1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan điều quân đội, cảnh sát chống biểu tình

(Dân trí) - Hàng ngàn cảnh sát và binh lính Thái Lan đã được triển khai quanh thủ đô Bangkok trong ngày 1/6 để ngăn chặn biểu tình, song vẫn không thể ngăn được quyết tâm của hàng trăm người xuống đường chống cuộc đảo chính hôm 22/5.

Các binh sĩ Thái Lan giao ban thông tin ngắn trước khi triển khai nhiệm vụ.
Các binh sĩ Thái Lan giao ban thông tin ngắn trước khi triển khai nhiệm vụ.

Nhiều khu vực ở trung tâm Bangkok đã bị niêm phong và phong tỏa giao thông. Nhiều ga tàu hỏa bị đóng cửa.

Tính đến trưa qua, trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok gần như bị bỏ hoang khi không có một bóng người lai vãng, trừ một số cảnh sát và binh sĩ thỉnh thoảng qua lại canh phòng.

Những biện pháp an ninh được tăng cường tối đa để ngăn chặn một cuộc tuần hành quy mô lớn đã được lên kế hoạch trước đó.

"Đây là khu trung tâm thương mại và chúng tôi cần phải bảo vệ nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra khi chính quyền cần phá vỡ một cuộc tập hợp", Phó cảnh sát trưởng Somyot Poompanmoung cho biết.

Cũng theo sĩ quan cảnh sát này, khoảng 5.700 cảnh sát và binh sĩ đã được bố trí chốt chặn ở những địa điểm trọng yếu trên khắp Bangkok để ngăn các cuộc tuần hành bất ngờ từ đám đông. Những khu vực được quan tâm nhất là các trung tâm mua sắm, nơi trước đó từng bùng phát các cuộc biểu tình, tập hợp của người dân.

Biểu tình tiếp tục bùng phát

Tuy nhiên, những nỗ lực của giới chức cầm quyền cũng không thể ngăn được hàng trăm người dân đổ ra đường để lên án cuộc đảo chính quân sự hôm 22/5.

Họ xuất hiện ở những khu vực không có đông binh sĩ và hô vang các khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ.

Những người biểu tình cho biết họ sẽ không lui bước, dù trước đó các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính đã nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động cứng rắn đối với bất cứ ai chống đối chính quyền quân sự.

Trước đó, các cuộc biểu tình chống đảo chính cũng đã diễn ra gần như hàng ngày ở Bangkok, bất chấp lệnh của chính quyền quân sự cấm các cuộc tụ họp chính trị từ 5 người trở lên. Tuy nhiên, giữa cảnh sát, quân đội và người biểu tình rất ít khi xảy ra đụng độ, ngoại trừ việc một số người biểu tình bị bắt giữ.

Cảnh sát mặc thường phục tiếp cận trước khi bắt giữ một người biểu tình.
Cảnh sát mặc thường phục tiếp cận trước khi bắt giữ một người biểu tình.

Phản ứng quốc tế

Quân đội Thái Lan cho biết họ cần phải can thiệp vào chính trường để phục hồi ổn định đất nước sau gần 8 tháng bế tắc.

Tuy nhiên, việc Tư lệnh lục quân, Tướng Prayuth Chan-ocha, tuyên bố sẽ không thể tổ chức bầu cử trong hơn một năm tới đang làm dấy lên những nghi ngờ về ý đồ phe quân đội muốn tiếm quyền lâu dài.

Đây là cuộc đảo chính thứ hai của quân đội Thái Lan trong 8 năm qua. Hai cuộc đảo chính, lần lượt vào các năm 2006 và 2014 đã lật đổ chính quyền của hai anh em dòng họ Shinawatra là Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra.

Phản ứng trước các diễn biến ở Bangkok, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác đã kêu gọi quân đội Thái Lan nhanh chóng khôi phục nền dân chủ, trả lại quyền lực cho nhân dân và tổ chức bầu cử.

Cựu Thủ tướng Yingluck gửi thông điệp trên mạng xã hội Facebook cảm ơn những người ủng hộ. Đây là thông điệp đầu tiên của bà Yingluck gửi tới người dân kể từ sau cuộc đảo chính hôm 22/5.

Hiện bà Yingluck đang ở Bangkok, được đi lại trên toàn quốc nhưng không được rời khỏi Thái Lan. Trong trường hợp ra khỏi Bangkok, bà phải thông báo cho Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO), cơ quan điều hành chính phủ quân sự hiện nay.

Vũ Anh
Tổng hợp