1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thách thức của nước Mỹ

Chỉ vài giờ sau đám tang Freddie Gray, một người da màu bị chấn thương cột sống nặng khi bị cảnh sát bắt giữ và qua đời một tuần sau đó, cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ) và dần biến thành bạo loạn.

Thách thức của nước Mỹ
Làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại thành phố Baltimore đã lan rộng ra các thành phố khác của Mỹ

Không chỉ vậy, làn sóng biểu tình có xu hướng lan rộng ra nhiều thành phố lớn trên toàn nước Mỹ thu hút hàng nghìn người tham gia. Mặc dù hầu hết cuộc biểu tình đều diễn ra trong hòa bình nhưng đã có hơn 60 người tại New York và hàng chục người tại các thành phố khác bị cảnh sát bắt giữ. Khoảng 3.000 cảnh sát và vệ binh quốc gia đã được triển khai tại Baltimore nhằm duy trì trật tự và thực thi lệnh giới nghiêm.
 
Tuy nhiên, ngay trước khi lệnh giới nghiêm bắt đầu lúc 22h ngày 29-4, hàng nghìn người dân thành phố tiếp tục đổ xuống đường đòi công lý và cải tổ cách hành xử của bộ máy cảnh sát tại thành phố này. Đây được xem là đợt biểu tình biến thành bạo động mới nhất liên quan đến người da màu sau các vụ biểu tình tại thành phố Ferguson hồi cuối năm ngoái. Tính đến nay, đã có ít nhất 15 tòa nhà, 144 phương tiện bị đốt cháy, 20 cảnh sát bị thương và khoảng 250 người bị bắt giữ. Mặc dù mức độ thiệt hại và nghiêm trọng chưa quá lớn nhưng xu hướng lan rộng của làn sóng biểu tình xuất phát từ Baltimore khiến nguy cơ bùng phát bạo lực có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
 
Baltimore cách thủ đô Washington 64km, có khoảng 622.000 dân, trong đó 63% là người da màu. Vụ biểu tình bạo lực bùng nổ sau đám tang Freddie Gray đã buộc chính quyền bang Maryland ban bố tình trạng khẩn cấp. Sự việc này được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua khi lần đầu tiên kể từ vụ bạo loạn năm 1968, lực lượng vệ binh quốc gia phải tuần tra các tuyến phố.
 
 Mùa hè năm ngoái, Mỹ đã chấn động trước các vụ biểu tình khắp đất nước để phản đối vụ cảnh sát da trắng bắn chết thiếu niên da màu Michael Brown không mang vũ khí tại thành phố Ferguson, bang Missouri. Gần đây, một cuộc biểu tình nhỏ diễn ra ở thành phố Bắc Charleston, bang Nam Carolina, hôm 8-4 cũng để phản đối viên cảnh sát da trắng bắn 8 viên đạn vào một người da màu khiến nạn nhân thiệt mạng.
 
Thế nên, dù bạo động không phải là ý định ban đầu của những người biểu tình tại Baltimore, nhưng có một điều không thể chối bỏ là sự bất mãn tích tụ của người dân, nhất là người da màu với liên tiếp vụ việc cảnh sát da trắng bắn chết hoặc đàn áp có tính kỳ thị với người da màu tại Mỹ thời gian qua đã tạo nên không khí dễ kích động đó.
 
Trong phát biểu đầu tiên về làn sóng bạo động trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích cả những người biểu tình gây bạo loạn và cách hành xử của cảnh sát thành phố Baltimore. Theo người đứng đầu nước Mỹ, vụ thanh niên gốc Phi Freddie Gray bị thương dẫn tới tử vong khi đang trong nhà giam của cảnh sát, là một bằng chứng mới về cách hành xử có tính phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, ông B.Obama cũng cho rằng việc tụ tập biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn và hôi của sau cái chết của Freddie Gray là những hành động không thể chấp nhận.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch khẳng định đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng bang Maryland thực hiện mọi giải pháp để giảm bớt căng thẳng tại Baltimore. Hiện, 6 sĩ quan đã bị sa thải và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra những hành vi vi phạm quyền dân sự, liên quan đến cái chết của Freddie Gray. Sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo và luật sư của gia đình thanh niên da màu này, Thị trưởng Baltimore Stephanie Rawlings-Blake cho biết, cơ quan chức năng đang nỗ lực điều tra cái chết của Gray và sẽ thông báo ngay khi có kết quả. Tuy nhiên, những tuyên bố trên chưa thể giảm bớt sự tức giận của người dân địa phương.
 
Vụ bạo động tại thành phố Baltimore cho thấy nước Mỹ một lần nữa phải đối mặt việc tìm kiếm giải pháp tháo gỡ nạn phân biệt đối xử đối với các cộng đồng da màu. Cái chết của những người gốc Phi thời gian qua bởi các nhân viên có nhiệm vụ bảo vệ người dân đã cho thấy phân biệt chủng tộc tại miền đất hứa vẫn tồn tại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về xã hội, an ninh.
 
Vì thế, vấn đề cấp thiết hiện nay là thực hiện những thay đổi mang tính hệ thống từ cơ chế, luật pháp cũng như cách hành xử để không còn các cộng đồng thành phố nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế, giáo dục mà Baltimore là ví dụ rõ nét nhất. Như thế, các cộng đồng gốc Phi sẽ cảm nhận được rằng họ đang được sống và quan tâm một cách đầy đủ và công bằng. Đây thật sự là một thách thức đối với nước Mỹ.
Theo Thùy Dương
Hà Nội mới