1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thăm quốc đảo Thái Bình Dương, ông Tập Cận Bình lôi kéo đồng minh của Đài Loan

(Dân trí) - Ngoài dự hội nghị cấp cao APEC, chuyến thăm tới Papua New Guinea tuần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn là dịp để lôi kéo các đồng minh của Đài Loan tại Thái Bình Dương.


Thủ tướng Papua New Guinea Peter ONeill bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ khánh thành Đại lộ Độc lập do Trung Quốc tài trợ ở Port Moresby ngày 16/11. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ khánh thành Đại lộ Độc lập do Trung Quốc tài trợ ở Port Moresby ngày 16/11. (Ảnh: Reuters)

Theo AFP, Chủ tịch Tập Cận Bình hôm nay 16/11 sẽ có cuộc họp với lãnh đạo của 7 quốc đảo Thái Bình Dương tại Papua New Guinea - nước đăng cai hội nghị Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ngoài thảo luận các vấn đề chung, cuộc họp được cho là dịp để ông Tập Cận Bình thuyết phục các quốc đảo Thái Bình Dương từ bỏ việc công nhận Đài Loan.

Các quốc đảo Thái Bình Dương không chỉ là “mục tiêu” tranh giành của các nước, trong đó có Trung Quốc, để tìm kiếm các hợp đồng khai thác tài nguyên cũng như tạo dựng ảnh hưởng trong khu vực. Những nước này còn trở thành “mặt trận” mới trong cuộc chiến ngoại giao giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, Đài Loan cũng đang nỗ lực để giành được sự ủng hộ từ các quốc đảo Thái Bình Dương.

Theo Jonathan Pryke, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy của Australia, Chủ tịch Tập Cận Bình “sẽ không xuất hiện tay không” khi ông gặp lãnh đạo các nước quần đảo Cook, Fiji, Micronesia, Niue, Samoa, Tonga và Vanuatu ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.

“Gần 1/3 số đồng minh còn lại của Đài Loan là các quốc đảo Thái Bình Dương. Chiêu bài ngoại giao tiền tệ vẫn được sử dụng và phát huy hiệu quả tại khu vực này. Đối với những nước nhỏ, họ sẽ phải trả giá ngày càng đắt nếu từ bỏ quan hệ với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, và Bắc Kinh đang khai thác lợi thế này. Trung Quốc ngày càng mạnh tay hơn trong việc lôi kéo các đồng minh ủng hộ Đài Loan”, chuyên gia Pryke nhận định.


Người dân Papua New Guinea vẫy cờ chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại thủ đô Port Moresby (Ảnh: Reuters)

Người dân Papua New Guinea vẫy cờ chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại thủ đô Port Moresby (Ảnh: Reuters)

Thực tế cho thấy nhiều nước châu Mỹ Latinh đã chuyển hướng quan hệ từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục trong những năm gần đây. Nhà lãnh đạo El Salvador mới đây đã được chào đón nồng nhiệt tại Bắc Kinh với nghi thức trải thảm đỏ và duyệt đội danh dự, sau khi nước này quyết định dừng quan hệ với Đài Loan và chuyển sang Trung Quốc.

Việc Đài Loan mất dần các đồng minh đồng nghĩa với việc nước này không còn nhiều lợi thế khi tham gia vào các tổ chức đa phương và cũng nhận được ít sự ủng hộ hơn tại các tổ chức mà Đài Loan đã tham gia. Hiện chỉ còn 17 nước duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan trong bối cảnh hòn đảo này đang phải chật vật đối phó với tầm ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh. Kiribati, quần đảo Marshall, Nauru, Palau, quần đảo Solomon và Tuvalu là những quốc gia và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương vẫn công nhận Đài Loan.

Dấu ấn của Trung Quốc xuất hiện ở khắp mọi nơi trên đất nước Papua New Guinea, từ đại lộ rộng lớn cho tới trung tâm hội nghị quốc tế và cả những nhà chờ xe buýt. Papua New Guinea đã dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình sự đón tiếp trọng thể. Khách sạn nơi ông Tập ở được trang trí bằng những chiếc đèn lồng màu đỏ đặc trưng của Trung Quốc. Trước thềm chuyến thăm của ông Tập, các tờ báo tại Papua New Guinea đã đồng loạt đăng tải bài phát biểu dài kín cả trang của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Thông qua lời nói và hành động của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi thông điệp tới các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, những nước từ lâu đã nằm trong tầm ngắm tranh giành ảnh hưởng của Australia - một đồng minh của Mỹ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn nhắn các nước hãy đưa ra lựa chọn về việc ngả về bên nào để hưởng lợi ích nhiều nhất. Mặc dù không phải là thành viên của APEC, song lãnh đạo của nhiều nước trong tuần này vẫn tới Papua New Guinea để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thành Đạt

Theo AFP