1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan và ngày trở về của cựu Thủ tướng Thaksin

(Dân trí) - Cả những người ủng hộ và những người không ủng hộ dường như đang “nín thở” đợi cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra trở về Bangkok vào sáng ngày 28/2, giữa lúc chính phủ mới của Thái Lan đang vướng vào không ít rắc rối.

Khi sân bay Suvarnabhumi mở cửa vào tháng 9/2006, công trình kiến trúc trắng sáng lung linh này dự định sẽ là nơi ghi dấu thời kỳ “trị vì” của Thủ tướng Thaksin Shinawatra ở Thái Lan. Kế hoạch về sân bay mới đã bị hoãn tới hoãn lui trong suốt nhiều thập kỷ, và dường như chỉ có ông trùm kinh doanh, tỉ phú rẽ ngang sang làm chính trị Thaksin mới có đủ tiền để hoàn thành dự án. Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ là: 9 ngày trước khi  Suvarnabhumi mở cửa cho các chuyến bay, ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu.

 

Vào ngày 28/2, vị cựu Thủ tướng sống lưu vong suốt 17 tháng qua, được biết sẽ trở lại quê nhà, và đặt chân xuống đúng sân bay mà ông không có cơ hội tham gia lễ khánh thành. Tuy nhiên, khi trở về Bangkok, vị cựu Thủ tướng 58 tuổi phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng, lạm dùng quyền lực, và chắc chắn sẽ tới toà án ngay để xin bảo lãnh. (Vợ của ông, người cũng phải đối mặt với nhiều cáo buộc, đã làm như vậy khi bà trở về Thái Lan vào tháng trước).

 

Song, những vấn đề về pháp lý không phải là “kẻ thù” duy nhất của ông Thaksin: Các nhà chức trách địa phương đã đóng băng khoảng 1,9 tỷ USD mà gia đình ông có được nhờ bán cổ phần trong một công ty viễn thông Thái cho một tập đoàn Singapore. Và trong khi một số đồng minh chính trị của Thaksin đã tìm được cách trở lại vị trí quyền lực, thì những bước đi sai lầm về chính trị gần đây, cũng như xì-căng-đan mua phiếu cử tri đang đe doạ đến sự ổn định vừa mới quay trở lại Thái Lan kể từ khi Hội đồng cố vấn quân sự cho phép tiến hành tổng tuyển cử vào cuối tháng 12 năm ngoái.

 

Mặc dù Hội đồng cố vấn quân sự đã giải thể đảng Người Thái yêu người Thái (TRT) của ông Thaksin, và cấm hàng trăm quan chức cấp cao trong đảng này tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm, theo nhiều nhà phân tích, ông Thaksin vẫn có một thế lực chính trị hùng mạnh trong nước. Bằng chứng là vào tháng 12 vừa qua, đảng Sức mạnh nhân dân (PPP), đảng được xem như là đảng được TRT uỷ nhiệm, đã giành gần hết số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên sau vụ đảo chính năm 2006.

 

Đầu tháng này, chính phủ liên minh của PPP, do thủ tướng Minister Samak Sundaravej đứng đầu, đã công bố thành phần nội các gồm toàn những người trung thành với ông Thaksin. Trong đó có tân Ngoại trưởng từng là cố vấn pháp lý và là người phát ngôn của ông Thaksin, trong khi anh vợ của ông được bầu làm Bộ trưởng Giáo dục. Và vào ngày thứ ba vừa qua, ông Samak, cho rằng việc ông Thaksin sớm trở về là một “điều tốt”. Trước đó, cũng chính cơ quan của ông đã cấp lại hộ chiếu ngoại giao cho ông Thaksin.

 

Tuy nhiên chỉ vài tuần sau khi nắm quyền, chính phủ do PPP đứng đầu đã vướng vào không ít rắc rối. Đầu tiên là ông Samak, một chính trị gia cánh hữu 72 tuổi, và là cựu thị trưởng Bangkok, đã làm nhiều người nổi giận khi khẳng định trong một vài cuộc phỏng vấn gần đây rằng chỉ có một người bị giết trong vụ quân đội tàn sát các sinh viên cánh tả năm 1976. Vụ việc được coi như là vụ Thiên An Môn ở Thái Lan này, theo con số chính thức, khiến ít nhất 46 người chết. Sau đó, vào hôm thứ ba vừa qua, Uỷ ban bầu cử Thái Lan phát hiện phó chủ tịch PPP và đồng thời là chủ tịch quốc hội Yongyuth Tiyapairat đã hối lộ các quan chức địa phương để họ vận động tranh cử cho đảng PPP trong cuộc bầu cử tháng 12 vừa qua. Tuy nhiên, ông  Yongyuth Tiyapairat phủ nhận cáo buộc này. Nhưng nếu quả đúng như vậy, thì toàn bộ đảng PPP có thể sẽ bị giải thể, bởi theo luật bầu cử Thái Lan, nếu một quan chức cấp cao trong đảng bị kết tội vi phạm luật bầu cử, thì toàn bộ đảng đó sẽ bị giải thế.

 

Khi sự sống còn của PPP lâm nguy, hôm qua ông Samak đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp gồm các lãnh đạo của đảng. Trong khi đó, một số người Thái ở vùng nông thôn, những người trung thành với ông Thaksin nhất, có một ngày nghỉ để đón mừng ngày trở về sắp tới của vị anh hùng của họ. Cuối tuần trước, một nhóm fan, có tên gọi Câu lạc bộ những người trung thành với ông Thaksin, đã tổ chức một ngày “Chúng tôi nhớ Thaksin” ở thành phố Chiang Rai, miền bắc Thái Lan, với hàng trăm người tham dự. Mũ và các đồ trang trí đều in hình ông Thaksin. Một số người ủng hộ thậm chí còn bật khóc vì sung sướng. Một nhóm ủng hộ khác còn hứa hẹn sẽ tổ chức một buổi lễ chào đón ông Thaksin trở về vô cùng hoành tráng tại quê hương ông, Chiang Mai.

 

Tuy nhiên, các lực lượng chống lại ông Thaksin cũng thề sẽ đổ xuống đường. Đã có hàng trăm ngàn người đã tụ tập ở Bangkok hồi mùa hè năm 2006 kêu gọi ông Thaksin từ chức, giận dữ vì gia đình ông không phải đóng thuế khi bán công ti viễn thông của họ. Và cũng có nhiều người cho rằng ông Thaksin đã đánh mất dần đi sự “ân sủng” của Quốc vương Thái Lan đáng kính, Bhumibol Adulyadej.

 

Giờ đây, trước kế hoạch trở lại Thái Lan của Thaksin,  Khối liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD), một liên minh gồm đa phần là những người ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu Bangkok, cũng hứa sẽ xuống đường biểu tình một lần nữa. Vào ngày thứ hai vừa qua, một lãnh đạo PAD đã miêu tả liên minh cầm quyền ủng hộ Thaksin hiện nay của Thái Lan là “chính phủ xấu xa nhất trong lịch sử”.

 

Đáp lại, đại diện của PPP Pracha Prasopdee tự hào rằng đảng cầm quyền có thể huy động được 10 triệu người ủng hộ để đè bẹp bất kỳ cuộc biểu tình nào chống ông Thaksin.

 

 Phi cơ chở cựu Thủ tướng dự định sẽ hạ cánh xuống sân bay Suvarnabhumi vào khoảng 9h sáng ngày 28/2, một con số may mắn ở Thái Lan (theo như một tờ báo ủng hộ ông Thaksin phân tích). Nhưng với hàng ngàn người doạ sẽ đổ xuống đường, cả những người ủng hộ và lên án Thaksin, những giờ sau cuộc trở về của ông có thể cảm thấy sẽ không hứa hẹn nhiều tốt đẹp.

 

Nguyên Hạ

Theo Time