Thái Lan - Một năm sau đảo chính
(Dân trí) - Ngày này một năm trước, quân đội Thái Lan đã tiến hành một cuộc đảo chính không đổ máu, lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Trong khi các nhà phân tích cho rằng cam kết khôi phục ổn định, đoàn kết và dân chủ của giới tướng lĩnh ở đất nước này vẫn là một viễn cảnh xa vời thì đối với nhiều người Thái Lan, đây là một "năm mất mát".
Việc quân đội can thiệp vào chính trường không phải là điều mới mẻ ở Thái Lan, bởi nước này đã trải qua 18 cuộc đảo chính trong vòng 75 năm. Tư lệnh Lục quân, Tướng Sonthi Boonyaratglin nói rằng ông lật đổ Thaksin, người có hai nhiệm kỳ được bầu làm thủ tướng, là để chấm dứt tình trạng bất ổn định chính trị, tái thống nhất một dân tộc bị chia rẽ và giải phóng đất nước khỏi sự kiểm soát của các chính trị gia tham nhũng.
Kể từ đó, quân đội Thái Lan đã kiên trì với kịch bản này bằng việc truy nã ông Thaksin, hiện đang sống lưu vong, với cáo buộc tham nhũng, soạn thảo một bản hiến pháp mới và kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 23/12.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giới quân sự không những không thuyết phục được cử tri tin tưởng vào mục tiêu họ vạch ra mà còn đưa Thái Lan trở lại thời kỳ một nền dân chủ do quân đội định hướng.
Đình đốn trên mọi lĩnh vực
Theo giới phân tích, cho dù mọi thứ có vẻ như được Hội đồng An ninh Quốc gia (CNS) và chính phủ đánh giá tốt trong thời gian đầu của "tuần trăng mật". Tuy nhiên, càng về sau người dân càng bất bình với việc điều hành đất nước của chính phủ này vì mọi công việc dường như "tụt hậu", không có bộ trưởng nào trong nội các dám đưa ra quyết định, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Một năm sau đảo chính, giá đồng baht tăng cao, lòng tin của các nhà đầu tư suy giảm, trong khi các nhà máy bắt đầu phải đóng cửa do đồng baht tăng giá. Các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước bắt đầu ca thán về thực trạng kinh tế với những dự báo không mấy sáng sủa. Các tập đoàn kinh tế lớn trong tình trạng "cắm cờ" chờ thời cơ sau bầu cử. Những ảnh hưởng của nền kinh tế đã tác động đến đời sống xã hội và ảnh hưởng lớn đến uy tín của CNS.
Nền kinh tế Thái Lan vẫn đứng ở tốp cuối cùng ở khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tốc độ tăng trưởng của Thái Lan dự kiến sẽ đạt mức 4% trong năm 2007, thấp hơn mức trung bình 5,6% của toàn khu vực.
Cuộc đảo chính do Tướng Sonthi cầm đầu nhận được sự ủng hộ rộng rãi của tầng lớp trung lưu ở Thái Lan. Do chán ngấy kiểu lãnh đạo độc đoán của Thaksin, họ đã đi đầu trong các cuộc biểu tình chống lại ông này vào đầu năm 2006. Trong khi đó, người dân ở những vùng nghèo khó hơn vẫn trung thành với Thaksin.
Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng trước về bản hiến pháp mới, do một ủy ban mà quân đội chỉ định soạn thảo, có tới 63% dân chúng ở khu vực đông bắc nghèo nàn bỏ phiếu phản đối. Hiến pháp này đã được thông qua với sự tán thành với tỷ lệ phiếu 57,81%, nhưng con số này không phản ánh việc nhân dân chấp nhận chính quyền quân sự, vì chỉ có 58% dân số tham gia bỏ phiếu.
Ông Michael Nelson, một học giả về chính trị Thái Lan, cho rằng kết quả trưng cầu bộc lộ rõ tình trạng phân cực mà chính quyền quân sự đang tìm cách xóa bỏ, nhưng chưa rõ họ sẽ theo đuổi hình thức đoàn kết dân tộc nào. Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ hình thức đoàn kết dân tộc mà quân đội theo đuổi sẽ là việc "xác lập một nền tảng chính trị theo quan điểm riêng của họ đối với đất nước".
Quân đội sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo
Các nhà phân tích cũng dự đoán rằng sau bầu cử, một chính phủ liên minh dễ đổ vỡ sẽ được thành lập trên cơ sở các nhóm tách ra từ đảng Người Thái yêu người Thái (TRT), đảng Dân chủ đối lập và các đồng minh. Tuy nhiên, hiến pháp mới theo đó thu hẹp quyền lực của các chính trị gia được bầu và tạo ra cái mà Giáo sư khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại học Chulalongkorn gọi là "nền dân chủ kìm kẹp", sẽ cản trở liên minh đầy mâu thuẫn này. Bối cảnh này sẽ tạo cho quân đội một vai trò đầy quyền lực.
Nhà phân tích chính trị Thongpao có bài đăng trên tờ "Dân tộc" ngày 16/9 viết: "Tôi rất buồn khi thông báo rằng sau một năm, chúng ta khó có thể giải quyết được các vấn đề. Sự thật, chúng ta đã có bản hiến pháp mới khắc phục được những mặt yếu của hiến pháp năm 1997. Tuy nhiên, cùng thời điểm này lại nảy sinh các vấn đề ở lĩnh vực khác như việc lựa chọn các cơ quan độc lập, nơi sự ủy nhiệm lại chuyển từ các nhà chính trị sang các quan tòa".
Bản hiến pháp mới được thông qua với tỷ lệ chấp thuận chỉ nhỉnh hơn chút ít so với tỷ lệ phản đối, cho thấy một chính phủ mới được bầu sẽ không vững mạnh, xã hội Thái Lan vẫn còn có sự chia rẽ sâu sắc thành hai cực "áo xanh" và "áo đỏ". Sự chia rẽ này có vẻ như còn nghiêm trọng hơn trước.
Theo ông Thongpao, tình hình chính trị tại Thái Lan hiện vẫn rất bất ổn. Tuy Thái Lan có thể tổ chức bầu cử theo dự định, nhưng người dân lại thất vọng trước việc các gương mặt cũ trở lại tham gia tranh cử. Hầu hết trong số họ đã nhiều lần chuyển từ đảng này sang đảng khác và không ai có thể đưa ra quan điểm và ý tưởng của mình.
Điều đáng được đề cập là cuộc đảo chính đã tạo cơ hội cho quân đội một lần nữa tham gia vào chính trường. Không người dân nào tin rằng quân đội Thái Lan sẽ trở về doanh trại và trở thành "quân đội chuyên nghiệp".
Giáo sư Thitinan nói: "Một năm trôi qua sau cuộc đảo chính, nhưng rõ ràng tình hình đã không thay đổi như mong đợi. Quân đội sẽ tiếp tục nắm vai trò lãnh đạo trong một thời gian dài vì công việc của họ còn dở dang".
Giới phân tích nhận định dù CNS có thể kết thúc nhiệm kỳ theo hiến pháp quy định sau khi chính phủ mới được thành lập, nhưng "quyền lực" chi phối đường hướng chính trị của "quân đội" vẫn tồn tại dưới hình thức "buông rèm nhiếp chính".
Kiến Văn