1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu sân bay Mỹ biến thành “mồi ngon” cho tên lửa Nga-Trung

Tờ Washington Post (WP) Mỹ vừa có bài viết cho rằng, kỷ nguyên thống trị đại dương của tàu sân bay đã kết thúc bởi các loại tên lửa chống hạm.

Tàu sân bay, tiêm kích hạm Mỹ dễ thành mồi ngon

Trong bài viết ngày 22-2, tờ báo Mỹ Washington Post khẳng định rằng, sự vượt trội của Mỹ về mặt quân sự so với các nước khác sẽ sớm đi vào quá khứ, bởi vì sức mạnh chính của hải quân nước này thông qua hạm đội tàu sân bay hùng mạnh sẽ mất đi ý nghĩa vốn có của nó.

Washington Post trích dẫn báo cáo của chuyên gia thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ công bố hôm 22-2 cho biết, hoạt động của Mỹ ở nước ngoài đã đi đến bước ngoặt mới đầy nguy hiểm.

Trước đây, thật khó có gì có thể chống lại tàu sân bay Mỹ, nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi triệt để. “Trong những năm gần đây, các quốc gia như Trung Quốc, Iran và Nga đã hiện đại hóa lực lượng và vũ khí của quân đội, vượt qua các lợi thế quân sự của Hoa Kỳ” - WP nhấn mạnh.

Ở khu vực Biển Baltic, Nga đã xây dựng một hệ thống phức tạp các hệ thống tên lửa chống hạm mạnh mẽ, các hệ thống phòng không tối tân và triển khai cả những hệ thống phòng thủ tên lửa đầy hiệu quả.

Cách đây chưa lâu, Ban chỉ huy NATO từng cảnh báo về tên lửa hành trình Kalibr của Nga. Moscow đã thử nghiệm tại Syria các hệ thống tên lửa hành trình Kalibr phiên bản tấn công mặt đất phóng từ tàu nổi 3M-14T có tầm phóng tới 2500km.

Tuy nhiên, Nga vẫn chưa sử dụng đến phiên bản chống hạm 3M-54T, có tầm phóng lên tới 660km với đầu đạn cực lớn. Uy lực của nó là điều tất cả các chuyên gia quân sự Mỹ-NATO đều quan ngại cho các chiến hạm của mình.

Nga cũng đã triển khai tại sân bay Hmeymim các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến S-400, che phủ cả một vùng biển xa hơn 300km ở Địa Trung Hải. Tính năng tiên tiến của S-400 đã được các chuyên gia quân sự thế giới nhất trí thừa nhận - Washington Post viết.

Tên lửa đạn đạo chống hàng không mẫu hạm DF-21D của Trung Quốc có thể dễ dàng đánh chìm tàu sân bay Mỹ
Tên lửa đạn đạo chống hàng không mẫu hạm DF-21D của Trung Quốc có thể dễ dàng đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Đến lượt mình, Trung Quốc đã tạo ra hệ thống tích hợp bao gồm các tên lửa phòng không thế hệ mới, tên lửa hành trình/đạn đạo chống hạm, cũng như tàu ngầm, tàu khu trục tương tự loại Aegis của Mỹ và các loại máy bay có tính năng đánh biển rất mạnh.

Như vậy, Trung Quốc đã lập ra tổ hợp các hệ thống vũ khí bảo vệ các khu vực biển và lục địa nước này trước các mối đe dọa từ hướng biển và có khả năng kiềm chế đối phương ở khoảng cách xa các vùng lãnh thổ quan trọng chiến lược - tác giả bài báo ghi nhận.

Trong khi các nước khác tập trung thành lập các hệ thống phức tạp sử dụng công nghệ mới, ví dụ như máy bay không người lái, tên lửa và máy bay chiến đấu thế hệ mới, chiến lược biển và sách lược phát triển trang bị của Hoa Kỳ vẫn hoạt động theo lối mòn cũ và đó là một sai lầm lớn.

Mỹ đã bị mất đi lợi thế chính của mình là khả năng tự do kiểm soát trong không gian lớn trên cả đất liền và trên biển.

Nếu trong những năm tới Lầu Năm Góc không xem xét lại chiến lược của mình, các lực lượng vũ trang Mỹ, đặc biệt là hải quân có nguy cơ không theo kịp các loại vũ khí mới nhất của Nga và Trung Quốc và Washington phải quên đi những ưu thế quân sự của mình trước đây - WP kết luận.

Tàu sân bay Mỹ trở thành nấm mồ của các phi đội tiêm kích hạm?

Cách đây không lâu, chuyên viên phân tích quân sự Kazianis Harry của Mỹ đã bình luận rằng, tàu sân bay Gerald Ford mới nhất của Mỹ, có lượng giãn nước 100.000 tấn được dự kiến đưa vào biên chế năm 2016, nhưng có nguy cơ trở nên lỗi thời dù chưa kịp bàn giao cho Hải quân.

Hiện Mỹ đã lên kế hoạch đóng 3 tàu sân bay lớp Ford, có sức chứa hơn 75 chiếc máy bay các loại, với tổng kinh phí khoảng 41 tỷ USD. Tuy nhiên, những “kỳ quan công nghệ” và khoản đầu tư nhiều tỷ USD có nguy cơ trở nên bất lực trước công nghệ quân sự của Nga.

Nhà phân tích quân sự Kazianis Harry phân tích, Nga đang phát triển các hệ thống tên lửa tầm xa có khả năng tấn công ồ ạt vào tàu sân bay Mỹ từ nhiều hướng cùng một lúc, bằng nhiều phương tiện phóng khác nhau.

Các loại vũ khí như vậy, kết hợp với các phương tiện phát hiện mục tiêu tầm xa trên đại dương có nguy cơ biến các tàu sân bay lớn nhất thế giới của Mỹ thành “bia tập bắn” và chúng sẽ trở thành những “nấm mồ” khổng lồ cho hàng chục máy bay và vài ngàn thủy thủ Mỹ.

Vị chuyên viên người Mỹ nhận định, bắt đầu từ sau Thế chiến II, chiến lược biển toàn cầu của Hải quân Mỹ dựa vào các cụm tàu sân bay mang tiêm kích hạm và các cụm tàu đổ bộ tấn công, mang các máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Để đối phó với chúng, Nga đã chế tạo máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa tầm xa Tu-22 Backfire, trang bị tên lửa có cánh, tốc độ siêu âm Raduga Kh-22 Burya. Mỗi máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire-C hiện có thể mang cùng lúc ba tên lửa Kh-22, có tầm phóng lên đến 600 km.

Máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire-C của Nga có thể hạ tàu sân bay Mỹ bằng 1 quả tên lửa
Máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire-C của Nga có thể hạ tàu sân bay Mỹ bằng 1 quả tên lửa

Chỉ cần một quả tên lửa như vậy là có thể xé nát bất kỳ tàu sân bay cỡ lớn nào của Mỹ, bởi nó có thể được lắp đầu đạn thông thường nặng 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân, có đương lượng nổ lên tới 1.000 kT (1 megaton). Do đó, loại tên lửa này được mệnh danh là “sát thủ hàng không mẫu hạm”.

Ngoài ra, Nga còn hàng loạt các tên lửa chống hạm nổi tiếng, ví dụ tên lửa phóng trên không như Kh-35UE, Kh-31AD, từ trên biển như Kaliber-NK/PL 3M-54/3M-54T, Kh-35, P-270 Moskit; cả trên biển lẫn đất liền P-800 Oniks (tàu ngầm, lẫn tàu nổi và bờ đối hạm)...

Ngoài ra, chuyên gia quân sự Mỹ Jerry Hendrix thuộc Trung tâm New American Security cũng nhận xét trong một báo cáo rằng, các tàu sân bay Mỹ sắp mất hết tính hiệu quả, do những sai lầm chiến lược mà chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Mấu chốt yếu kém là sau khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ tập trung vào các chiến đấu cơ trên hạm hạng nhẹ, không có khả năng tác chiến trong phạm vi lớn. Những máy bay này có giá rẻ và sẵn sàng cất cánh nhanh, tuy nhiên nó đang đặt Hoa Kỳ vào mối đe dọa an ninh.

Nguyên nhân là bởi hiện Nga và Trung Quốc đã và đang phát triển những tên lửa hành trình/đạn đạo chống hạm có tầm phóng quá xa, từ vài trăm đến vài nghìn km. Các tàu chiến Nga-Trung có thể ung dung đứng ngoài phạm vi ngăn chặn của các tiêm kích hạm để phóng hàng loạt tên lửa diệt tàu sân bay Mỹ.

Theo Nhật Nam

Đất Việt