1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thái Lan: Thủ tướng đắc cử công bố các chính sách mới

(Dân trí) - Bà Yingluck, Thủ tướng tương lai của Thái Lan, hôm qua đã tuyên bố một loạt chính sách và đường hướng mới cho chính phủ sắp tới, trong khi bác bỏ tin đồn cho rằng anh trai bà là cựu Thủ tướng Thaksin sẽ được giao một chức vụ trong tân chính phủ.

 
Thái Lan: Thủ tướng đắc cử công bố các chính sách mới - 1
Bà Yingluck trong cuộc họp với nhóm kinh tế của bà tại trụ sở đảng Puea Thái ở Bangkok hôm qua.
 
Bà Yingluck đã có cuộc họp với các nhân vật chủ chốt của đảng Puea Thai và các chuyên gia kinh tế để thảo luận các biện pháp khẩn cấp sẽ được lập tức thực thi một khi chính phủ liên minh mới nhậm chức.

Tuyên bố sau cuộc họp, bà Yingluck khẳng định chính phủ mới sẽ tập trung thực hiện mục tiêu kinh tế đã được vạch ra trong chiến dịch tranh cử

Bà Yingluck nói nhiệm vụ đầu tiên phải được xúc tiến là đoàn kết dân tộc “sớm như có thể”, và Uỷ ban Đoàn kết đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông Kanit na Nakorn.

Chính phủ mới sẽ tổ chức buổi lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 84 của Quốc vương Thái Lan. Nhiệm vụ kế tiếp tập trung vào kinh tế bằng cách kiềm chế đà gia tăng của giá cả, tăng thu nhập của người dân và tăng cường đầu tư của chính phủ.

Thủ tướng đắc cử thông báo sẽ lập tức bãi bỏ quỹ dầu lửa, giảm giá xăng dầu, trong nỗ lực giảm giá cho các mặt hàng thiết yếu. Chống tham nhũng cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần có biện pháp ngay.

Chính phủ mới cũng sẽ khôi phục quan hệ với các nước láng giêng và nước ngoài ở cấp song phương và đa phương.

Bà Yingluck tuyên bố đội ngũ nội các mới sẽ được công bố ngay sau khi Uỷ ban Bầu cử chính thức xác nhận kết quả bầu cử hôm 3/7. Bà bác bỏ tin cho rằng Puea Thai sẽ giữ 10 bộ và cho rằng chọn nội các mới là một nhiệm vụ khó khăn.

Nữ thủ tướng tương lai của Thái Lan đưa ra tuyên bố trên cùng lúc cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s cảnh báo có thể hạ điểm tín nhiệm của Thái Lan nếu phe đối lập vừa thắng cử giữ đúng các lời hứa trong chiến dịch vận động tranh cử, trong đó có thể kể việc thiết lập một hệ thống bảo đảm giá gạo, phát triển mạng lưới wifi tại các thành phố, cung ứng miễn phí máy vi tính cho tất cả các trường tiểu học.

Theo Standard & Poor’s, các chính sách này có thể làm mất quân bình ngân sách. Bên cạnh đó, một nền chính trị bất ổn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và ổn định kinh tế.

Trước đó, bà Yingluck đã cải chính tin đồn cho rằng anh trai bà - cựu Thủ tướng Thaksin - sẽ được giao một chức vụ trong tân chính phủ.

Báo chí Thái Lan đã nêu ra việc ông Thaksin, bị đảo chính năm 2006, sẽ trở thành tùy viên thương mại của chính phủ. Theo báo chí Thái Lan, chức tùy viên thương mại, nhằm xúc tiến xuất khẩu, sẽ giúp cho ông Thaksin có thể tự do du hành khắp thế giới, cũng như quay lại Bangkok.

Nhưng bà Yingluck khẳng định với báo chí rằng “không có chức vụ nào trong chính phủ dành cho ông Thaksin, ông chỉ ủng hộ về mặt tinh thần và tư vấn mà thôi… Ông ấy mong muốn có sự hòa giải dân tộc”.

Cựu Thủ tướng Thaksin đang lưu vong ở Dubai để tránh thi hành bản án hai năm tù vì gian lận tài chính, và bị truy tố với tội khủng bố vì cho rằng ông đã ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ mùa xuân năm 2010, vốn làm trên 90 người chết.

Đảng đối lập Puea Thai, trên thực tế do bàn tay ông Thaksin điều khiển từ Dubai, đã giành được chiến thắng áp đảo trong kỳ bầu cử Quốc hội Chủ nhật vừa rồi, và đang chuẩn bị thành lập chính phủ mới cùng với bốn đảng nhỏ khác. Trong chiến dịch tranh cử, đảng này đã nêu ra chủ trương ân xá cho toàn bộ các chính khách bị kết án.

Nguyễn Viết
Tổng hợp