Tam giác quyền lực mới muốn loại Mỹ khỏi Trung Đông
Iran kết bạn với các cường quốc Á, Âu với một tham vọng chiến lược.
Cuộc tập trận hải quân chung bốn ngày từ ngày 27 đến 30-12 của Nga, Trung Quốc (TQ) và Iran ở Ấn Độ Dương và vịnh Oman diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Mỹ kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5-2018.
Cuộc tập trận gồm nhiều nội dung như giải cứu tàu bốc cháy hoặc bị cướp biển tấn công, khai hỏa. Hải quân Iran và lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cũng tham gia sự kiện lần này.
Truyền hình nhà nước Iran phát đi hình ảnh tàu chiến Nga tiến đến cảng Chabahar ở miền Nam Iran, cho biết tàu TQ sắp đến đồng thời tuyên bố ba nước này là “tam giác quyền lực mới trên biển”.
Thông điệp của cuộc tập trận
Trả lời tờ The Financial Times, chuyên gia Jonathan Eyal thuộc Viện Nghiên cứu an ninh - quốc phòng RUSI (Anh) cho rằng ba nước Iran, TQ và Nga đã gửi một thông điệp cứng rắn đến cộng đồng quốc tế qua cuộc tập trận này: Ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này đã suy yếu dần.
“Đây là một cuộc tập trận đã được tính toán rất kỹ lưỡng và cả ba nước tham gia đều đạt được mục tiêu của họ. Qua sự kiện này, Iran một lần nữa tuyên bố họ là một cường quốc khu vực, Nga chứng minh được vai trò chủ chốt của mình tại Trung Đông và TQ cho thấy họ là một cường quốc hải quân hàng đầu thế giới” - ông Eyal nhận định.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, cuộc tập trận chung có mục đích đảm bảo ổn định an ninh khu vực và giải quyết vấn đề liên quan đến khủng bố. Bà còn khẳng định sự hợp tác này được xây dựng trên các cơ sở song phương, đa phương cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tờ The Telegraph dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng TQ Ngô Khiêm tuyên bố cuộc tập trận là một hoạt động hợp tác quân sự bình thường giữa quân đội các nước. Ông Ngô thông báo ngày 26-12 rằng các cuộc tập trận sẽ giúp tăng cường khả năng trao đổi và phối hợp cho các bên tham gia. “Cuộc tập trận không nhất thiết liên quan đến tình hình khu vực” - ông Ngô Khiêm nhấn mạnh.
Được biết sau khi các cuộc tập trận kết thúc, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif sẽ có chuyến thăm tới Moscow ngày 30-12 để thảo luận với người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov. Đài RFE cho biết hai nhà ngoại giao dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề phát triển quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có thương mại và kinh tế.
Iran muốn loại Mỹ khỏi Trung Đông
Không nằm ngoài dự đoán, cuộc tập trận đầu tiên giữa ba nước trên bị Washington lên án kịch liệt. Trả lời The Financial Times, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Iran cần cân nhắc việc tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung và cảnh báo những động thái tương tự đều liên quan đến tất cả quốc gia tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.
Thông điệp của cuộc tập trận này là hòa bình, hữu nghị và an ninh lâu dài thông qua hợp tác và đoàn kết. Hiệu quả của nó sẽ cho thấy Iran không thể bị cô lập. Chuẩn Đô đốc Iran GHOLAMREZA TAHANI |
Theo tờ The Jerusalem Post, Iran muốn kết bạn với Ấn Độ, TQ, Nga và dần loại bỏ Mỹ khỏi cán cân quyền lực khu vực Trung Đông. Để thực hiện điều này, không những tiến hành các hoạt động nhắm vào Mỹ, Tehran còn cải thiện mối quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Nhật Bản và nhiều nơi khác.
Iran nhiều khả năng đang muốn chứng minh khả năng ngoại giao đa phương của mình, một điều khá đối lập với các lệnh trừng phạt của Washington. Bên cạnh đó, Iran vẫn tiếp tục cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.
Dù vậy, hải quân Iran không phải là đối thủ của Mỹ, cây bút Seth J. Frantzman khẳng định. Mục đích của cuộc tập trận này không phải để chứng tỏ sức mạnh quân sự mà là khả năng hợp tác của Tehran với những quốc gia sẵn sàng thách thức quyền lực của Mỹ. Trong khi Washington xây dựng chiến lược phòng thủ đối trọng Nga và TQ lấy năng lực tác chiến trên biển làm cốt lõi, Tehran đang muốn chứng tỏ Washington đã mất thế siêu cường quân sự.
Vùng Vịnh - điểm nóng giữa Washington và Tehran Vùng Vịnh đã trở thành điểm nóng giữa Washington và Tehran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này vào tháng 5-2018. Hồi tháng 6-2019, Iran đã bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ và đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh ở vùng Vịnh một tháng sau đó vì "không tuân theo các quy định hàng hải quốc tế". Xung đột trở nên căng thẳng hơn sau hai vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia vào tháng 9 làm thiệt hại hơn 5% nguồn cung dầu toàn cầu. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Tehran đứng sau các vụ tấn công nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể và phủ nhận việc phiến quân Houthi ở Yemen do Tehran hậu thuẫn thực hiện các vụ tấn công. Hồi tháng 11-2019, Mỹ, Anh, Úc và một số nước phương Tây đã tiến hành chiến dịch Sentinel, triển khai nhiều tàu chiến tuần tra vùng biển gần Iran. Theo đó, tàu thuyền sẽ được chiến hạm các nước trong liên minh này hộ tống qua eo biển Hormuz, vốn là điểm nóng trên tuyến đường vận chuyển dầu từ Trung Đông. Ông Malloy khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực là lâu dài và chiến dịch Sentinel sẽ tiếp tục được tiến hành cho đến khi không còn mối đe dọa nào xuất hiện. Trong khi đó, Pháp chuẩn bị dẫn đầu một lực lượng châu Âu để bảo vệ tàu thuyền quá cảnh trên các tuyến đường thủy Trung Đông. Ngày 26-12, chính quyền Nhật Bản đã phê chuẩn kế hoạch triển khai một chiến hạm và nhiều máy bay tuần tra tới Trung Đông để bảo vệ các tàu nước này hoạt động trong khu vực. |
Theo Hà Minh Thu
Pháp luật TP. HCM