1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Syria: Không dễ có hòa bình khi “nói” nhiều hơn “làm”

Ngày -12, sau 3 ngày nhóm họp, các phe phái ở Syria đã gút được đại diện sẽ tham gia cuộc đàm phán hòa bình với chính quyền Damascus vào ngày 18-12 tới dưới sự bảo trợ của Nga, Mỹ và Liên Hiệp Quốc.

Chưa tới ngày bàn luận nhưng quan điểm của các bên còn quá xa vời.

Từ ngày 8 đến 10-12, các tổ chức đối lập Syria tụ tập tại Riyadh, Arập Xêút, để tham dự hội nghị đầu tiên nhằm chọn người đại diện trong các cuộc thảo luận về việc chuyển tiếp chính trị tại Syria.

Arập Xêút đã cùng với Mỹ và các cường quốc khác tham dự hai vòng đàm phán mới đây về Syria tại Vienna, Áo. Tại hội nghị, Arập Xêút cho biết sẽ dẫn đầu các nỗ lực nhằm xác định những đại diện của phe đối lập ôn hòa tại Syria có thể tham dự những cuộc thảo luận do LHQ làm trung gian với đại diện Chính phủ Syria, trong khuôn khổ của một nỗ lực đa quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Syria: Không dễ có hòa bình khi “nói” nhiều hơn “làm” - 1

Hội nghị của các phe đối lập Syria tại Arập Xêút ngày 10-12.

Trung tuần tháng 11 vừa qua đại diện các cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ, Nga, Iran và LHQ, đã kết thúc vòng đàm phán thứ hai tại Vienna về một kế hoạch rộng lớn hơn cho cuộc chuyển tiếp chính trị tại Syria. Các nước này đồng ý đưa các đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập vào bàn đàm phán do LHQ làm trung gian vào tháng 1-2016. Họ cũng lên tiếng ủng hộ việc thành lập một cơ cấu cai trị bao gồm các phe phái có thể tin cậy được trong vòng 6 tháng, tổ chức bầu cử tự do và công bằng trong vòng 18 tháng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại: theo kế hoạch này, một cuộc ngưng bắn có thể được thi hành tại Syria khi các đại diện chính phủ và phe đối lập thực hiện những bước đầu tiên của việc chuyển tiếp dưới sự giám sát của LHQ. Tuy nhiên, cuộc ngưng bắn sẽ không bao gồm IS hay tổ chức khủng bố Al-Nusra có liên hệ với Al-Qeada.

Ngày 7-12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby, nói: “Phiến quân ở Syria sẽ bắt đầu thiết lập những nguyên tắc chung để dựa vào nhau lúc bắt đầu chuẩn bị cho những cuộc thảo luận với chính quyền Assad”.

Chính quyền Arập Xêút cho rằng, tất cả những phe phái đối lập ôn hòa của “các sắc tộc, các phe tôn giáo và chính trị bên trong và bên ngoài Syria” đều được mời tham dự các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, phe người Kurd ở Syria, trong đó có đảng Đoàn kết Dân chủ, hôm 7-12 cho biết họ chưa nhận được lời mời.

Trong khi Arập Xêút tổ chức các cuộc thảo luận để xác định các đại diện của phe đối lập ôn hòa tại Syria, Jordani đang tiến hành nỗ lực riêng rẽ để giúp các cường quốc đạt được một đồng thuận về tổ chức đối lập nào tại Syria được xem là những tổ chức khủng bố và những tổ chức nào được xem là ôn hòa.

Sau 3 ngày nhóm họp, hôm 10-12, các nhóm đối lập chính trị và vũ trang của Syria tham gia hội nghị ở Riyadh đã nhất trí về một khuôn khổ đàm phán với Tổng thống Assad. Một thành viên Liên minh Dân tộc Syria (SNC) tiết lộ: "Đã đạt được thỏa thuận về một tầm nhìn thống nhất cho quá trình giải quyết và một ủy ban tối cao đóng vai trò tham chiếu cho phái đoàn đàm phán. Các thành viên của ủy ban này sẽ được xác định sau".

Tuyên bố cuối cùng của hội nghị đã kêu gọi đưa Syria trở thành một quốc gia dân chủ, đa đại diện, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Bashar al-Assad cần từ chức vào lúc bắt đầu tiến trình chuyển tiếp. Tuyên bố nêu rõ các bên tham gia hội nghị ở Riyadh ủng hộ "một cơ chế dân chủ thông qua chính quyền đa nguyên, đại diện cho tất cả bộ phận của người dân Syria", không phân biệt tôn giáo, phe phái hay sắc tộc. Các bên cũng cam kết duy trì các thiết chế nhà nước của Syria cũng như tái cơ cấu các lực lượng quân đội và an ninh.

Syria: Không dễ có hòa bình khi “nói” nhiều hơn “làm” - 2

Một lực lượng đối lập tại Syria.

Về phần mình, Tổng thống Assad một mặt ủng hộ một chính phủ chuyển tiếp nhưng lại từ chối rời ghế trước khi bầu cử được tổ chức. Gần đây, ông Assad còn tuyên bố đàm phán hòa bình không thể bắt đầu giữa lúc đất nước còn bị chiếm đóng bởi “khủng bố” – ám chỉ tất cả phe phái đối lập và các nhóm khủng bố tại Syria.

Phản ứng trước kết quả hội nghị trên, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10-12 đã gọi đây là “bước đi đầu tiên” để chuẩn bị nền móng cho cuộc đàm phán với chính phủ của Tổng thống Syria al-Assad.

Trước khi hội nghị hòa bình về Syria diễn ra, ngày 11-12, đại diện Mỹ, Nga và LHQ họp trước để trình bày quan điểm của các bên. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov, Nga cùng với đại diện của Mỹ và LHQ cố gắng tìm một “khung thỏa thuận ngưng bắn tại Syria”. Cuộc họp 3 bên này nằm trong khuôn khổ tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria mà Hội nghị Quốc tế 17 nước đã đạt được hồi cuối tháng 10-2015 gồm các nét chính: ngưng bắn, thành lập chính phủ lâm thời và tổng tuyển cử trong vòng 18 tháng.

Cho đến nay, quan điểm của Nga vẫn là ông Assad vẫn “giữ nguyên vị trí” và số phận của ông phải để cử tri Syria quyết định. Nhưng Mỹ thì luôn thay đổi, lúc thì nói là Tổng thống Assad phải ra đi như một điều kiện tiên quyết cho đàm phán hòa bình, khi thì bảo ông Assad chỉ được ở lại cho đến khi tiến trình đàm phán bắt đầu. Mới đây, Washington còn nói rằng ông Assad không đại diện cho số đông người Syria nên không có quyền tham gia vào cuộc bầu cử sắp tới. Quanh đi quẩn lại, Mỹ muốn ông Assad phải từ chức nhưng giao lại đất nước Syria cho ai thì Washington không nói rõ.

Về phía các phe phái đối lập cũng xung đột quan điểm về số phận ông Assad. Liên minh Dân tộc Syria (phe đối lập chính ở Syria) có trụ sở ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cùng một số nhóm gần gũi với các nước hậu thuẫn chính quyền Syria đòi hỏi để ông Al-Assad cầm quyền trong suốt giai đoạn chuyển tiếp. Trong khi, các nhóm được Mỹ, Arập Xêút và Qatar hậu thuẫn thì vẫn yêu cầu ông Al-Assad phải ra đi ngay lập tức, nhưng Iran và Nga - hai nước vốn hậu thuẫn chính quyền Syria lại kịch liệt phản đối.

Giới chuyên gia cho rằng những mâu thuẫn trên có thể khiến hội nghị về Syria vào ngày 18-12 tới có nguy cơ thất bại.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm