1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tập trận chung Nga - Mỹ: Phép thử phản ứng khủng bố

(Dân trí) - Cuối tuần này lần đầu tiên Nga và Mỹ sẽ cùng triển khai chiến đấu cơ thay nhau đuổi theo một máy bay dân sự khắp Thái Bình Dương, trong một cuộc diễn tập nhằm thử phản ứng trước một vụ cướp máy bay quốc tế.

 
Tập trận chung Nga - Mỹ: Phép thử phản ứng khủng bố - 1
Một chiếc máy bay F-22 Raptor của Mỹ.

 

Máy bay và sỹ quan từ Nga và Bộ chỉ huy phòng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) sẽ đuổi theo một máy bay dân sự, kiểu máy bay chở các quan chức cấp cao, đóng vai trò là máy bay dân sự bị cướp.

 

Mục đích của cuộc diễn tập là nhằm thử khả năng phản ứng của lực lượng hai nước trước một vụ cướp máy bay quốc tế. Cuộc diễn tập kéo dài 3 ngày, bắt đầu vào ngày mai, chủ nhật, tại Alaska.

  

Cùng tham gia cuộc diễn tập có tên gọi “Đại bàng cảnh giác” này là các cơ quan điều khiển không vận của 2 nước.

 

Giới chức hai nước đã chọn mục tiêu chung và cũng là lợi ích, trách nhiệm chung của thế giới hiện đại, đó là cuộc chiến chống khủng bố.

 

Bản thân Nga phải đối mặt với hàng loạt vụ tấn công khủng bố của các nhóm cực đoan tới từ các tỉnh bất ổn. Hồi tháng 3, những kẻ đánh bom liều chết đã giết hại 40 người ở một ga tàu điện ngầm Mátxcơva. Một vụ nổ hồi tháng 11/2009 làm trật bánh đoàn tàu hướng tới thủ đô đã khiến 26 người thiệt mạng. Gần đây nhất, vào ngày 29/7, một người đàn ông đã táo tợn cướp chiếc máy bay chở 105 hành khách và phi hành đoàn ngay tại sân bay ở Mátxcơva, nhưng rất may lực lượng an ninh Nga đã nhanh chóng giải thoát được hành khách và bắt giữ được kẻ cướp máy bay.

 

Trong khi đó, Mỹ vẫn đang “vật lộn” với vô vàn đe dọa khủng bố máy bay, tàu điện ngầm gần 9 năm sau vụ khủng bố 11/9. Một người đàn ông Nigeria bị buộc tội định cho nổ tung một chiếc máy bay Mỹ trên bầu trời Detroit đúng ngày Giáng sinh năm ngoái. Giới chức trách đã phá vỡ âm mưu tiến hành 3 vụ đánh bom tàu điện ngầm New York vào tháng 9/2009.

 

“Đại bàng cảnh giác”, theo một số nhà phân tích, không chỉ đơn thuần nhằm vào một mối đe dọa của thể, mà nhằm củng cố xây dựng lòng tin, loại bỏ những vấn đề về liên lạc, pháp lý trước khi cùng đối phó với một tình huống khẩn cấp thực sự.

 

Đây là lần đầu tiên cuộc tập trận Mỹ - Nga có sự tham gia của NORAD, cơ quan chỉ huy Mỹ - Canada phụ trách giám sát bầu trời Bắc Mỹ.

 

“Đại bàng cảnh giác” cần các máy bay F-22 của NORAD, do phi công Mỹ điều khiển, theo máy bay “bị cướp” ở tây Thái Bình Dương cho tới khi nó tiến gần tới không phận Nga, để sau đó các máy bay MiG-31 của Nga tiếp quản nhiệm vụ. Trong chuyến trở về, quá trình này sẽ được đảo ngược. Khi cuộc “trao” nhiệm vụ chóng vánh diễn ra, cả máy bay của hai bên sẽ cùng áp sát máy bay mục tiêu trong chốc lát.

 

Máy bay cảnh báo và do thám thám của hai nước cũng tham gia vào cuộc diễn tập.

 

Còn các sỹ quan của Nga, Canada và Mỹ cùng với một phiên dịch sẽ lên máy bay mục tiêu để quan sát.

 

Cuộc diễn tập này diễn ra vào thời gian mối quan hệ Nga – Mỹ đang được cải thiện, sau thời điểm nguội lạnh vào năm 2008, khi Nga triển khai quân tiến vào Gruzia và có cuộc chiến ngắn với nước này. Ngoài ra, mối quan hệ giữa hai nước cũng trở nên phức tạp do kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở miền đông châu Âu của Mỹ- kế hoạch bị Nga kịch liệt phản đối vì hệ thống lá chắn được đặt ngay sát biên giới phía tây của Nga.

 

“Đại bàng cảnh giác” mới đầu dự kiến diễn ra vào tháng 8/2008, nhưng đã bị hoãn lại vô thời hạn do mối quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi. Đầu năm 2009, chính quyền Obama bắt đầu theo đuổi kế hoạch “tái khởi động” mối quan hệ với Nga và mối quan hệ giữa hai nước đã bắt đầu cải thiện từ đó.

 

Phan Anh

Theo AP