1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tại sao Mỹ và NATO quyết “phá” Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga?

Dù cả Mỹ và NATO từng tuyên bố chấp thuận để Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 Triumf của Nga nhưng đến phút chót họ lại bất ngờ thay đổi quyết định.

Điều gì khiến Mỹ, NATO quyết chặn Thổ Nhĩ Kỳ?

Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Martin Koller nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác đặc biệt quan trọng của NATO bởi vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ giúp NATO có thể tấn công Nga từ phía Nam.


Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Đây là một thực tế không thể chối cãi, nếu không có được vị trí địa-chính trị quan trọng như vậy, rất khó để Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một thành viên NATO- vốn quá khác biệt với Thổ Nhĩ Kỳ về vị trí địa lý cũng như tính chất tôn giáo.

Cũng theo ông Koller, ban đầu, NATO được thành lập để bảo đảm an ninh cho khu vực Bắc Đại Tây Dương và Tây Bắc châu Âu khỏi “những mối đe dọa” từ khối Warsaw- vốn đã tan rã từ 25 năm trước. “Trong bối cảnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO có vẻ khá bất thường”, ông Koller nói.

Chính vì thế, dù cả Mỹ và NATO từng “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf của Nga, đến ngày 25/10, Chủ tịch Hội đồng Quân sự NATO, Tướng Petr Pavel bất ngờ lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ này.

Theo Tướng Petr Pavel, việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu S-400 Triumf sẽ khiến nước này trở nên “lạc lõng” và không thể tích hợp vào hệ thống phòng thủ tên lửa chung của NATO.

“Nguyên tắc độc lập của mỗi quốc gia hiển nhiên bao gồm việc họ được tùy ý mua sắm trang thiết bị quân sự, tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chấp nhận hậu quả từ việc mua sắm các trang thiết bị quân sự đó”, Tướng Petr Pavel cảnh báo.

Chỉ gần một tháng sau, Tướng Petr Pavel lại tiếp tục có những lời lẽ cứng rắn hơn nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thương vụ mua sắm S-400 Triumf từ Nga. Theo đó, Tướng Petr Pavel cho rằng, Mỹ và NATO cần phải “xem xét thương vụ này theo một cách thực tế hơn”.

Tướng Petr Pavel nhấn mạnh: “Giải pháp của chúng ta trong thương vụ này là gì? Chúng ta sẽ xa lánh Thổ Nhĩ Kỳ trong khi họ đã chấp thuận đàm phán với chúng ta về vấn đề này hay sao? Điều này thật không khôn ngoan”.

Theo ông Koller, nếu muốn mua S-400 Triumf của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chấp thuận để các chuyên gia của NATO tiếp cận với hệ thống phóng thủ tên lửa hiện đại này và việc sao chép công nghệ nhiều khả năng sẽ diễn ra.

Chuyên gia Koller viện dẫn việc hệ thống radar Tamara của Séc từng bị các đối tác nước ngoài mua và tìm cách sao chép thiết kế và công nghệ. Tuy nhiên, mưu đồ này đã thất bại.

Chính vì thế, theo ông Koller, khi quyết định bán S-400 Triumf cho một quốc gia thành viên NATO, nhiều khả năng Nga đã phát triển được một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến hơn hẳn.

S-400 Triumf vượt trội so với Patriot của Mỹ

Dù vậy, theo ông Koller, quyết định mua S-400 Triumf của Thổ Nhĩ Kỳ thay vì Patriot của Mỹ là khá dễ hiểu: “S-400 Triumf được đánh giá là hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả hơn so với Patriot. Mỹ quyết ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 Triumf bởi họ không muốn Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hệ thống tên lửa vượt trội hơn”.

Thậm chí, ngay cả hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga cũng được đánh giá là tốt hơn so với Patriot, bất chấp một thực tế là vào những năm 90 của thế kỷ trước, các tướng lĩnh Nga đã phạm phải sai lầm khi bán cả S-300 và S-350 cho các quốc gia thành viên NATO để rồi 2 hệ thống này rơi vào tay các cơ quan tình báo Mỹ.

Cũng theo ông Koller, việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua S-400 Triumf của Nga được cho là vi phạm nghiêm trọng các lệnh trừng phạt do Mỹ và EU áp đặt nhằm vào Nga. Điều này cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã biết “đặt lợi ích của mình lên trên những toan tính chiến lược của Mỹ và EU”.

“Thổ Nhĩ Kỳ từng được điều hành theo đường lối cứng rắn của nhà lập quốc Mustafa Kemal Ataturk và giờ là của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Đó là những người không chấp nhận làm con tốt cho bất kỳ ai cũng như không phục vụ lợi ích cho bất kỳ nước nào khác”, ông Koller nhận định.

Ông Koller viện dẫn, hồi đầu tháng 12, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã lý giải về thương vụ mua S-400 Triumf của Nga rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO nhưng đã “không nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ”.

Ông Yildirim nhấn mạnh: “Việc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác quốc phòng với Nga sẽ không ảnh hưởng gì đến những cam kết của chúng tôi với tư cách là một thành viên NATO. Chúng tôi không có ý định rời bỏ NATO, chúng tôi chỉ muốn hợp tác với Nga để loại bỏ những nguy cơ đang hiện hữu”.

S-400 Triumf so với Patriot

So với Patriot của Mỹ, S-400 Triumf được đánh giá là vượt trội hơn hẳn với những thông số cực kỳ ấn tượng như sau:

S-400 Triumf có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 600km, trong khi con số này của Patriot chỉ là 150km

S-400 Triumf có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách >250km, so với con số 160km của Patriot.

S-400 Triumf có thể phá hủy tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 60km, con số này của Patriot là <45km.

S-400 Triumf có thể diệt mục tiêu ở độ cao tối đa 27km và tối thiểu là 0,01km trong khi Patriot chỉ có thể diệt mục tiêu ở độ cao tối đa 24km và tối thiểu là 0,06km.

S-400 Triumf có thể diệt mục tiêu đang bay với tốc độ tối đa 4.800m/s, trong khi con số này của Patriot là 2.200m/s.

Thời gian triển khai S-400 Triumf là 5 phút trong khi của Patriot lên tới 30 phút. S-400 Triumf có góc bắn tối đa là 90 độ trong khi của Patriot chỉ là 38 độ.

Theo Trần Khánh

VOV