1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tham nhũng trong quân đội khiến Ukraine "trả giá đắt" ở Bakhmut

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tình trạng tham nhũng khiến quân đội Ukraine thiếu hụt nghiêm trọng vũ khí bảo vệ Bakhmut trước đà tấn công của Nga vào "chảo lửa" này hồi đầu năm ngoái.

Tham nhũng trong quân đội khiến Ukraine trả giá đắt ở Bakhmut - 1

Quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn xung kích đường không độc lập số 80 chuẩn bị đạn pháo tại vị trí gần Bakhmut ở tỉnh Donetsk, Ukraine vào ngày 25/1 (Ảnh: Reuters).

Theo Kyiv Independent, vụ án tham nhũng gần 40 triệu USD trong quân đội Ukraine từng đẩy lực lượng bảo vệ Bakhmut vào tình thế thiếu đạn nghiêm trọng để phòng vệ trước Nga.

Theo đó, các quan chức trong Bộ Quốc phòng nước này có nhiệm vụ phải mua 100.000 quả đạn cối trước tháng 2/2023 để tăng viện cho quân đội.  Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện vào thời điểm chiến sự với Nga trở nên khốc liệt nhất tại Bakhmut.

Khi đó, các binh sĩ Ukraine từng chiến đấu ở Bakhmut mô tả việc phải đối mặt với các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga trong khi phải vật lộn với tình trạng thiếu hỏa lực yểm trợ trầm trọng.

Một số lính súng cối ở Bakhmut cho biết họ chỉ nhận được 10 quả đạn mỗi ngày, đủ cho vài phút bắn. Hậu quả về nhân lực là rất lớn. Một đơn vị cho biết lực lượng của họ đã giảm xuống còn một nửa trong 2 tháng vì thiếu đạn dược.

Vài tháng sau, Nga tuyên bố đã giành được Bakhmut, một khu vực chiến lược ở mặt trận miền Đông.

"Lẽ ra 20.000 viên đạn phải được chuyển giao khi tình trạng chiến sự xung quanh Bakhmut như địa ngục nhưng điều đó đã không xảy ra. Ukraine thực sự thiếu hụt đạn súng cối", người đứng đầu Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng Vitaliy Shabunin nói với Kyiv Independent.

Cảnh sát đang điều tra 5 nghi phạm, trong đó có Oleksandr Liyev và Toomas Nakhkur, cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của một đơn vị có nhiệm vụ mua vũ khí của Bộ Quốc phòng. Những người còn lại là giám đốc và phó giám đốc của một doanh nghiệp Ukraine. Nếu bị kết án, họ phải đối mặt với mức phạt 12 năm.

Theo Bohdana Yarova, thành viên Hội đồng chống tham nhũng tại Bộ Quốc phòng Dmytro Klimenkov, các tài liệu liên quan tới vụ việc "đã được giao nhiều lần cho các cơ quan thực thi pháp luật khác nhau" dưới thời cựu Bộ trưởng Oleksii Reznikov.

Tuy nhiên, vụ việc bắt đầu được công bố sau khi ông Reznikov xuống chức vào tháng 9/2023. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm của Ukraine Rustem Umerov cam kết sẽ chống tệ nạn tham nhũng.

Quan chức Yarova cho biết, những sự thay đổi hiện tại ở Bộ Quốc phòng "mang tính cách mạng" liên quan tới nỗ lực đối phó với tình trạng tiêu cực trong nội bộ quân đội.

Trong thời gian qua, Ukraine đã nỗ lực nộp đơn xin vào Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, phía EU đưa ra điều kiện tiên quyết để Kiev có thể vào khối là Ukraine phải thực hiện hiệu quả nỗ lực chống tham nhũng.

Vì vậy, Ukraine đã tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng và thực hiện các chiến dịch thanh lọc bộ máy.  

Hồi tháng 8/2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết nước này sẽ có một đợt "làm sạch thể chế". Ukraine cũng tuyên bố sẽ trao thưởng cho người tố giác nếu nghi phạm bị tòa kết án sau đó.

Ông Oleksandr Novikov, người đứng đầu Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine, cho biết những người tố giác tham nhũng thành công sẽ có thể được nhận 10% số tiền thu được từ vụ án, tối đa 14 triệu hryvnia (380.000 USD).

Cuối năm ngoái, để tìm cách loại bỏ tham nhũng, Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) thông báo tăng cường nhân sự của Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) từ 700 lên 1.000 người.

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine