1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thách thức an toàn bay

Chưa khi nào châu Á lại phải đối mặt với thách thức an toàn bay lớn như hiện nay sau hàng loạt vụ tai nạn hàng không thảm khốc làm chấn động cả dư luận thế giới.

Khẩn trương cứu hộ trong vụ tai nạn chiếc máy bay ATR-72 của hãng TransAsia Airways
Khẩn trương cứu hộ trong vụ tai nạn chiếc máy bay ATR-72 của hãng TransAsia Airways

Nếu như năm 2014 được xem là năm “vận hạn” lớn của ngành hàng không châu Á với nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng khiến hơn 700 người thiệt mạng và mất tích thì mới bước sang năm 2015, thế giới lại phải đón nhận tin buồn về vụ rơi máy bay ATR 72-600 của hãng hàng không Đài Loan TransAsia ngày 4-2 khiến 35 người tử nạn và 15 người bị thương. Đây cũng là vụ tai nạn thứ hai của hãng TransAsia và cùng là loại máy bay ATR 72-600 thuộc dòng máy bay “đời mới nhất”.

Nguyên nhân vụ tai nạn của chiếc máy bay ATR 72-600 ngày 4-2 đang được điều tra song điều khó hiểu là chiếc máy bay gặp nạn mới được đưa vào sử dụng chưa đầy một năm và mới được kiểm tra an toàn vào tháng 1 vừa qua. Trong khi đó, kíp lái chiếc máy bay này đều rất có kinh nghiệm khi cơ trưởng đã có kinh nghiệm hơn 14.000 giờ bay và cơ phó cũng đã có tới hơn 4.000 giờ bay.

Chính vì thế, vụ tai nạn mới nhất của hãng TransAsia càng làm cho an toàn hàng không trở thành một thách thức với châu Á đang trỗi dậy về kinh tế, đi kèm với đó là sự gia tăng nhanh của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. Vấn đề an toàn hàng không với châu Á trong thời gian chưa đầy 1 năm qua khởi đầu từ vụ mất tích đầy bí ẩn của chuyến bay MH370 chở tổng cộng 239 người của hãng hàng không Malaysia Airlines, tiếp sau đó là vụ tai nạn thảm khốc của chuyến bay MH17 của Malaysia    Airlines khiến 298 người tử nạn, chuyến bay QZ8501 của hãng AirAsia khiến 162 người chết và mất tích và mới nhất là vụ máy bay ATR 72-600 của TransAsia.

Cho dù nguyên nhân các vụ tai nạn hoàn toàn khác nhau song với bất cứ lý do gì thì an toàn hàng không đã trở thành một vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết của hàng không châu Á. Điều này càng phải được coi trọng hơn khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại châu lục đông dân nhất giới này đang gia tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm 31% các hoạt động chuyên chở hành khách bằng đường không của toàn thế giới với 1,8 tỷ hành khách trong tổng số 2,9 tỷ hành khách toàn cầu và con số này được dự báo sẽ tăng lên tới 42% sau 2 thập niên nữa. Gia tăng nhu cầu vận tải hàng không sẽ kéo theo tăng thêm máy bay, đội ngũ phi công cũng như nhân viên bảo dưỡng, người điều vận người phục vụ trên chuyến bay... mà theo các chuyên gia, cứ thêm 1 máy bay được đưa vào hoạt động, các hãng hàng không sẽ phải thuê và đào tạo ít nhất 10-12 phi công hoặc có thể là nhiều hơn. Hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ dự báo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần thêm 216.000 phi công mới trong 20 năm tới, con số lớn nhất trong số tất cả các khu vực trên thế giới, chiếm 40% nhu cầu phi công của toàn cầu.

Tuy nhiên, cần khẳng định là dù còn có rủi ro song đi lại bằng đường hàng không vẫn đang ngày càng an toàn hơn bởi số liệu thống kê cho thấy, an toàn hàng không thế giới đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua. Cụ thể, từ năm 2000 tới nay, cứ 10 triệu hành khách đi máy bay mới có chưa tới 3 người tử nạn so với 8 người những năm 1990, 11 người những năm 1980 và 26 người những năm 1970.
 
Theo Hoàng Hà
An ninh Thủ đô