1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tăng viện trợ ODA cho an ninh Biển Đông - Đòn hiểm của Nhật Bản

Việc tăng viện trợ cho an ninh Biển Đông được cho là sẽ giúp Nhật Bản ghìm cương Trung Quốc trong những kế hoạch không minh bạch tiếp theo.

Trước những tình hình phức tạp ở Biển Đông bởi hành vi quân sự hóa của Trung Quốc ở khu vực này ngày càng gia tăng, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế ngoài việc lên tiếng phản đối đã có những động thái khiến Trung Quốc phải dè chừng. Bởi chính Trung Quốc trong quá trình thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” đã phá vỡ những mối quan hệ ngoại giao quan trọng.

Coi Nhật Bản là “kẻ thù”?

Nếu như năm 2015 được coi là dấu ấn tích cực đầu tiên trong việc cải thiện mối quan hệ Nhật - Trung, thì thời gian đầu năm 2016 là quãng thời gian khiến quan hệ hai bên trở nên tồi tệ như vốn có.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: China Daily)
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: China Daily)

Với những phản ứng mạnh mẽ của Nhật Bản gần đây đối với hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, và mới đây nhất là việc Nhật Bản cho Phillippines thuê 5 chiếc máy bay TC-90 để diễn tập tại Biển Đông khiến cho Trung Quốc quay ngoắt, thể hiện rõ bản chất khi Ngoại trưởng Vương Nghị (trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc) cho rằng, Nhật Bản đang tiếp tục gây rắc rối cho Trung Quốc và Trung Quốc sẽ gia tăng những hành vi chọc giận Nhật Bản. Ông Vương cũng nói thêm rằng, trong bước đường phát triển của Trung Quốc, cuối cùng không biết Nhật Bản sẽ là bạn hay là thù?

Thêm vào đó, dư luận trong nước Trung Quốc rất nhiều người phản đối chính sách thỏa hiệp đối với Nhật Bản mà chính phủ nước này đang áp dụng. Phát biểu của ông Vương Nghị giống như một tuyên bố mới nhất về sự thay đổi chính sách ngoại giao, đặc biệt trong mối quan hệ đối với Nhật Bản. Và mâu thuẫn lớn nhất giữa hai nước tại thời điểm này là lập trường và hành vi đối với khu vực Biển Đông.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng Nhật Bản không phải là “đương sự” liên quan tới vấn đề ở Biển Đông.

Điều này đã động chạm quá mức tới chính sách ngoại giao của Nhật Bản, đặc biệt là tính hiệu quả của Dự luật an ninh mới của nước này được thông qua vào năm 2015. Lẽ dĩ nhiên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khó có thể để yên cho những hành vi của Trung Quốc. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc trong thời gian này sẽ không dừng các hoạt động tại khu vực Biển Đông.

Nhật Bản tăng cường viện trợ ODA cho an ninh Biển Đông

Tình hình thực tế tại Biển Đông đã khiến Nhật Bản phải đưa ra những biện pháp lâu dài.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 11/3/2016 đã công bố bản “Sách Trắng hợp tác phát triển” năm 2015 bao gồm những nội dung chính như tình hình viện trợ phát triển của Nhật Bản (ODA), tình hình giải ngân.

Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. (Ảnh minh họa: digitaljournal)
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. (Ảnh minh họa: digitaljournal)

Sách nhấn mạnh: Nhật Bản nhận thấy khu vực Biển Đông hiện đang bị Trung Quốc tăng cường hành động quân sự hóa và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là những khu vực có vị trí cực kỳ quan trọng đối với chính trị, kinh tế, đặc biệt là tuyến giao thông trên biển của Nhật Bản. Do vậy, Nhật Bản sẽ tăng cường viện trợ việc đảm bảo an ninh trên biển, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới khu vực này.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ mở rộng ở hai phương diện Chất và Lượng dựa trên tiêu chuẩn Đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao mà Nhật Bản đã đề ra nhằm thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của đất nước và khu vực. Theo đó, sẽ hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), vừa để phát huy nguồn viện trợ của Nhật Bản và nguồn vốn của ADB thành dòng vốn tư nhân có hiệu quả, vừa để sử dụng một cách linh hoạt kỹ thuật mà các doanh nghiệp Nhật Bản có sẵn.

Về quan hệ với Trung Quốc, Ngoại trưởng Fumio Kishida xác định rằng, trong những năm gần đây, đặc biệt là thời gian trở lại đây, phương châm “quan hệ hai nước là quan hệ chiến lược” đã được nhấn mạnh trong Sách Trắng Quốc phòng 2015 đã không thể thực hiện như mong muốn. Do vậy, vốn ODA dành cho Trung Quốc ở lĩnh vực hợp tác kỹ thuật chiếm phần lớn viện trợ sẽ được thực hiện theo giai đoạn với mức tiền thích hợp.

Từ tháng 2/2015, viện trợ ODA của Nhật Bản đã chuyển sang danh từ gọi ODA là “Đại mạng lưới hợp tác phát triển”. Đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản sửa đổi tên gọi và mở rộng qui mô nguồn vốn ODA. Đại mạng lưới này nhằm thực hiện viện trợ cho những nước trên thế giới, nhưng chỉ viện trợ trong khuôn khổ những dự án phi quân sự như hỏa hoạn, thiên tai... chứ không viện trợ cho những mục đích lái sang quân sự.

Trên thực tế, việc giải ngân ODA của Nhật Bản năm 2014 giảm 30% so với năm 2013, đứng thứ 4 sau Mỹ, Anh, Đức thuộc Ủy ban viện trợ phát triển (DAC) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thứ hạng của Nhật Bản liên tục bị giảm từ vị trí thứ 2 xuống thứ 3 vào năm 2007 và có nguy cơ giảm tiếp.

Một trong những nguyên nhân chính của việc này là do mệnh giá đồng Yên tăng so với đồng USD.

Nền kinh tế của Trung Quốc chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ, nhưng thực lực cũng chưa thể sánh với Nhật Bản. Tăng viện trợ cho an ninh Biển Đông sẽ giúp Nhật Bản ghìm cương Trung Quốc trong những kế hoạch không minh bạch tiếp theo./.

Theo Bùi Hùng/VOV-Tokyo