1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tác giả “Em bé napalm” viết tâm thư chia tay xúc động trước ngày nghỉ hưu

(Dân trí) - Nick Út, phóng viên ảnh gốc Việt nổi tiếng với bức ảnh “Em bé napalm” từng gây chấn động thế giới, đã chia sẻ bức thư đầy xúc động thông báo về quyết định nghỉ hưu vào tháng 3 tới sau 51 năm làm việc tại hãng tin AP.


Nick Út trong một lần trở lại Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi ông chụp bức ảnh nổi tiếng Em bé napalm (Ảnh: AP)

Nick Út trong một lần trở lại Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi ông chụp bức ảnh nổi tiếng "Em bé napalm" (Ảnh: AP)

Trong bức thư được đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân, phóng viên ảnh người Mỹ gốc Việt Nick Út, hiện 65 tuổi, cho biết: “Đây là một quyết định rất khó khăn vì tất cả mọi người ở AP đã luôn và sẽ là một phần gia đình tôi, nhưng đã đến lúc phải nói lời tạm biệt”.

Nick Út đã nhớ lại ngày ông xin vào làm việc tại văn phòng của hãng tin AP ở Sài Gòn và nhắc tới những nhân vật góp phần đưa bức ảnh “Em bé napalm” được công bố với thế giới nhằm phơi bày hiện thực khốc liệt của cuộc chiến mà Mỹ gây ra tại Việt Nam.

“Tôi nhớ thời điểm tới văn phòng của ông ấy lúc tôi còn là thiếu niên và xin vào làm sau khi người anh trai, cũng làm việc cho AP, thiệt mạng trong lúc tác nghiệp”, Nick Út nói về ông Horst Faas, phóng viên huyền thoại về chiến tranh Việt Nam, người mà ông nói là “mãi mãi biết ơn”. “Khi Horst nói tôi hãy về nhà đi, tôi đáp lại rằng AP giờ là nhà của tôi”.

“Cũng nhờ Horst mà tôi giành giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh Em bé napalm. Chính ông ấy đã cương quyết rằng bức ảnh phải được đăng tải, cho thế giới thấy sự tàn khốc của chiến tranh”, Nick Út viết.

Phóng viên ảnh gốc Việt cũng cảm ơn cựu giám đốc mảng nhiếp của AP Hal Buell vì ông đã tin tin bức ảnh “Em bé napalm” là độc nhất vô nhị và nói lên câu chuyện về một cuộc chiến tàn khốc, vì vậy ông đã cho phép bức ảnh được gửi đi khắp thế giới.

“Đó là một bức ảnh lay động mạnh tới nỗi Tổng thống Nixon không thích nó vì bức ảnh cho thấy chiến tranh đã tác động như thế nào tới những người vô tội”, Nick Út chia sẻ.


Nick Út thời trẻ và bức ảnh Em bé napalm nổi tiếng khắp thế giới (Ảnh: Pininterst)

Nick Út thời trẻ và bức ảnh "Em bé napalm" nổi tiếng khắp thế giới (Ảnh: Pininterst)

Ông Nick Út cho biết bức ảnh không chỉ thay đổi cuộc đời ông, mà còn mãi mãi thay đổi cuộc đời Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh. “Kim Phúc đã trở thành một người đấu tranh cho hòa bình kể từ đó và tôi cũng vậy”, Nick Út viết.

Nick Út cho biết thêm, dù nghỉ hưu khỏi AP nhưng ông sẽ tiếp tục theo đuổi công việc nhiếp ảnh. “Đừng hi vọng nhìn thấy tôi nghỉ ngơi trên võng, uống trà ở bãi biển nào đó. Tôi sẽ tiếp tục làm việc, làm những gì luôn luôn yêu thích lâu nay”.

Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, trở thành phóng viên ảnh của hãng tin AP khi mới 16 tuổi sau khi người anh trai Huỳnh Thanh Mỹ, cũng là một phóng viên ảnh của AP, thiệt mạng ở chiến trường miền nam Việt Nam năm 27 tuổi. Nick đã đi khắp chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia để tác nghiệp và nhanh chóng trở thành phóng viên ảnh chiến trường giàu kinh nghiệm.

Vào năm 1973, khi 21 tuổi, Nick giành giải Pulitzer, giải thưởng báo chí danh giá của Mỹ, với bức ảnh "Nalpam girl" (Em bé nalpam) chụp những đứa trẻ bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng,Tây Ninh năm 1972.

Hiện Nick Út sinh sống cùng gia đình tại bang California và làm việc cho văn phòng của hãng AP tại Los Angeles.

An Bình