1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ở triển lãm hàng không lớn nhất châu Á

(Dân trí) - Sự xuất hiện của 170 công ty, cùng dàn máy bay hiện đại và sự hiện diện của các quan chức cấp tại triển lãm hàng không Singapore cho thấy Mỹ đánh giá cao vai trò chiến lược của khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương trong lĩnh vực hàng không và quốc phòng của nước này.


Máy bay F-16 Fighting Falcon của Mỹ tham dự triển lãm hàng không Singapore năm 2018 (Ảnh minh họa: National Interest)

Máy bay F-16 Fighting Falcon của Mỹ tham dự triển lãm hàng không Singapore năm 2018 (Ảnh minh họa: National Interest)

Tại Triển lãm Hàng không Singapore khai mạc vào ngày 6/2 tại trung tâm triển lãm Changi, 170 công ty Mỹ đã đăng ký tham dự với diện tích gian hàng chiếm tới 30% diện tích trưng bày trong nhà. Mỹ là nước hiện diện đông đảo nhất tại sự kiện lần này.

Thêm vào đó, Washington cũng đưa tới hàng loạt các máy bay quân sự và dân sự hiện đại như C-17 Globemaster III, RQ-4 Global Hawk, E-3B Sentry, KC-135 Stratotanker, B-52 Stratofortress, P-8 Poseidon, AH-6 Little Bird, F-35B Lightning II, F-22 Raptor, F-16 Fighting Falcon, và F-18 Super Hornet. Tham gia triển lãm còn có sự góp mặt của nhiều quan chức cấp cao đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại và cục Quản lý Hàng không liên bang Mỹ.

Việc Mỹ cử một đội ngũ quan chức và thiết bị hùng hậu tới Singapore cho thấy Mỹ đánh giá cao tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với ngành công nghiệp hàng không và quốc phòng của nước này. Nó cũng đồng thời phản ánh các nước trong khu vực quan tâm tới các sản phẩm do Mỹ sản xuất nhờ danh tiếng và thương hiệu Washington trong ngành này từ trước tới giờ.

Tại buổi trao đổi với truyền thông, Đại sứ Tina Kaidanow, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Chính trị, quân sự đã đánh giá cao vai trò của các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng trong chiến lược an ninh và quốc phòng của Mỹ. Bà Kaidanow cho rằng việc Mỹ tích cực tham gia vào triển lãm phần nào thể hiện cam kết bền vững của Mỹ với các đối tác song phương và đa phương vấn đề an ninh khu vực.

Đồng thời, Mỹ hy vọng thông qua triển lãm này Washington có thể thúc đẩy tương tác giữa Mỹ và các đối tác tiềm năng, thiết lập và củng cố mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác trong khu vực.

Theo ông Charles Hooper, Giám đốc Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, Washington không chỉ cung cấp những hệ thống phòng thủ và khí tài tiên tiến mà họ còn cung cấp dịch vụ trọn gói cho các đối tác từ đào tạo, duy trì và hỗ trợ hết mức có thể trên tinh thần hợp tác lâu dài, đôi bên cùng có lợi. Mỹ cho rằng đây là những yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh cho nước này so với các đối thủ khác trong lĩnh vực xuất khẩu quốc phòng.

Đức Hoàng