Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc
(Dân trí) - Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 4/2 đã chỉ trích Trung Quốc “xé nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực”, đồng thời kêu gọi các biện pháp ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông nhân chuyến công du của ông tới Nhật Bản.
Trong cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo hôm 4/2 nhân chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản - đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã chỉ trích Trung Quốc “xé nát” lòng tin của các quốc gia trong khu vực, đồng thời cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng tìm cách gây ảnh hưởng cả về kinh tế, ngoại giao lẫn an ninh đối với các nước láng giềng.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng đề cập tới tình hình căng thẳng liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông cũng như bày tỏ quan điểm của Mỹ về vấn đề này, theo Reuters.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhìn thấy sự cần thiết phải triển khai bất kỳ động thái quân sự quyết liệt nào”, Bộ trưởng Mattis nói.
“Những gì chúng tôi cần làm bây giờ là dốc hết nỗ lực, trong đó có nỗ lực về mặt ngoại giao, để tìm cách giải quyết vấn đề (Biển Đông) một cách đúng đắn, đồng thời duy trì các kênh thông tin mở”, ông Mattis nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Lập trường của quân đội Mỹ chắc chắn là nhằm hỗ trợ cho các nhà ngoại giao của chúng tôi trong việc giải quyết vấn đề này. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa cần thiết phải triển khai các động thái quân sự hay bất kỳ hoạt động nào tương tự như vậy. Vấn đề này sẽ được giải quyết tốt nhất bởi các nhà ngoại giao”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thể hiện quan điểm cứng rắn của Washington đối với sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Ông Tillerson tuyên bố Trung Quốc không được phép tiếp cận các đảo mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông, trong khi Nhà Trắng cũng khẳng định cam kết của Washington nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại tại vùng biển quốc tế này.
Cũng trong chuyến thăm tới Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis ngày 3/2 khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ giữ nguyên cam kết bảo vệ Nhật Bản với tư cách một đối tác theo hiệp ước đồng minh. Theo đó, cam kết phòng vệ chung giữa hai nước cũng được mở rộng với quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông - nơi Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Thành Đạt
Tổng hợp