Tấm lòng người Việt - chỗ dựa trên tuyến đầu chống COVID-19 ở Thụy Sĩ

Những việc làm tưởng như "muối bỏ biển" nhưng thấm đượm tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người Việt đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho những "chiến sỹ áo trắng" ở Thụy Sĩ trong chống dịch COVID-19.

Tấm lòng người Việt - chỗ dựa trên tuyến đầu chống COVID-19 ở Thụy Sĩ - 1

Gia đình chị Nguyễn Lê Hoa và anh Nguyễn Kim Công tại Saveurs du Viet Nam. (Ảnh: Tố Uyên/Vietnam+)

Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, Thụy Sĩ cũng không thể tránh khỏi.

Trong tình cảnh đó, những tấm lòng hảo tâm của người Việt xa xứ đã hỗ trợ và ủng hộ lực lượng y tế tại nước sở tại không chỉ ở giá trị vật chất mà còn cả giá trị tinh thần. Dù là những hành động nhỏ song đều mang ý nghĩa lớn.

Những việc làm tưởng như "muối bỏ biển" nhưng thấm đượm tinh thần đoàn kết, đồng lòng đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho những "chiến sỹ áo trắng" vượt qua sóng gió, hiểm nguy trên tuyến đầu chống dịch.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Geneva, dịch COVID-19 đã nhanh chóng lan khắp Thụy Sĩ và đặc biệt nghiêm trọng tại bang Geneva trong thời điểm nửa cuối tháng Ba, đầu tháng Tư.

Điều này gây sức ép lớn lên hệ thống y tế bang, nhất là Bệnh viện Đại học Geneva (HUG), khi số lượng người nhập viện dồn dập, có ngày lên tới gần 300 ca.

Là Đại học y khoa xuất sắc được thành lập năm 1995, HUG đảm bảo cho toàn bộ ngành y tế, với 64 dịch vụ đều do những giáo sư đầu ngành đứng đầu.

Dù được biết đến như là thủ đô thế giới về y tế, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn khiến hơn 5.000 ca mắc được xác nhận và 248 trường hợp tử vong tại Geneva tính đến ngày 1/5.

Kết quả xét nghiệm huyết thanh của HUG cho thấy số người mắc tại Geneva trên thực tế còn cao hơn nhiều so với con số chính thức. Ước tính hơn 5% dân số Geneva - khoảng 27.000 người, có thể đã nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19.

Tổng Giám đốc HUG Bertrand Levrat mới đây đã gửi thư cảm ơn những đóng góp thiết thực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại địa phương của chị Nguyễn Lê Hoa, Giám đốc "Saveurs du Viet Nam" - một nhà hàng Việt giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là các món ăn Hà Nội.

Đây là nơi để mọi người có thể đến giao lưu đọc sách và thưởng thức những món ăn truyền thống dân gian trong không gian đậm chất Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Nguyễn Lê Hoa cho biết khoảng từ giữa tháng Ba đến đầu tháng Tư, đã có thông tin về việc đồ bảo hộ y tế Thụy Sĩ đặt mua ở nước ngoài không qua được các cửa khẩu của Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến tình trạng lo lắng rằng nhân viên y tế tuyến đầu sẽ không đủ đồ bảo hộ.

Chính phủ Thụy Sĩ kêu gọi người dân để dành khẩu trang cho nhân viên y tế và không dùng phí phạm. Trước tình hình khẩn cấp, chị Hoa đã chủ động phối hợp với một bạn tên là Helen mua giúp khẩu trang không lợi nhuận với số lượng 12.000 chiếc trong đợt một.

Về cá nhân, chị Hoa đã tặng 5.000 khẩu trang y tế cho HUG, đóng góp mấy trăm suất ăn Việt như bún bò, nem tôm cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, qua đường bưu tín hoặc trực tiếp cho những ai cần, như người già hoặc người có nhiệm vụ phải ra ngoài làm việc trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Tấm lòng người Việt - chỗ dựa trên tuyến đầu chống COVID-19 ở Thụy Sĩ - 2

Chị Nguyễn Lê Hoa chia sẻ cảm xúc sau khi nhận được thư cảm ơn của Tổng giám đốc Bệnh viện Đại học Geneva. (Ảnh: Tố Uyên/Vietnam+)

Khi bất ngờ nhận được thư riêng hôm 20/4 của Tổng Giám đốc Levrat thay mặt HUG, cảm ơn những đóng góp thiết thực trong cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19, chị Hoa chia sẻ "thật sự bất ngờ và cảm động."

Từ nhiều năm nay chị Hoa chỉ làm từ thiện thầm lặng, với tư cách cá nhân. Lần này cũng vậy, chỉ chia sẻ với một vài người bạn ở Phái đoàn Việt Nam tại Thụy Sĩ - nơi tri ân của chị lâu nay.

Chị Hoa xúc động kể những gì chị làm chỉ có ý nghĩa nhỏ bé so với những gì người bạn đời của chị đã đóng góp. Anh Alexander làm công tác nhân đạo cho Liên hợp quốc, anh luôn nhận đi những nước nguy hiểm như Pakistan, Afghanistan rồi Trung Phi trong thời kỳ nội chiến từ năm 2012 và đến năm 2018 mới trở về Geneve.

Tham gia các hoạt động hỗ trợ từ thiện HUG còn có gia đình anh Nguyễn Kim Công - người bạn luôn sát cánh cùng chị Hoa.

Cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Sĩ tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, nhưng luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam để cùng nhau đoàn kết và chung tay góp sức cùng chính quyền sở tại trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19.

Anh Lưu Vĩnh Toàn hiện sinh sống và làm việc tại bang Zurich cho biết một trong những hành động đẹp là tất cả mọi người ở Zurich đồng loạt ra ban công để vỗ tay động viên những y, bác sỹ và tình nguyện viên đã cống hiến rất nhiều khi dịch bệnh diễn ra.

Phong trào này được duy trì ở nhiều nơi ở Thụy Sĩ, đặc biệt ở bang Geneva. Cứ đến 21 giờ tối mỗi ngày, mọi người đều ra ban công vỗ tay thể hiện tình cảm biết ơn sâu sắc tất cả các bác sỹ, y tá tại HUG - những người đang ở tuyến đầu giúp đỡ các bệnh nhân chống trả COVID-19.

Ngoài quyên góp ủng hộ khẩu trang, cung cấp miễn phí đồ ăn, nước uống... cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ cùng làm clip gửi những người tham gia chống dịch thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng và nhất quyết chiến thắng đại dịch với những lời động viên như "Chúng ta sẽ ổn, Thụy Sĩ sẽ ổn! Thụy Sĩ cố lên!"

Trên trang cá nhân, anh Trịnh Ngọc Thành, thành viên Ban chấp hành Hội trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ, chia sẻ: "Xin chân thành cảm ơn các anh chị em người Việt trên cộng đồng 'Chợ Việt online tại Thụy Sĩ,' những anh chị em này tôi đã hoặc chưa bao giờ gặp mặt ngoài đời. Những món hàng giúp đỡ nhà tôi lúc khó khăn (như chai nước khử trùng, hộp khẩu trang, hộp găng tay y tế và nhiều thứ khác tôi không thể nêu hết ra đây...) nó có giá trị vật chất, nhưng cái giá trị tinh thần theo tôi còn giá trị hơn gấp nhiều lần. Những trái tim của người Việt xa xứ giúp đỡ nhau những lúc khó khăn nó làm 'ấm lòng người Việt' nơi xứ người."

Có lẽ đây cũng là một trong những động lực khích lệ anh Thành - trường hợp chính thức xác định mắc COVID-19 tại bang Lausanne, để tự cách ly và vượt qua cơn bệnh tại nhà.

Trong lời nhắn nhủ gửi tới du học sinh và những bạn người Việt Nam đang sống tại Thụy Sĩ trong lúc đại dịch khó khăn và nguy hiểm, anh Thành viết: "Tôi tin chắc rằng các bạn sẽ nhận được sợ giúp đỡ chân tình của anh chị em người Việt thân thương của chúng ta. Cá nhân tôi rất tự hào khi người Việt Nam chúng ta có một tấm lòng và trái tim rất tình người, rất nhân hậu. Tôi và những người bạn thân thương của tôi chắc chắn sẽ giúp các bạn. Các bạn cứ an tâm, chúng ta còn có một cộng đồng người Việt Nam rất dễ thương ở phía sau các bạn."

Cộng đồng người Việt sinh sống tại Thụy Sĩ ước khoảng hơn 8.000 người, có mặt ở hầu hết các bang, nhưng tập trung đông ở các thành phố lớn như Geneva, Zurich, Bern, Basel, Lausanne, Luzren và Fribourg. Nhìn chung, cộng đồng người Việt hoà nhập tốt với xã hội Thụy Sĩ, chăm chỉ và chấp hành tốt luật pháp, theo đánh giá của chính quyền sở tại.

Tấm lòng và sự sẻ chia được ví như một hạt giống lan tỏa yêu thương và đoàn kết trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Trong cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay, Thụy Sĩ cũng đã cam kết đoàn kết xuyên biên giới nhằm tăng cường hợp tác với những quốc gia và tổ chức quốc tế bị ảnh hưởng khác.

Theo Tố Uyên

TTXVN/Vietnam+