1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tân phó Tổng thống Ai Cập tuyên thệ nhậm chức

(Dân trí) - Hôm qua, phó Tổng thống Ai Cập Mohamed ElBaradei đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, giữa lúc cơ quan công tố ra lệnh phong tỏa tài sản của 14 nhà lãnh đạo phong trào Hồi giáo tại nước này, trong đó có tài sản của cựu Tổng thống Morsi.

Phố Tổng thống Ai Cập
Phố Tổng thống Ai Cập Mohamed ElBaradei (trái) họp bàn cùng Tổng thống

Là một nhà chính trị theo đường lối cải cách, ông Mohammed ElBaradei năm nay 71 tuổi và từng nhận giải thưởng Nobel hòa bình. Ông là lãnh đạo của Mặt trận giải phóng dân tộc, một liên minh các đảng phái theo đường lối thế tục, chống lại cựu Tổng thống Morsi.

Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông ElBaradei diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng thống tạm quyền Adly Mansour, và là nỗ lực mới nhất của chính quyền Ai Cập nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp sau khi cựu Tổng thống Morsi bị quân đội phế truất.

Trong khi đó, theo BBC, cơ quan công tố Ai Cập đã ra lệnh phong tỏa tài sản của 14 nhà lãnh đạo phong trào Hồi giáo tại nước này. Ngoài các ông Morsi và nhà lãnh đạo tối cao phong trào Anh em Hồi giáo Mohammed Badie, cấp phó của ông Badie là Khairat al-Shater cũng nằm trong diện bị phong tỏa tài sản.

Trước đó cơ quan công tố Ai Cập cũng đã phát lệnh truy nã ông Badie và các nhân vật chủ chốt của Anh em Hồi giáo, trong khi Tổng thống bị lật đổ Morsi hiện đang bị bắt giam.

Cũng trong ngày Chủ nhật, Bộ trưởng quốc phòng Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi đã lần đầu lên tiếng để bảo vệ quyết định lật đổ ông Morsi của quân đội.

Ông Sisi khẳng định ông đã hối thúc vị Tổng thống theo đạo Hồi tổ chức trưng cầu ý dân về sự lãnh đạo của mình trước khi quyết định lật đổ ông Morsi. “Phản ứng đáp lại là sự cự tuyệt hoàn toàn”, ông al-Sisi cho biết.

Tướng Al-Sisi cũng khẳng định sẽ không có nhóm nào bị cấm tham gia chính trị: “Mọi lực lượng chính trị phải nhận ra rằng cơ hội là dành cho tất cả mọi người trong đời sống chính trị, và không có phong trào ý thức hệ nào bị ngăn cản tham gia”.

Chính phủ mới định hình

Quyết định của công tố viên Ai Cập Hisham Barakat trong việc “đóng băng” tài sản của các nhà lãnh đạo Hồi giáo đến giữa lúc một cuộc điều tra những vụ đụng độ xảy ra sau khi ông Morsi bị phế truất đang được tiến hành.

Hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc tuần hành lớn của những người thuộc hai phe ủng hộ và phản đối ông Morsi suốt hai tuần qua.

Theo kênh truyền hình quốc gia Channel 1 TV, lãnh đạo đảng Tự do và công lý thuộc phong trào Anh em Hồi giáo Mohammed Saad al-Katani cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa tài sản.

Trong khi đó, nội các mới của thủ tướng tạm quyền Hazem al-Beblawi đã bắt đầu bổ nhiệm những chức danh đầu tiên.

Ông Ahmed Galal, một nhà kinh tế học tự do với bằng tiến sỹ của đại học Boston, Mỹ dự kiến sẽ trở thành Bộ trưởng tài chính. Nabil Fahmy, cựu đại sứ Ai Cập tại Mỹ được chọn làm Bộ trưởng ngoại giao.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ thăm Cairo

Cũng trong ngày hôm qua, Bộ ngoại giao Mỹ đã ra thông báo về chuyến công du của thứ trưởng Bill Burns tới Cairo. Đây là chuyến thăm Ai Cập đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao trong chính quyền Mỹ kể từ khi ông Morsi bị lật đổ.

Trong chuyến thăm 3 ngày tới Cairo, ông Burns sẽ “khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với người dân Ai Cập”.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết ông Burns sẽ gặp “một loạt người Ai Cập, gồm chính phủ chuyển tiếp, các lực lượng vũ trang, đại diện các đảng phái chính trị, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động xã hội cùng cộng đồng doanh nhân”.

Ông Burns muốn nghe trực tiếp từ giới chức Ai Cập và cộng đồng xã hội dân sự, “như một phần trong nỗ lực để thấy sự chuyển tiếp tại Ai Cập sang một chính phủ dân sự, được bầu cử dân chủ đa nguyên, đa đảng”, bà Psaki khẳng định.

Thứ trưởng Burns cũng sẽ thảo luận lộ trình chuyển tiếp và “sự cần thiết phải chuyển giao cho một chính phủ được bầu cử một cách dân chủ càng sớm càng tốt, cũng như sự cấp thiết trong việc ngăn chặn bạo lực và kích động bạo lực”.

Kể từ vụ chính biến ngày 3/7 đến nay, Washington vẫn chưa thể xác định việc vị Tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của Ai Cập phải ra đi có phải một cuộc đảo chính hay không. Nếu có, nó sẽ khiến khoản viện trợ quân sự và kinh tế hàng năm của Mỹ cho Ai Cập, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD bị cắt.

Trong ngày 14/7, 2 thượng nghị sỹ đầy ảnh hưởng của đảng Cộng hòa là Lindsey Graham và John McCain đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Obama chấm dứt viện trợ để đáp lại hành động đảo chính.

Thanh Tùng
Tổng hợp