trách nhiệm, đi ngược lại chính sách hòa mục láng giềng do chính mình đề xướng”.

Trong bài viết: “Tháng 5, sự cáo chung của Cộng đồng chung vận mạng” đăng ngày 30/5, học giả Lê Oa Đằng viết: Bản chất của vấn đề Nam Hải (Biển Đông) là mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng về lãnh hải và lãnh thổ chứ không phải là “vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc” như Trung Quốc rêu rao.

Học giả Lê Oa Đằng kết luận: Dù là vấn đề biển Hoa Đông hay Biển Đông, mâu thuẫn bản chất nhất, cốt lõi nhất chính là: Một quốc gia hiện đại ở vào thế kỷ 21 sẽ lựa chọn giải quyết vấn đề bằng phương thức sử dụng vũ lực lỗi thời, dã man, đơn phương, hay là phương thức trọng tài quốc tế tuân thủ luật pháp quốc tế, văn minh và hợp trào lưu phát triển lịch sử đây? Đó là câu hỏi dành cho Chính phủ Trung Quốc.

Nếu Việt Nam cũng chọn giải quyết vấn đề bằng con đường pháp luật, sẽ là điều khó xử lớn nhất đối với Trung Quốc vì nếu cứ cự tuyệt mãi phương thức văn minh để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia như thế thì liệu Trung Quốc có phải là “Con Sư tử văn minh” như lời ông Tập Cận Bình nói hay không?

Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn