1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tên lửa Mỹ ở Hàn Quốc: Lá chắn hay "dao hai lưỡi"

Hệ thống lá chắn tên lửa tối tân THAAD Mỹ triển khai đến Hàn Quốc có khả năng trở thành “con dao hai lưỡi” làm xấu đi quan hệ giữa Washington và Seoul.

Ngày 2-5, tại một sân golf cũ cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) gần 200 km, lá chắn tên lửa - Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đã chính thức đi vào hoạt động.

Trước tình hình căng thẳng an ninh tại bán đảo Triều Tiên đang tăng cao, các chuyên viên kỹ thuật quân đội Mỹ đã hối hả vận chuyển và lắp đặt hệ thống ngay trong đêm, bất chấp những lo ngại trong và ngoài Hàn Quốc về sự hiện diện của lá chắn tên lửa này trên bán đảo Triều Tiên.

Tấm khiên bảo vệ Mỹ-Hàn

Về lý thuyết, hệ thống THAAD được cho rằng đủ khả năng bắn hạ các tên lửa tầm trung của Triều Tiên nhắm vào Hàn Quốc trong trường hợp xung đột nổ ra. Các bệ phóng THAAD được lắp trên xe thiết giáp cơ động giúp tăng khả năng điều chỉnh vị trí triển khai. Hệ thống này được thiết kế nhằm mục đích phòng thủ, chỉ nhắm bắn tên lửa khi chúng đang rơi xuống hoặc đang ở tầm cao giai đoạn cuối, đủ để sức nổ không tàn phá các mục tiêu dưới đất.

Việc Triều Tiên liên tiếp cho thử nghiệm các tên lửa tầm trung và tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm (ICBM) đã khiến quyết định triển khai THAAD càng được thúc đẩy nhanh chóng. Thomas Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định: “THAAD được đo ni đóng giày để đối phó với các tên lửa tầm trung mà Triều Tiên đang nắm giữ và thường xuyên phô diễn sức mạnh. THAAD chính là biện pháp thích hợp cho phòng thủ khu vực”.

Trong khi đó, theo chuyên viên phân tích quốc phòng Bruce Bennett của tập đoàn vũ khí RAND, hệ thống THAAD vừa được triển khai tại Hàn Quốc thực chất vẫn không đủ sức bảo vệ thủ đô Seoul. Theo ông, phạm vi ngăn chặn tên lửa của một hệ thống THAAD chỉ vào tầm 200 km. Vậy nên sẽ cần từ hai đến ba hệ thống được triển khai bổ sung mới có thể tạo một vùng phòng vệ bao trùm miền Nam bán đảo Triều Tiên.


Cảnh sát được điều động để giải tán nhóm người dân biểu tình phản đối khi các bộ phận của hệ thống lá chắn tên lửa THAAD được triển khai đến Seongju. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát được điều động để giải tán nhóm người dân biểu tình phản đối khi các bộ phận của hệ thống lá chắn tên lửa THAAD được triển khai đến Seongju. Ảnh: REUTERS

Ứng cử viên tổng thống hàng đầu Hàn Quốc Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ chuẩn bị tranh luận trên truyền hình ngày 2-5. Ảnh: BLOOMBERG
Ứng cử viên tổng thống hàng đầu Hàn Quốc Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ chuẩn bị tranh luận trên truyền hình ngày 2-5. Ảnh: BLOOMBERG

Hay là con dao hai lưỡi?

Tuy nhiên, khi tính hiệu quả của THAAD trong thực chiến vẫn còn là một ẩn số, các hệ quả chính trị đối với quan hệ Mỹ-Hàn đã nhen nhóm xuất hiện.

Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gấp rút cho triển khai và đưa vào hoạt động hệ thống tên lửa THAAD ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc. Động thái này đã hứng phải nhiều chỉ trích cho rằng Mỹ muốn tạo tác động vào kết quả cuộc bầu cử, hoặc đặt nhà lãnh đạo kế tiếp của Hàn Quốc vào thế đã rồi và không thể đàm phán lại chương trình THAAD. Theo đúng kế hoạch ban đầu, đáng lẽ Seoul và Washington sẽ làm việc và triển khai lá chắn tên lửa vào tận cuối năm nay.

Trả lời tờ The Washington Post ngày 2-5, ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in, nhận định: “Quả là không thích hợp khi chính phủ Hàn Quốc vội vàng triển khai hệ thống THAAD vào thời điểm nhạy cảm chính trị này, lúc cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần, lại không hề thông qua tiến trình dân chủ, đánh giá môi trường hay lấy ý kiến người dân”. Ông bày tỏ lo ngại quyết định mang tính đơn phương của chính phủ có thể gây các tác động tiêu cực đến tiến trình dân chủ của Hàn Quốc.

“Tôi không cho rằng Mỹ có ý định gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử của chúng tôi nhưng tôi quả thật có một số e dè” - ông Moon Jae-in nhận định. Ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc cho rằng nếu người dân có thêm thời gian để cân nhắc vấn đề một cách dân chủ, Mỹ sẽ củng cố được niềm tin giữa hai nước.

Niềm tin lung lay

Có thể nói chiếc ô bảo vệ an ninh vẫn sẽ là nền tảng then chốt thắt chặt mối quan hệ Hàn-Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng xoay quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngày một gia tăng như hiện nay. Thế nhưng không chỉ riêng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, chính phủ Mỹ và bản thân Tổng thống Trump thời gian qua cũng có không ít các động thái đe dọa làm lung lay niềm tin giữa Washington và Seoul.

“Cái miệng của ông Trump đang làm lung lay quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn”. Đó là nhận định của tờ báo cánh hữu hàng đầu Hàn Quốc Chosun Ilbo, bày tỏ lo ngại về các phát ngôn và dự tính của ông Trump thời gian qua nhắn nhủ đến Seoul.

Cuối tuần qua, tổng thống Mỹ đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn, được ký vào năm 2007 dưới thời Tổng thống George W. Bush và đàm phán lại vào năm 2012 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thỏa thuận bị ông Trump chỉ trích là “tồi tệ” và đe dọa sẽ hủy bỏ cam kết.

Trước đó, Tổng thống Trump lại thêm một lần “lỡ miệng” gọi bán đảo Triều Tiên về mặt lịch sử từng là một phần của Trung Quốc, khiến người dân Hàn Quốc nổi giận. Đó là chưa kể đến các phát biểu thiếu rõ ràng của chính phủ Mỹ vào giữa tháng 4, khẳng định đội tàu sân bay tác chiến USS Carl Vinson đang tiến thẳng đến bán đảo Triều Tiên.

Thông tin này đã đẩy tình hình an ninh khu vực căng như dây đàn, ngỡ như đã đứng bên bờ vực chiến tranh. Thế nhưng thật ra USS Carl Vinson vào thời điểm đó vẫn còn tham gia tập trận ở Ấn Độ Dương và tới tuần qua mới đến vùng biển khu vực.

Sự khó lường trong các phát ngôn và quyết định của ông Trump không chỉ khiến Triều Tiên căng thẳng mà cả đồng minh Hàn Quốc cũng phải e dè. “Có những vấn đề còn quan trọng hơn tiền bạc. Nếu các bên đơn giản hóa quan hệ đồng minh thành câu chuyện tiền bạc và kinh tế, niềm tin căn bản sẽ lung lay” - tờ Chosun Ilbo nhận định.

Còn tờ báo bảo thủ Dong-A Ilbo cũng chỉ trích ông Trump đang “đánh bom bằng lời nói” trước thềm cuộc bầu cử quan trọng của Hàn Quốc. “Chúng tôi hy vọng ông Trump sẽ cẩn trọng hơn với ngôn từ của mình. Nếu mối quan hệ đồng minh của hai nước lung lay, ai sẽ là người cười cuối cùng? Đó là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình”.

Làng quê trở thành mục tiêu quân sự

Tại ngôi làng Seosongri thuộc Seongju, cách thủ đô Seoul hơn 200 km, người dân đã tiến hành biểu tình phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD đến vùng quê này. Họ cho rằng hệ thống này đe dọa đến sự an toàn tính mạng, sức khỏe người dân và mùa màng.

Nhiều người lo sợ Seongju từ một ngôi làng làm nông bình dị ở chân đồi nay đã thành một biểu tượng của sức mạnh quân đội Mỹ chống lại Triều Tiên và là mục tiêu dễ bị nhắm đến đầu tiên nếu xung đột nổ ra.

Những người nông dân ngồi bên đường để biểu tình, hàng trăm biểu ngữ được dựng lên trên những gốc cây và hàng rào dọc con đường dẫn tới nơi triển khai tên lửa. “Đến một ngày, Seongju bỗng trở thành tiền tuyến. Chiến tranh ngày nay đâu chỉ là súng đạn. Tên lửa sẽ phóng và mục tiêu là gì? Chính là ở đây, nơi có radar THAAD” - bà Park Soo-gyu, 54 tuổi, một nông dân trồng dâu lâu năm ở Seongju, chia sẻ trong nước mắt.

Cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng đến thủ đô Seoul. Người dân đã tổ chức xuống đường phản đối triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Những người biểu tình thắp nến và hô vang các khẩu hiệu như “rút hệ thống THAAD, trả lại hòa bình”, “vô hiệu hóa hệ thống THAAD”...

Theo tính toán của ban tổ chức, có hơn 50.000 người đã tham gia cuộc biểu tình này, trong đó có cả người dân đến từ làng Seongju. Cuộc biểu tình đã leo thang thành vụ đụng độ khiến ít nhất 13 người bị thương. Khoảng 8.000 cảnh sát được điều động để giải tán nhóm người này, theo NBC News.

An Miên

Theo Trung Nhân

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm