1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tây sợ, Đông cần, Nga quay sang làm “ông lớn” châu Á-Thái Bình Dương

Trang web của Sputniknews vừa dẫn một bài bình luận của Ria Novosti về chiến lược địa chính trị Á-Âu của Liên bang Nga, trong đó nhấn mạnh khả năng hợp tác của Nga với châu Á - Thái Bình Dương.

Châu Âu bạc bẽo vì luôn sợ Nga lớn mạnh hơn mình

Trên trang web của RIA Novosti, hãng thông tấn hiện nằm trong tập đoàn truyền thông quốc gia Rossiya Segodnya, đăng tải bài viết của Tiến sĩ Khoa học Chính trị Igor Bocharnikov, cố vấn nhà nước cấp III, đồng thời là người lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Các vấn đề an ninh quốc gia Nga, phân tích về chiến lược địa chính trị Á-Âu của Liên bang Nga.

Đối với nước Nga, chiến lược địa chính trị Á-Âu là một trong những dự án phát triển đầy hứa hẹn. Tính chất độc đáo ở đây thể hiện Nga là một cường quốc nằm trên cả hai lục địa Á-Âu. Trên thế giới không có quốc gia liên châu lục nào sở hữu những kích thước và tiềm năng to lớn, mạnh mẽ như vậy.

Tuy nhiên theo tác giả nhận xét, trong những thế kỷ qua, xu hướng chính sách đối ngoại của Nga nghiêng về thân châu Âu. Trong khi châu Á luôn ở xa trọng tâm của chính sách, trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, dù cho các nguồn lực phát triển hiệu quả đất nước lại tập trung nhiều ở đây - ông Igor Bocharnikov viết

Nguyên nhân của cách tiếp cận một chiều này là định đề đã và đang tồn tại trong suy nghĩ của loạt chính trị gia Nga: Chúng ta là một quốc gia châu Âu và nên phù hợp theo các tiêu chuẩn châu Âu. Nhưng thực tế, ông Igor Bocharnikov nhận xét, “người Nga chưa hề và sẽ chẳng bao giờ được coi là những người châu Âu”.

Nước Nga quá lớn đối với cựu lục địa và điều đó làm cho châu Âu luôn lo ngại. Cứ mỗi lần xuất hiện một nguy cơ tiềm năng đe dọa nền an ninh châu Âu, họ lại trông đợi vào Nga. Nhưng sau khi khó khăn được giải quyết nhờ sự tham gia của nước Nga, châu Âu lại thổi bùng chiến dịch bài Nga mới.

Đã là như vậy kể từ sau khi Nga chiến thắng nước Pháp của Napoleon năm 1814. Tiếp theo đó, nước Nga cũng đã nhiều lần cứu vớt các đồng minh Pháp và Anh trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918), bằng sự hy sinh của chính bản thân trên thực tế.

Thế nhưng, không một ai mời nước Nga Xô viết hay thậm chí các đại diện Bạch vệ (trong đó có nhiều tướng lĩnh và sĩ quan từng tham gia Thế chiến) tới dự lễ Đức ký kết đầu hàng. Trái lại, các cựu đồng minh lập tức ấp ủ kế hoạch hòng cắt xén nước Nga.

Những sự kiện đáng buồn còn tiếp diễn với Liên bang Xô Viết khi Chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945) đã kết thúc không chỉ với chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, mà đồng thời còn là sự khởi đầu của "chiến tranh lạnh" với các cựu đồng minh.

Còn giờ đây, trước thềm kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, châu Âu từng được giải cứu khỏi thảm họa Hitler năm 1945 đang “đoàn kết chống Nga”, quốc gia đã hứng những gánh nặng lớn nhất trong cuộc chiến tàn khốc. Những điều này làm nổi rõ thái độ thực chất của châu Âu đối với Nga.

Vì vậy mà mọi hy vọng châu Âu sẽ tìm kiếm mối quan hệ bình đẳng với Nga đều chỉ là ảo tưởng.

Châu Âu bạc bẽo, Nga ngoảnh sang châu Á-Thái Bình Dương

Trong những điều kiện như vậy - ông Igor Bocharnikov viết tiếp - phương hướng chiến lược Á-Âu đã, đang và sẽ trở thành mục tiêu phát triển chủ đạo của Nga. Lợi ích của Nga không phải ở châu Âu, nơi đang dần mất vị thế như một trung tâm chính trị và kinh tế thế giới, mà nằm ở châu Á và trước hết là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đặc trưng của khu vực này là tính năng động của các quá trình chính trị và kinh tế, tạo nên xu hướng ổn định biến châu Á-Thái Bình Dương dần trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng trên thế giới. Ngay lúc này, nền kinh tế các nước trong khu vực đang làm ra hơn 57% GDP toàn cầu và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Không hề vô tình khi diễn ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giành giật vị thế và vai trò ở châu Á-Thái Bình Dương. Tháng 2 năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố một mục tiêu chủ đạo trong nhiệm kỳ thứ hai của mình là khẳng định địa vị ưu thế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyến công du của ông Obama tới các nước châu Á vào tháng 4-2014 được thực hiện nhằm thúc đẩy mục tiêu được nêu. Tuy nhiên, những chuyến đi trong bối cảnh sự tích cực nửa với đã ít đem lại thành công, hơn nữa càng bộc lộ những điểm yếu trong vị thế của Mỹ ở khu vực.
 
Các học giả Nga cho rằng, Moscow nên sử dụng lợi thế địa lý để trở thành lãnh tụ châu Á
Các học giả Nga cho rằng, Moscow nên sử dụng lợi thế địa lý để trở thành lãnh tụ châu Á

Trong khi đó, với vị trí địa lý đặc biệt, với tiềm năng kinh tế mạnh mẽ nhưng chưa được khai thác toàn diện và đặc biệt là mối quan hệ thuận lợi với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Mỹ Latin, nước Nga đang nắm những cơ hội thực sự để nếu không trở thành một thủ lĩnh hàng đầu thì ít ra cũng là một thành viên lớn nhất của cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Khoa học Chính trị Igor Bocharnikov - lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Các vấn đề an ninh quốc gia nhận định, phương hướng chiến lược Á-Âu vô cùng quan trọng của nước Nga còn phải là sự phát triển đối tác và hợp tác cùng có lợi không chỉ với riêng Trung Quốc mà còn cả Ấn Độ.

Đối với nhiều đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương, điều này sẽ làm giảm bớt sự phụ thuộc của châu Á vào Trung Quốc, đồng thời mở ra những cực mới để kiềm chế Bắc Kinh trở thành một thế lực chi phối toàn bộ châu lục này. Như vậy, Nga vừa được lợi về mình, vừa được các nước khác trong châu Á biết ơn.

Hàng loạt bước đi quan trọng ở đây đã được thực hiện, như đã thấy qua chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 5-2014 và tiếp theo là chuyến thăm New Dehli của ông hồi tháng 12-2014.

Tóm lại, lịch sử các quan hệ giữa Nga và châu Âu cũng như tình hình địa chính trị hiện đại - ông Igor Bocharnikov phân tính - sẽ xác định nhu cầu thiết yếu tăng cường các nỗ lực của Nga trên toàn không gian châu Á - từ Trung Đông đến Viễn Đông - với mục tiêu khẳng định vai trò như một quốc gia Á-Âu hàng đầu.

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với Nga trong chiến lược địa chính trị Á-Âu. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thành công của chiến lược này, chỉ với ý chí chính trị, các quyết định được thông qua và thỏa thuận đã ký kết không thôi sẽ là chưa đủ.

Các nhà phát triển cũng như những người thực hiện phải có một lòng tin vững chắc vào tầm quan trọng đặc biệt của chiến lược địa chính trị Á-Âu. Và Nga sẽ phải chuyển hướng thực sự mới mong đạt được thành công, trong bối cảnh Mỹ cũng đang sa lầy trong các điểm nóng trên thế giới.
Theo Nguyễn Ngọc (tổng hợp)
An ninh Thủ đô