1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thách thức lớn nhất là sự suy giảm lòng tin chiến lược

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi nói về Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (SLD 15) diễn ra tại Singapore từ ngày 3-5/6.

Đây là diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của khu vực, quy tụ hơn 20 Bộ trưởng Quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới.

Nhận định về đối thoại lần này, nhiều chuyên gia cho rằng, an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.

Khách sạn Shangri-La - nơi tổ chức Đối thoại Shangri-La thường niên. (Nguồn: Reuters)
Khách sạn Shangri-La - nơi tổ chức Đối thoại Shangri-La thường niên. (Nguồn: Reuters)

“Nóng” vấn đề Biển Đông

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, từ đầu năm tới nay, tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục diễn biến phức tạp với những điểm nóng tiềm tàng.

Rõ ràng nhất là tại khu vực Biển Đông với các hành động của các bên tranh chấp. Cụ thể, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa và có những động thái quân sự hóa ở quy mô gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực. Điều này tiềm ẩn những lo ngại có thể dẫn tới những va chạm, xung đột quân sự ở trên Biển Đông.

Đây là mối đe dọa lớn nhất và gây quan ngại lớn nhất bởi vì Biển Đông có vai trò trọng yếu không chỉ đối với hòa bình và an ninh khu vực mà còn trên toàn thế giới, cũng như đối với nền kinh tế toàn khu vực. Các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông được coi là các tuyến đường giao thương huyết mạch.

Trung Quốc đang quân sự hóa các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. (Nguồn: Reuters)
Trung Quốc đang quân sự hóa các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Vấn đề Biển Đông "nóng" tại Đối thoại lần này bởi những lý do sau:

Thứ nhất, Trung Quốc cải tạo các đảo nhân tạo từ các bãi đá/đảo chiếm trái phép tại Biển Đông và các động thái quân sự hóa trong vùng biển tranh chấp này. Trung Quốc liên tục đưa các máy bay chiến đấu, máy bay tàng hình, oanh tạc cơ và tên lửa ra các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Cùng với đó, Mỹ thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải bằng cách đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý các đảo/đá nhân tạo do Trung Quốc chiếm cứ và xây dựng trái phép.

Thứ hai, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hôm 1/6 dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang chuẩn bị lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Thứ ba, Đối thoại Shangri-La 2016 diễn ra gần thời điểm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc. Tờ Today Online cho rằng, Đối thoại Shangri-La chính là cơ hội cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc triệu tập thêm sự ủng hộ trước khi PCA ra phán quyết.

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược nhận định rằng trong khuôn khổ Đối thoại, Mỹ sẽ tìm cách thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á, cùng với các nước lớn khác như Nhật Bản, Ấn Độ, công khai ủng hộ bất kỳ quyết định nào có lợi cho Philippines qua đó dồn sức ép lên phía Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một điều đáng chú ý trong hội nghị lần này là Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị. Lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng quốc tế của ông Prayuth Chan-ocha sẽ được giới phân tích và hoạch định chính sách quan sát kỹ lưỡng nhằm tìm hiểu về lập trường của Thái Lan trước các vấn đề khu vực, trong đó có Biển Đông.

Khi lòng tin suy giảm

Bên cạnh đó, tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây có diễn biến đáng quan ngại, đặc biệt là việc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm nổ đầu đạn hạt nhân và phóng các tên lửa tầm xa, đó cũng là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh khu vực.

Ngoài ra, còn có các vấn đề khác gây quan ngại cho cộng đồng các quốc gia trong khu vực, như vấn đề người di cư, khủng bố, biến đổi khí hậu… Chính những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống này có thể có tác động qua lại và gây ra những cuộc khủng hoảng ở các cấp độ khác nhau đối với an ninh khu vực.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh, trong bối cảnh như vậy, các quốc gia sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức với mục tiêu hóa giải những vấn đề an ninh này. Thách thức lớn nhất đó là sự suy giảm về lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Ông Hiệp nhận định: "Khi lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm thì khả năng hợp tác, hóa giải các xung đột sẽ gặp nhiều cản trở, khó khăn. Một khi không có lòng tin thì sẽ không có thiện chí để cùng theo đuổi các mục đích chung".

Chia sẻ quan điểm này, Tiến sĩ William Choong, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức SLD, cho rằng, một điều dễ nhận thấy ở cấp độ vĩ mô là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng tới an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đã tác động đến các mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực, đặc biệt là việc hai cường quốc này đều theo đuổi những tầm nhìn chiến lược của riêng mình.

Ông Choong cho rằng, Đối thoại Shangri-La lần này là cơ hội tốt để Bộ trưởng Quốc phòng các nước có cơ hội nêu quan điểm của từng nước về vấn đề an ninh trong khu vực. Mỹ sẽ nhấn mạnh về các hoạt động hợp tác với các nước đồng minh để đảm bảo an ninh hàng hải tại châu Á - Thái Bình Dương.

Mặt khác, trong bối cảnh an ninh hàng hải của khu vực đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, các nước liên quan như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore, Malaysia có thể cùng thảo luận các biện pháp để củng cố an ninh hàng hải tại khu vực này và đề cập đến các vấn đề các bên quan ngại như việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Theo Hằng Phạm (tổng hợp)

Thế giới và Việt nam