1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thách thức bủa vây, Afghanistan đứng trên bờ vực thảm họa

Thành Đạt

(Dân trí) - Người dân Afghnistan đối mặt với hàng loạt khó khăn trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi nước này và Taliban lên nắm quyền.

Thách thức bủa vây, Afghanistan đứng trên bờ vực thảm họa - 1

Các tay súng Taliban ở sân bay Kabul ngày 31/8 (Ảnh: NYTimes).

Khi chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời khỏi thủ đô Kabul trong đêm 30/8, các chiến binh Taliban ăn mừng bằng những phát súng và tuyên bố Afghanistan "độc lập".

Việc Mỹ rút quân đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến kéo dài 20 năm, tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD, cướp đi sinh mạng của hơn 170.000 người và đỉnh điểm là sự tiếp quản của chính lực lượng nổi dậy mà Mỹ tìm mọi cách để loại bỏ.

Saad Mohseni, ông chủ của Tolo - kênh truyền hình lớn nhất Afghanistan, nhấn mạnh những rào cản lớn mà Taliban phải đối mặt sau khi lên nắm quyền, bao gồm việc giành được sự ủng hộ từ người dân Afghanistan.

"Kỳ vọng của người dân đã tăng lên đáng kể sau 20 năm tự do và giải phóng. Nỗi đau bây giờ vẫn chưa ập đến. Liệu Taliban có lôi kéo thế giới bằng một cách tiếp cận toàn diện hơn không? Hay họ sẽ quay trở lại như trước đây?", ông Mohseni nói.

Taliban đang phải đối mặt với nhu cầu thành lập một chính phủ mà nhiều người Afghanistan và chính phủ nước ngoài có thể không công nhận.

Các dịch vụ cơ bản như điện đang bị đe dọa do nhiều nhân viên nhà nước không đi làm. Trong khi đó, Mỹ đã đóng băng tài khoản dự trữ của chính phủ Afghanistan và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã ngăn Afghanistan tiếp cận nguồn dự trữ khẩn cấp.

"Hiện tại, gần một nửa dân số Afghanistan, tương đương 18 triệu người, cần hỗ trợ nhân đạo để tồn tại", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết trong một tuyên bố hôm 31/8.

"Cứ 3 người Afghanistan thì có một người không biết tìm bữa ăn tiếp theo ở đâu. Hơn một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi có thể bị suy dinh dưỡng nặng trong năm tới. Người dân đang mất dần khả năng tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ cơ bản mỗi ngày", ông Guterres nói.

Ramiz Alakbarov, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc về Afghanistan, cho biết tình hình có thể sẽ sớm trở nên tồi tệ hơn nhiều, khi nguồn dự trữ lương thực có thể cạn kiệt vào cuối tháng 9.

"Tại thủ đô Kabul, nhiều người có thể đang đứng trên bờ vực của thảm họa nhân đạo. Giá cả tăng. Không có lương. Đến một lúc nào đó, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh khốn cùng", ông Alakbarov cho biết.

Một quan chức quân đội Mỹ nói rằng tất cả những người Mỹ muốn rời Afghanistan và có thể đến sân bay đều đã được sơ tán. Tuy nhiên vẫn còn một số người Mỹ, được cho là dưới 300 người, đang ở lại, do lựa chọn không rời đi hoặc do họ không thể đến sân bay để kịp sơ tán.

Một số người đã lên mạng xã hội để kêu gọi giúp đỡ đưa người thân rời khỏi Afghanistan.

"Gia đình tôi đã ở cổng sân bay Kabul trong 4 ngày, sau đó bị bỏ lại. Xin hãy giúp họ", một người đàn ông tự xưng là cựu thông dịch viên quân đội Anh viết trên Twitter.

Kể từ khi chiếm được Kabul, Taliban đã tìm cách xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn. Nhưng nhiều người ở Afghanistan vẫn không thể quên những quy định cứng rắn của nhóm này vào những năm 1990, trong đó tước đi các quyền cơ bản của phụ nữ như giáo dục và khuyến khích các hình phạt hà khắc.

Những hành động của Taliban trong những tuần qua cho thấy một viễn cảnh không mấy khả quan. Kể từ khi chiếm được Kabul vào ngày 15/8, các chiến binh Taliban đã trấn áp các cuộc biểu tình, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và vây bắt những người chống đối.

Mặc dù cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ, nhưng Taliban vẫn cảnh báo phụ nữ Afghanistan rằng để đảm bảo an toàn, tốt nhất họ nên ở trong nhà.