1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tên lửa đạn đạo Nga "đánh bại mọi lá chắn tên lửa Mỹ"

(Dân trí) - Các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không "địch" nổi một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM) của Nga, vốn thử nghiệm thành công trong tuần này, một quan chức cấp cao của Nga tuyên bố.

Một vụ thử tên lửa tại bãi thử Kapustin Yar. (Ảnh minh họa)

Một vụ thử tên lửa tại bãi thử Kapustin Yar. (Ảnh minh họa)

Phó thủ tướng Dmitry Rogozin, người chịu trách nhiệm giám sát ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, đã ca ngợi vụ thử nghiệm hôm 6/6 là một thành công và gọi tên lửa đạn đạo liên lục địa mới là "kẻ hủy diệt phòng thủ tên lửa".

"Không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào của Mỹ ở hiện tại cũng như tương lai có thể ngăn chặn tên lửa Nga tấn công hủy diệt mục tiêu", ông Rogozin nói trong một sự kiện của đảng Nước Nga Thống nhất hôm qua.

Bộ quốc phòng Nga trước đó tỏ ra khiêm tốn hơn trong các đánh giá của mình về vụ thử nghiệm, do Đơn vị tên lửa chiến lược tiến hành tại bãi thử Kapustin Yar, nằm giữa Volgograd và Astrakhan, hôm 6/6.

"Vụ thử nghiệm đã thành công khi đầu đạn giả định bắn trúng mục tiêu trong khung thời gian đặt ra", một tuyên bố của Bộ quốc phòng cho hay.

Vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Nga diễn ra trong bối cảnh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu, mà NATO và Mỹ nói là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran, đã trở thành một trong những nguyên nhân gây bất đồng trong quan hệ Nga-Mỹ suốt những năm qua.

Nga và NATO đã nhất trí hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lisbon năm 2010, nhưng các cuộc đàm phán bị bế tắc, một phần vì Mátxcơva yêu cầu sự đảm bảo bằng pháp lý rằng hệ thống không nhắm vào lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.

Hồi giữa tháng 3, Mỹ đã thông báo điều chỉnh kế hoạch triển khai phòng thủ tên lửa tại Ba Lan, hủy kế hoạch đặt các tên lửa đánh chặn SM-3 IIB tại Ba Lan vào năm 2022.

Giới chức Nga phản ứng rằng sự điều chính đó không giúp giảm bớt những lo ngại của họ về phòng thủ tên lửa Mỹ tại Đông Âu, và tái khẳng định yêu cầu của Mátxcơva về các thỏa thuận pháp lý đảm bảo các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga không bị đe dọa.

Mặc dù các nhà phân tích nhận thấy rằng sự thay đổi của Mỹ trong hệ thống phòng thủ tên lửa là một sự nhượng bộ với Nga, có thể là nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán song phương trong tương lai về giảm vũ khí hạt nhân, giới chức Mỹ đã liên tục bác bỏ điều này.

Phát biểu sau một cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Ba Lan hôm 3/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh tới cam kết liên tục của Mỹ đối với việc triển khai đó trong hệ thống phòng thủ tên lửa.

"Chúng tôi đang trong quá trình triển khai một địa điểm phòng thủ tên lửa tại Ba Lan vào năm 2018 trong khuôn khổ cách thức tiếp cận hiện đại của NATO đối với an ninh của chúng ta", ông Kerry nói.

An Bình
Theo RIA

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm