Tăng Armata chưa sẵn sàng, Nga dùng T-80 đối đầu với NATO
Dù có siêu tăng Armata và T-90 nhưng trong cuộc đối đầu với NATO, Nga vẫn cần tới phiên bản nâng cấp tăng của T-80.
Nâng cấp siêu mạnh
Theo nguồn tin quân sự Nga, Tập đoàn Nghiên cứu Khoa học Uralvagonzavod (UVZ Nga) đã phát triển một bộ thiết bị nâng cấp để giúp những xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) cũ như T-80BV/T-80U đạt cấp độ hiện đại ngang bằng Leopard 2A5/A6 và M1A1/M1A2 Abrams.
“Hiện đại hóa MTB từng được sản xuất trước đây là xu hướng hiện nay của ngành công nghiệp đóng xe tăng. Nó sẽ nâng cấp kỹ thuật và tăng thời gian phục vụ của xe tăng. Điều kiện kinh tế khó khăn, cắt giảm ngân sách là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cấp MBT cũ. Trong bối cảnh này, T-80BV không có ngoại lệ”, nguồn tin cho biết.
Theo nguồn tin, Công ty Omsktransmash (hiện là một đơn vị trực thuộc UVZ) đã sản xuất xe tăng T-80B từ năm 1979-1991. Nhà sản xuất đang dần nâng cấp kỹ thuật của dòng chiến xa này cùng với T-80BV và T-80U/t-80UD là những biến thể tinh vi nhất.
Đại diện UVZ cho biết: "Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nga có hàng ngàn xe tăng T-80BV/U, hầu hết trong. Tính sẵn sàng chiến đấu của xe tăng dòng T-80 được cấp cho những đơn vị thiết giáp ngày càng tệ. Trong khi sản xuất hệ thống kiểm soát hỏa lực 1A33 (FCS), tên lửa điều hướng chống tăng (ATGM) 9K112-1, bộ nạp đạn tự động, cảm biến gió, trạm vô tuyến, hệ thống chữa cháy đã dừng nhiều năm trước".
Theo những thông tin được công khai, xe tăng T-80 được nâng cấp sẽ tiếp nhận hệ thống quan sát Sosna U dành cho xạ thủ tích hợp kính quang học, hệ thống dò tim mục tiêu bằng laser và ảnh nhiệt. Sosna U làm tăng tầm bắn của xe tăng lên đến 3,3km. Hệ thống laser do tìm mục tiêu tích hợp có tầm hoạt động 7,5km.
Đặc biệt, tăng T-80BV/U nâng cấp được trang bị giáp siêu mạnh Relikt phản ứng nổ chủ động được viện nghiên cứu khoa học NII Stali phát triển. Giáp phản ứng nổ Relikt hoạt động dựa trên nguyên tố 4S23 nhạy cảm với thuốc nổ cao tạo ra cấp độ phòng vệ tối ưu chống lại đạn xuyên giáp hiện đại được phương Tây phát triển.
Dù được lột xác gần như toàn bộ nhưng xe tăng T-80BV/U nâng cấp vẫn giữ nguyên đại bác 2A46M/2A46M-5 cỡ nòng 125mm có thể bắn nhiều loại đạn xuyên giáp cũng như ATGM.
Trong bản báo cáo Cán cân Quân sự năm 2016 được Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London (Anh) phát hành, Bộ binh Nga vẫn duy trì hoạt động của 450 xe tăng T-80BV/U. Do đó, nâng cấp dòng xe tăng T-80 sẽ làm tăng đáng kể khả năng chiến đấu của lực lượng thiết giáp Nga.
Nguyên nhân khiến T-80 được lột xác
Dù được coi là dòng tăng số 1 của Nga tại thời điểm T-80 được đưa vào trang bị loạt nhưng sau màn thực chiến "mất điểm" của dòng tăng này tại cuộc chiến Chechnya năm 1994 khiến T-80 bị thất sủng và Moskva đã quyết định nâng cấp với chúng.
Được biết, hồi tháng 12/1994, xe tăng chiến đấu chủ lực T-80B và T-80BV cùng hàng nghìn binh sĩ Nga ồ ạt tiến vào thủ phủ Grozny của Chechnya. Thay vì giành chiến thắng dễ dàng, gần 1.000 lính Nga đã tử vong và khoảng 200 xe tăng - thiết giáp bị phá hủy chỉ trong hai ngày. Các xe tăng T-80 cũng chịu thất bại nặng nề, cỗ xe tăng số 1 Quân đội Nga bị phá hủy tan tành.
Tại sao lại như vậy, khi mà T-80B và T-80BV được trang bị giáp bảo vệ mạnh mẽ, trong đó T-80BV được lắp cả giáp phản ứng nổ Kontakt-1 có thể giảm thiệt hại đến khoảng 86% từ đầu đạn tên lửa 125mm, 58% với đạn HEAT, và 92% với đạn hỏa tiễn chống tăng hạng nhẹ.
Hóa ra, hệ thống nạp đạn tự động Korzhina của T-80 có lỗi chết người. Thiết bị nạp đạn tự động chứa liều phóng ở vị trí thẳng đứng và chỉ được bảo vệ phần nào bởi các bánh xe. Đạn chống tăng RPG bắn trúng thân T-80 rất dễ gây cháy liều phóng và khiến chiếc xe tăng phát nổ, hư hỏng hoàn toàn.
Một lỗi lớn thứ hai của T-80, giống các xe tăng đời trước, là góc nâng và hạ pháo hạn chế. Pháo tăng không thể bắn trả các phiến quân tấn công vào nó từ các tầng cao hay từ các tầng hầm. Ngoài ra, T-80 bị diệt do lỗi của tổ lái được chuẩn bị tồi khi ra trận. Họ không được huấn luyện bài bản và chiến thuật cũng rất kém.
Cũng có nguồn tin cho rằng, nhiều xe tăng T-80BV tiến vào Grozny với các hộp giáp phản ứng nổ ERA rỗng tuếch, không có thuốc nổ khiến loại giáp này "có mà cũng như không". Theo một số nguồn tin khác, các binh sĩ Nga đã bán thuốc nổ trong giáp ERA để cải thiện cuộc sống thiếu thốn của họ thời hậu Xô Viết.
Siêu tăng T-80 bại trận một phần cũng chính vì các chỉ huy Nga chủ quan, khinh địch không có sự phối hợp tác chiến trước trận đánh. Các binh sĩ ngồi trong xe bọc thép BMP, BTR thậm chí không chịu rời khỏi xe để tiêu diệt các mối đe dọa ẩn núp trong những tòa nhà cao tầng.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến, các chỉ huy Quân đội Nga nhất loạt đổ lỗi cho thiết kế xe tăng mà không chịu một phần trách nhiệm. Chính vì vậy, thay vì thay thế T-72, T-80 lại bị thay thế lại và dần mất đi vị trí số 1 rồi cả số 2 vào "tay" T-90 và T-72.
Theo Thùy Dung
Đất Việt