1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Taro Aso - đối thủ hay con bài cuối cùng của Thủ tướng Fukuda?

(Dân trí) - Taro Aso, đối thủ chính của thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda một năm trước, vừa trở lại với vai trò tân Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, trong cuộc cải tổ nội các nhằm giúp ông Fukuda bảo vệ chiếc ghế Thủ tướng.

Một đối thủ đầy mâu thuẫn

 

Từng là đối thủ nặng ký của ông Fukuda trong cuộc tranh chức thủ tướng tháng 9 năm ngoái, Taro Aso khi đó là nhân vật thứ hai trong LDP cầm quyền và là ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất. Hiện 67 tuổi, ông Aso từng giữ các cương vị quan trọng trong nội các như Ngoại trưởng và Bộ trưởng Kinh tế kế hoạch. 

 

Cũng giống như người tiền nhiệm của Thủ tướng Fukuda - cựu Thủ tướng Shinzo Abe, ông Aso xuất thân trong một gia đình chính trị danh tiếng. Ông của Taro Aso là cựu Thủ tướng Shigeru Yoshida, người đã tham gia đàm phán Hiệp định Hoà bình chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai. Năm 2006, trong cuộc đua vào chức Chủ tịch Đảng LDP, ông Aso về thứ hai sau ông Abe. Nhưng khi ông Abe từ chức, ông Aso cũng thôi giữ chức này và không giành được chiến thắng trong cuộc "đọ sức" với ông Fukuda sau đó. 

 

Ông Aso được biết đến là người bảo thủ, với lập trường ủng hộ đường lối cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên và phản sửa đổi luật pháp nhằm cho phép phụ nữ có thể lên ngôi Nhật Hoàng. 

 

Ông được đánh giá là một nhân vật đầy cá tính, yêu thích truyện tranh Nhật Bản (manga), nhưng ông cũng gây ra tranh cãi bằng những tuyên bố bất cẩn. 

 

Tổng thư ký đảng LDP sẽ giữ một vai trò chính trong lãnh đạo chiến dịch bầu cử. Chức vụ này cũng được coi là bước tiến tiếp theo, chuẩn bị cho ông Aso trở thành thủ tướng.

 

Trả lời câu hỏi liệu ông có sẵn sàng kế nhiệm Thủ tướng Yasuo Fukuda, nhân vật số hai trong LDP chỉ nói một cách khiêm tốn: "Tôi có thể tìm ra cách để đạt được điều đó nếu tôi nỗ lực hết mình hỗ trợ nội các của Thủ tướng Fukuda". 

 

Một con bài quan trọng trong canh bạc LDP

 

Dù đã 72 tuổi, Thủ tướng Yasuo Fukuda vẫn giữ nguyên hầu hết các vị trí bộ trưởng mà người tiền nhiệm của ông lựa chọn khi ông trở thành thủ tướng Nhật Bản tháng 9/2007. Tuy nhiên, uy tín của chính phủ đã giảm xuống dưới 30% trong vài tháng qua. 

 

Tổng tuyển cử tới của Nhật Bản sẽ được tổ chức chậm nhất là vào tháng 9/2009. Các nhà phân tích tin rằng ông Fukuda sẽ phải nhờ đến uy tín của ông Aso để tăng cơ hội chiến thắng cho liên minh cầm quyền.   

 

Đây là một "canh bạc" đối với ông Fukuda, vì nếu liên minh cầm quyền thành công, có khả năng họ sẽ thuyết phục được cử tri rằng đảng LDP đáng tin cậy để lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhưng ngược lại, nếu mắc sai lầm, ông Fukuda sẽ bị tổn hại uy tín nghiêm trọng - có thể đến mức không thể phục hồi. Như vậy, nhiệm vụ đầu tiên của Aso là củng cố uy tín của LDP với những rạn nứt trong đảng liên minh cầm quyền.

 

Tuy nhiên, nhiệm vụ gay go nhất của tân nội các Fukuda cũng như ông Aso là giải quyết món nợ nhà nước hiện bằng 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2007. Món nợ khổng lồ này là kết quả của những chính sách chấn hưng kinh tế mà các chính phủ trước đó và hiện nay đã thi hành nhằm đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng trong thập niên 1990. 

 

Trong khi đó, dân chúng Nhật Bản lại đang kêu gọi Thủ tướng Fukuda tiến hành cải cách mạnh mẽ và ngay lập tức hệ thống tài chính nhà nước - an sinh xã hội, giải quyết giá cả tăng cao, cứu nền kinh tế đang "trên bờ suy thoái". Một số tờ báo thậm chí còn cho rằng nếu ông Fukuda "chần chừ" trong việc tiến hành cải cách quỹ lương hưu và giảm nợ nhà nước, thì "ông sẽ không bao giờ được cử tri tín nhiệm nữa". 

 

Có thể nói, Taro Aso là "ván bài" cuối cùng để ông Fukuda bảo vệ chiếc ghế Thủ tướng. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, đương kim Thủ tướng Fukuda "từng là đối thủ" của Taro Aso. Vế sau của câu "nếu Fukuda thất bại...", thì nhiều người, trong đó có Aso, biết điền câu thích hợp.  

 

Theo kết quả thăm dò dư luận do báo Nikkei công bố ngày 4/8, có tới 20% số người được hỏi cho rằng Taro Aso là người phù hợp nhất trở thành Thủ tướng, trong khi tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Fukuda, dù đã tăng từ 4%, vẫn chỉ được 8%.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp tư liệu nước ngoài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm