Huyền thoại Nick Út lên kế hoạch nghỉ hưu sau nửa thế kỷ gắn bó với AP
(Dân trí) - Nhiếp ảnh gia Nick Út, tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, cho biết ông đang lên kế hoạch nghỉ hưu tại AP vào năm 2017 sau hơn 50 năm làm việc tại hãng tin này.
Nhiếp ảnh gia/phóng viên Nick Út (tên thật Huỳnh Công Út) là một người Mỹ gốc Việt, từng có mặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam vào đầu những năm 1970. Ông là tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm” từng gây tiếng vang lớn tại Mỹ cũng như trên toàn cầu và được trao giải Pulitzer Ảnh báo chí thế giới với bức ảnh này.
Mới đây, Nick Út nói rằng ông đang lên kế hoạch nghỉ hưu tại hãng tin AP khi bước sang tuổi 65. “Tôi đã chuyển tất cả các máy ảnh mà tôi dùng của AP đến New York. Sau 51 năm làm việc tại AP, tôi đang có rất nhiều thời gian nghỉ ngơi trước khi về hưu. Tôi sẽ có nhiều ngày nghỉ từ giờ cho tới cuối năm nay”, ông chia sẻ với tạp chí News Photographer.
Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia gạo cội trong làng báo chí thế giới khẳng định ông sẽ nghỉ hưu ở AP chứ không “nghỉ hưu” với sự nghiệp nhiếp ảnh. “Tôi sẽ đi thật nhiều nơi, đi đến tất cả mọi nơi và mở những khóa tập huấn”, ông nói.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, Nick Út cho biết, mặc dù đã gửi trả những thiết bị mà cơ quan cấp cho ông tác nghiệp về New York nhưng ông sẽ vẫn còn làm việc ở AP cho tới tháng 3 năm sau.
Chia sẻ về những tình cảm dành cho cơ quan, nơi ông đã gắn bó từ những ngày trai trẻ, Nick Út nói: “Tôi rất yêu mến AP. AP đã trở thành gia đình của tôi từ khi còn là cậu bé 14 tuổi ở Việt Nam”.
Nhận xét về Nick Út, Phó chủ tịch kiêm giám đốc nhiếp ảnh của AP, Santiago Lyon, cho biết: “Khởi đầu từ những bức ảnh xuất sắc của ông ấy ở Việt Nam khi còn là một thanh niên trẻ tuổi, trong đó có bức ảnh “Em bé Napalm” lừng danh, Nick tiếp tục công việc phóng viên ảnh cho AP ở Los Angeles. Tại đây ông đã phụ trách nhiều chủ đề khác nhau, từ tin tức thời sự cho đến người nổi tiếng, và luôn giữ vững tinh thần làm việc tích cực trong suốt sự nghiệp của mình”.
“Chúng tôi rất may mắn khi có Nick trong đội ngũ của chúng tôi và chúng tôi chúc ông những điều may mắn trong tương lai”, Santiago Lyon nói thêm.
Sự nghiệp nhiếp ảnh
Vào giữa thập kỷ 60, Hal Buell là người phụ trách mảng ảnh toàn cầu của AP ở New York. Hal Buell đã nhớ lại thời điểm Nick Út bắt đầu được nhận vào làm việc tại AP trong khoảng thời gian này và chia sẻ với NPPA.
“Ông Huỳnh Thanh Mỹ, anh trai của Nick, cũng từng là phóng viên ảnh của AP. Sau khi ông Mỹ thiệt mạng, Nick đã tìm tới văn phòng AP (tại Sài Gòn) để xin việc. Lúc đó Nick mới 16 tuổi và chúng tôi phải miễn cưỡng nhận với lý do chính là muốn giúp đỡ gia đình ông ấy. AP không muốn lặp lại tình huống là sẽ có một thành viên khác của gia đình họ có thể tiếp tục mất mạng”, ông Buell nhớ lại.
Theo Buell, Faas và White, hai đồng nghiệp của Nick, ban đầu quyết định rằng Nick sẽ an toàn hơn nếu làm việc trong phòng tối để phụ trách công việc rửa ảnh của AP. Tuy nhiên, sau một thời gian, Nick đã học cách sử dụng máy ảnh rồi rong ruổi trên khắp đường phố Sài Gòn trên một chiếc xe máy để chụp ảnh. Cứ như vậy, Nick dần dần chụp được những bức ảnh chất lượng khá ổn và tạo ấn tượng tốt. Từ đó, Nick tiếp tục với công việc nhiếp ảnh này.
“Nick không tìm đến chiến tranh mà chiến tranh tự tìm đến cậu ấy”, ông Buell nhận xét. Đó là vào cuộc tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, “khi đó Nick vẫn đang đi vòng quanh Sài Gòn với chiếc máy ảnh trên tay và cậu ấy đã bất ngờ trở thành phóng viên ảnh chiến trường” từ thời điểm đó, ông Buell nhớ lại.
Hồi tưởng lại những năm tháng tác nghiệp trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Nick Út kể rằng: “Khi đó, Horst đã cố ngăn tôi lại, giữ chặt tôi trong phòng tối nhưng tôi nói muốn ra ngoài chụp ảnh. Cuối cùng, Horst đành phải thuận theo tôi. Có một lần tôi bị thương do tên lửa. Lúc ấy, Horst rất lo lắng cho tôi. Anh ấy nói “Nick, tôi không muốn cậu chết. Tôi không muốn người nào trong nhà cậu phải bỏ mạng nữa”. Nhưng 2 tuần sau, anh ấy buộc phải để tôi tiếp tục ra ngoài chụp ảnh”.
Bức ảnh “Em bé Napalm” ra đời từ những lần lăn xả như vậy của Nick Út và cũng là một trong những tác phẩm để đời của ông. Bức ảnh chụp cô bé Phan Thị Kim Phúc vào năm 1972 ở Trảng Bàng, Tây Ninh, Việt Nam. Khi ấy trên người Phúc không có một mảnh vải che thân do quần áo bị sức nóng của bom napalm làm cháy rụi. Cô bé Phúc lúc đó đang chạy hối hả trên quốc lộ 1 cùng những đứa trẻ khác sau khi nơi ở của gia đình cô vừa bị lính Mỹ dội bom. Bức ảnh sau đó đã gây được tiếng vang lớn ở Mỹ khi lột tả chân thực sự tàn khốc của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bức ảnh còn mang ý nghĩa nhiều hơn khi công chúng biết rằng chính Nick là người đã kịp thời cứu mạng cô bé Phúc, đưa cô đến bệnh viện gần nhất để điều trị vết phỏng do bom gây ra. Đó cũng là lý do vì sao trang Nbclosangeles.com gọi Nick Út là nhiếp ảnh gia của những bức ảnh làm thay đổi lịch sử.
Thành Đạt
Tổng hợp.