1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Thách thức tìm lời giải cho bài toán Đài Loan của ông Tập Cận Bình

(Dân trí) - Hai bài phát biểu do các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Đài Loan đưa ra trong tuần này đã cho thấy sự cách biệt quá lớn về lập trường và đặt ra cho Chủ tịch Tập Cận Bình thách thức không nhỏ trước khi đạt được mục tiêu thống nhất.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm Trung Quốc kêu gọi chấm dứt đối đầu quân sự tại eo biển Đài Loan, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 2/1 nói rằng Bắc Kinh và Đài Bắc nên bắt đầu các cuộc đối thoại về việc thống nhất nhằm giải quyết những bất đồng kéo dài suốt 70 năm qua. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này của ông Tập Cận Bình.

“Là nhà lãnh đạo của Đài Loan, tôi chính thức tuyên bố rằng chúng tôi không bao giờ chấp nhận “Đồng thuận 1992” vì lo ngại rằng văn bản được gọi là đồng thuận do chính quyền Bắc Kinh quy định này chỉ mang ý nghĩa “một Trung Quốc” và “một quốc gia, hai chế độ”. Những gì ông Tập Cận Bình nói hôm nay đã xác nhận những lo ngại của chúng tôi và tôi phải khẳng định rằng Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Phần lớn dư luận Đài Loan cũng phản đối điều này”, bà Thái Anh Văn nói trong cuộc họp báo được tổ chức vài giờ sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình.

Bà Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc đại lục, nhưng chỉ với tư cách là chính quyền dân chủ. Ngoài ra, bất kỳ cuộc đàm phán chính trị nào giữa hai bờ eo biển phải được trao quyền cũng như giám sát bởi cơ quan lập pháp và tiến hành dưới hình thức hai chính quyền với nhau.

“Không cá nhân hay tổ chức nào có thể đại diện cho công chúng Đài Loan trong các cuộc đối thoại chính trị” với Bắc Kinh, bà Thái Anh Văn nói. Đây được xem là sự quay lưng rõ ràng của nhà lãnh đạo Đài Loan đối với đề xuất thống nhất của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) do bà Thái Anh Văn làm đại diện đã kiểm soát cơ quan lập pháp và kịch liệt phản đối các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Trước đó, trong bài diễn văn năm mới hôm 1/1, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cho biết bà hiểu “rất rõ” lập trường của chính quyền Đài Loan và “Trung Quốc phải tích cực thừa nhận thực tế rằng có sự tồn tại của Đài Loan, đồng thời ngừng phủ nhận chế độ dân chủ do người dân Đài Loan thiết lập”.

Bất chấp sức ép từ Bắc Kinh, bà Thái Anh Văn cho biết chính quyền của bà không có bất kỳ động thái nào khiêu khích đại lục và cũng không có ý định làm như vậy trong tương lai. Ngược lại, theo bà Thái, Bắc Kinh đã lôi kéo các đồng minh ngoại giao của Đài Loan, tổ chức tập trận để hăm dọa hòn đảo này, thậm chí từ chối hợp tác với Đài Loan trong việc dập tắt dịch cúm lợn châu Phi khiến hàng triệu con lợn tại Trung Quốc đại lục bị chết và đe dọa Đài Loan.

Với lập trường coi Đài Loan như một vùng lãnh thổ để chờ thống nhất, thậm chí có thể sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc đã dừng các cuộc trao đổi chính thức với Đài Loan khi bà Thái Anh Văn được bầu làm lãnh đạo của hòn đảo này vào năm 2016 và từ chối chấp nhận “Đồng thuận 1992”, văn kiện cho phép hai bên tiếp tục đối thoại với điều kiện thừa nhận chỉ có “một Trung Quốc”.

Lập trường cách biệt


Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tới thăm đài tưởng niệm USS Arizona tại Hawaii năm 2018 (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tới thăm đài tưởng niệm USS Arizona tại Hawaii năm 2018 (Ảnh: Reuters)

Giới phân tích nhận định trong bài phát biểu mới đây của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ đặt ra những nguyên tắc chỉ đạo cho viễn cảnh thống nhất Đài Loan thông qua mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như đang áp dụng với Hong Kong và Macau, mà còn định hình lại Đồng thuận 1992 dựa trên nhận thức rằng hai bờ eo biển Đài Loan nên hợp tác với nhau để thống nhất thành một Trung Quốc.

“Bằng cách nhấn mạnh rằng hai bờ eo biển Đài Loan thuộc về một Trung Quốc và cả hai đều phải tìm cách để thống nhất, đồng thời dập tắt thẳng thừng ý tưởng “hai Trung Quốc” hay “một Trung Quốc, một Đài Loan” và sự độc lập của Đài Loan, ông Tập Cận Bình đã bác bỏ lập trường kiên quyết của bà Thái Anh Văn về chủ quyền của Đài Loan cũng như phủ nhận sự tồn tại của Đài Loan”, Wang Hsin-hsien, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Chengchi Đài Loan, cho biết.

Wang Kung-yi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Văn hóa Trung Quốc ở Đài Bắc, nhận định bài phát biểu của ông Tập Cận Bình và bà Thái Anh Văn cho thấy lập trường của hai nhà lãnh đạo vẫn còn cách rất xa trước khi đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên theo giáo sư Wang, lập trường của Bắc Kinh tương đối hòa giải so với những tuyên bố từ phe “diều hâu” trong quân đội Trung Quốc.

“Một điều dễ hiểu là Đài Loan, đặc biệt dưới thời chính quyền Thái Anh Văn, đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình do lập trường ủng hộ độc lập của đảng DPP. Tuy nhiên bài phát biểu của ông Tập vẫn là kim chỉ nam cho việc giải quyết các vấn đề xuyên eo biển Đài Loan trong tương lai, và chính quyền Đài Loan không thể phớt lờ điều này”, ông Wang nói.

Bất kể chính quyền Thái Anh Văn có chấp nhận đề xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình hay không, Bắc Kinh sẽ vẫn thúc đẩy kế hoạch của mình nhằm buộc Đài Loan phải lựa chọn người đại diện đàm phán, từ đó “thể chế hóa việc dàn xếp” bất kỳ cấu trúc khả thi nào cho kế hoạch thống nhất trong tương lai.

Tại Đài Loan, trong khi Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan và đảng DPP mô tả bài phát biểu của ông Tập Cận Bình là sự thương lượng chính trị nhằm phủ nhận chủ quyền của Đài Loan, Quốc Dân đảng (KMT) lại cho rằng điều quan trọng là hai bên phải tiếp tục hợp tác với nhau theo hệ thống chính trị của từng bên, vì hầu hết người dân Đài Loan muốn duy trì hiện trạng như bây giờ.

Theo Washington Post, các đảng phái chính trị vốn đối đầu gay gắt tại Đài Loan đã cho thấy sự đoàn kết hiếm hoi sau đề xuất thống nhất của ông Tập Cận Bình. Ngay cả KMT, một đảng thân Bắc Kinh, cũng cho rằng mô hình “một quốc gia, hai chế độ” là điều không thể chấp nhận được đối với Đài Loan vì mô hình này không được công chúng ủng hộ.

Sự phản đối của KMT, đảng chính trị vốn ủng hộ mạnh mẽ nhất việc cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, càng cho thấy khó khăn của ông Tập trong việc giải quyết mối bất hòa kéo dài suốt 70 năm giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong nhiệm kỳ của mình.

Thành Đạt

Theo SCMP